Nghiên cứu mới cho thấy, trong gia đình có càng nhiều người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thì thành viên còn lại chưa tiêm càng ít có khả năng mắc bệnh này. Như vậy, tiêm phòng không chỉ bảo vệ chính bạn mà cả những người xung quanh.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Umeå, ở đông bắc Thụy Điển vừa phát hiện vắc xin COVID-19 không chỉ bảo vệ người đã tiêm mà cả những ai sống quanh họ.
Nếu một người chưa tiêm sống trong gia đình 5 người - mà 4 người khác đã chích ngừa hoặc có miễn dịch tự nhiên do mắc COVID-19 - thì nguy cơ nhiễm virus của họ giảm 97%. Kết quả được đăng tải trên tạp chí y khoa quốc tế JAMA hôm 11/10.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 không chỉ bảo vệ người tiêm mà cả những ai sống cùng họ.
Nghiên cứu khuyến cáo mạnh mẽ rằng tiêm vắc xin rất quan trọng, không chỉ bảo vệ cho cá nhân mà còn giảm khả năng lây nhiễm, đặc biệt là trong gia đình - nơi dễ lây lan bệnh”, Peter Nordström, giáo sư về y học lão khoa tại Đại học Umeå khẳng định.
Nghiên cứu đã phân tích số liệu từ 1,7 triệu người ở 814.806 gia đình tại Thụy Điển. Mỗi gia đình gồm từ 2 tới 5 người.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu lây nhiễm và tiêm chủng để xác định có bao nhiêu người trong mỗi gia đình đã có miễn dịch với virus - dù là do tiêm ngừa hay nhiễm bệnh.
Tất cả các hộ tham gia trong nghiên cứu đều có ít nhất một thành viên chưa có miễn dịch, và các nhà khoa học tính toán xem khả năng mắc COVID-19 của họ ra sao.
Kết quả cho thấy, những người sống trong gia đình 5 thành viên mà có 4 người đã có miễn dịch thì an toàn nhất - giảm tới 97% nguy cơ nhiễm virus, khi so sánh với những người chưa được tiêm khác.
Nếu trong nhà 4-5 người mà 3 người đã được tiêm thì nguy cơ này cũng giảm tới 90%.
Nếu 2 người trong nhà đã có miễn dịch thì con số trên ít nhất là 75%, còn nếu một người trong nhà đã tiêm thì nguy cơ giảm gần 50%.
Miễn dịch cộng đồng là một khái niệm quen thuộc và các nhà nghiên cứu nói rằng kết quả này chứng minh rằng, sự kết hợp bảo vệ từ vắc xin ngừa COVID-19 và miễn dịch tự nhiên có thể ngăn ngừa nhiễm virus ở cả những người không tiêm chủng.
“Có vẻ như việc tiêm phòng không chỉ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh của mỗi người mà còn giảm khả năng lây truyền, do đó giảm thiểu vừa nguy cơ nhiều người bị bệnh nặng vừa những biến thể nguy hiểm mới xuất hiện và chiếm ưu thế”, Marcel Ballin, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
“Do đó việc đảm bảo nhiều người được tiêm có ý nghĩa với từng địa phương, quốc gia và toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Các chuyên gia tin rằng, miễn dịch cộng đồng với COVID-19 đạt được là khi có khoảng 80% dân số - hay cứ 5 người thì có 4 - đã có miễn dịch.
Sự gia tăng của biến thể Delta và khả năng phát sinh các chủng virus thậm chí còn mạnh hơn có thể đẩy mốc mục tiêu lên cao hơn nữa.
Hiện tại ở Mỹ, 65,3% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19 và 56,4% đã tiêm đủ 2 liều. Mặc dầu vậy, Mỹ hầu như đã đến gần miễn dịch cộng đồng hơn những con số trên, khi hơn 44 triệu người được xét nghiệm dương tính với virus kể từ khi đại dịch diễn ra từ năm ngoái.
Miễn dịch tự nhiên chỉ kéo dài khoảng 7 tháng và các chuyên gia y tế vẫn kêu gọi những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 đi tiêm vắc xin khi có thể.