Lợi dụng tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, nhiều kẻ không ngần ngại than nghèo kể khổ, đeo bám để xin tiền qua mạng. "Cái bang online" ngày càng có nhiều môn đệ, nở rộ mạnh mẽ trong thời kì dịch dã.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều người bị giảm lương, nghỉ không lương, thậm chí mất việc. Nhiều gia đình lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi mất đi nguồn thu nhập chính, phải nuôi 3, 4 miệng ăn. Sự ra đời của những hội nhóm Giúp nhau mùa dịch đã góp phần nào vơi bớt đi gánh nặng, tại đây hàng trăm hộ gia đình đã được tiếp sức cả về mặt y tế, tiền, thức ăn và nhu yếu phẩm hàng ngày.
"Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều"
Một vị mạnh thường quân trong nhóm chia sẻ: "Mình thấy một bạn khiếm thị đăng bài tìm sự giúp đỡ vì công việc làm xoa bóp (xoa bóp người mù) đã bị tạm dừng một thời gian. Bạn này đăng kèm các thông tin chứng minh nhân thân và để lại số điện thoại xác minh nơi làm việc nên mình đã hỗ trợ một khoản tiền nhỏ. Bạn cũng nhanh chóng xóa bài và cảm ơn khi cảm thấy mình đã nhận đủ, để dành cơ hội được giúp đỡ cho nhiều người khó khăn khác".
Đây là dạng bài được đăng nhiều nhất trong hội nhóm Giúp nhau mùa dịch, sau các bước xác minh danh tính, một số nhà hảo tâm sẽ chuyển tiền, hoặc mua đồ ăn gửi đến cho người đăng bài. Sự đùm bọc đáng quý đã lan tỏa tình yêu thương đến với tất cả mọi người từ Nam ra Bắc không phân biệt, tất cả đều chung tay với niềm tin giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt.
Giúp nhau tất cả những gì có thể, không ngại người lạ người quen
Nhiều hội nhóm tình nguyện cũng để lại địa chỉ liên lạc, ai thiếu gạo, thiếu rau chỉ cần gọi điện sẽ có người mang đến tận nơi. Các nhà hảo tâm ở nước ngoài cũng nhờ bạn bè ở Việt Nam đứng ra xác minh hoàn cảnh khó khăn để gửi tiền ủng hộ.
Nhưng câu chuyện không đơn giản dừng lại ở đó khi rất nhiều kẻ nhanh chóng "ngửi" được mùi kiếm cơm và lập nên những kế hoạch xin tiền tinh vi hơn. Chúng tìm những hình ảnh trẻ em lấm lem bùn đất, không mặc đủ quần áo, những ngôi nhà xập xệ không có gì đáng giá, liên tục đăng bài kể khổ. Sau khi đã ngụy tạo danh tính thành công, những kẻ này sẽ bắt đầu hành trình lang thang ăn xin khắp mạng xã hội, vài mạnh thường quân không mảy may nghi ngờ mà chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.
Nhiều người đùa vui "không biết giúp nhau mùa dịch hay là bóc phốt mùa dịch"
Một số khác nói cần lương thực nhưng khi được xin địa chỉ nhà để gửi đồ thì vòng vo, bịa ra đủ lý do và chốt hạ xin tiền, từ chối không nhận hiện vật. Vài người đã được giúp từ vài triệu, thậm chí vài chục triệu nhưng lại xin đi xin lại rất nhiều lần, "xin đến nhẵn mặt mà không biết đủ". Chưa kể hết, có tài khoản lấy danh nghĩa xin đồ ăn cho cả nhóm trọ công nhân nhưng sau đó bị bóc phốt giữ hết đồ mạnh thường quân cho mà không chia cho bất kì ai.
Quá bức xúc, quản trị viên nhóm liên tục đăng bài nhắc nhở và quy định bất kì ai đăng tin nhờ hỗ trợ đều phải có địa chỉ kèm theo số điện thoại của tổ trưởng tổ dân phố hoặc công an phường để các nhà hảo tâm có cơ sở xác minh hoàn cảnh, kêu gọi những người đã được nhận trợ giúp hãy nghĩ đến người khó khăn hơn.
Trao đổi với anh T. - bộ đoàn ở phường 22 (quận Bình Thạnh), anh T. cho biết phường luôn sát sao trong việc kịp thời ghi nhận hoàn cảnh của các hộ gia đình và phân chia các gói an sinh theo chính sách của thành phố, kết nối các hội nhóm tình nguyện để xin thêm nhiều phần lương thực cho bà con. Vậy nhưng có vài người đã nhận nhưng lên mạng nói chưa được nhận, dù chậm dù nhanh thì phường cũng luôn cố gắng hết sức để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thậm chí ở những trang cộng đồng có lượt tương tác cao, xuất hiện nhiều môn đệ của "cái bang online" với những bình luận na ná nhau: "Mình tên là abc, vì dịch bệnh khó khăn không đi làm được bây giờ cần tiền chữa bệnh/về quê/đóng học/không có tiền ăn... Không biết vay mượn ai nên đành ghi ở đây. Mong mọi người giúp đỡ 5,10k. STK là 012345678... ngân hàng A. Xin cảm ơn".
Điểm chung của những tài khoản facebook này đều là mới lập, không có hoặc rất ít thông tin. Có người lập đến hàng chục tài khoản ảo, soạn sẵn hàng trăm câu chuyện khác nhau rồi đi "rải" bình luận xin tiền.
Đơn cử, một người có tên tài khoản ngân hàng NGUYEN THI NGOC GIAU đã bị nhiều cư dân mạng phát hiện và tố cáo lên trang web cảnh báo lừa đảo, lúc thì mẹ bị bệnh, lúc thì vợ mang bầu, khi lại cần tiền chữa bệnh...
Một trong những bài "văn mẫu" được soạn sẵn để xin tiền
Thương người đúng nơi, đúng chỗ
Nhà hảo tâm chia sẻ về hoàn cảnh của một bạn khiếm thị kể trên rất vui đã giúp đỡ được đúng người, chị ở lại nhóm với niềm tin và mong muốn san sẻ sự khó khăn với người khác. Chị cho biết suốt gần 4 tháng, chị đã chuyển tiền và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hơn 30 gia đình từ trong Nam đến ngoài Bắc. "Mỗi nhà mình cũng chuyển một vài trăm thôi vì cũng không phải giàu có đâu gì đâu, gia đình có em bé thì mình gửi bỉm sữa, người già thì mình ưu tiên thêm chút đồ ăn ngon.. Có nhiều hoàn cảnh tội quá, nhìn đám trẻ nheo nhóc ăn cháo trắng, húp nước mì tôm mà mình chạnh lòng".
Không phải câu chuyện cổ tích nào cũng kết thúc có hậu, tấm lòng thương người khiến chị gặp nhiều phiền phức. Mỗi lần bình luận hỏi thăm một hoàn cảnh nào đó thì nhiều người khác kết bạn facebook, nhắn tin riêng, nhắn rất nhiều lần. Có những tin nhắn chị chỉ xem chứ không trả lời thì họ tiếp tục xin bằng những từ mà sau khi đọc xong không biết sẽ trả lời thế nào, ví dụ như: Em cầu xin chị, em van lạy chị giúp đỡ em....
"Mình mủi lòng bảo người ta gọi video cho mình xác nhận thì không chịu, giấy tờ tùy thân và tên ngân hàng lại khác nhau, có người khi bị phát hiện lừa rồi còn quay ngược lại chửi. Chán quá nên thôi, mình ra khỏi nhóm luôn và sau đó chỉ góp tiền cho các nhóm hoạt động bài bản, họ có kinh nghiệm nên làm việc dễ hơn".
Trưởng nhóm tình nguyện Nắng ấm yêu thương khẳng định về quan điểm trong cách thức hoạt động từ thiện: "Quan điểm của mình là làm từ thiện phải đúng người, đúng hoàn cảnh thì những gì mình bỏ ra mới xứng đáng. Có trí tuệ trong việc cho đi cũng chính là không tạo cơ hội cho những kẻ có mong muốn trục lợi dễ dàng đạt được mục đích. Nếu vì thương người mà quá dễ dãi thì sẽ sinh ra những kẻ suốt ngày chỉ chực chờ được người khác giúp đỡ mà không lao động".
Sau nhiều tháng hoạt động sôi nổi, ngay sau khi TP.HCM được nới lỏng giãn cách, quản trị viên nhóm Giúp nhau mùa dịch đã thông báo dừng hoạt động. Việc san sẻ với những người khó khăn hơn mình luôn là tinh thần đáng quý, tuy nhiên các mạnh thường quân cần cẩn trọng để tránh lòng tốt bị lợi dụng.