Trồng 3 tháng là cho thu hoạch, với đầu ra rộng mở, nhiều hộ dân cải thiện cuộc sống nhờ thứ rau gia vị tên là quế vị.
Quế vị (hay còn gọi là cây xá xị) là loại thân cỏ, mọc thấp ở chiều cao khoảng 40cm, từ đó nằm lan ra xung quanh. Lá có lông mịn, hình dáng to và có mùi thơm nồng. Rau thường được dùng trong các món cuốn, lẩu gà, món nướng.... và có nhiều tác dụng cho sức khỏe.
Nhiều năm trước, loại rau này chủ yếu được bà con khai thác tự phát, loại rau này là loại cỏ tự nhiên mọc hoang dã trên bờ ruộng, bờ rạch. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, nhiều mô hình trồng rau quế vị theo hướng sản xuất, khai thác nông nghiệp quy mô lớn đang được áp dụng. Từ đó, loại cây gia vị này cũng mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân.
Rau quế vị vốn mọc tự nhiên, nay được nhiều người mở rộng mô hình trồng để bán ra thị trường
Ông Trương Văn Sơn (sinh năm 1974, ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là một trong số những hộ dân tiên phong trồng cây quế vị trên địa bàn của xã Lộc Giang. Từ 0,2ha rau quế vị trồng thử nghiệm đạt năng suất, ông mạnh dạn mở rộng diện tích, trồng 0,5ha. Sau khi trồng 3 tháng, rau quế vị bắt đầu cho thu hoạch dần. Sau một năm thử nghiệm, doanh thu 0,5ha đất vườn trồng rau quế vị nhà ông Sơn cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Từ chỗ nuôi heo bị dịch tả, dịch “lở mồm long móng” đến phá sản mà mang nợ, nhờ cây rau quế vị mà cuộc sống của gia đình ông Sơn đã khác xưa, nuôi 2 con học hành đến nơi đến chốn. Vài năm trước, không còn ai nhận ra một lão nông vất vả “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” mà vẫn không đủ cái ăn, cái mặc.
Ông Sơn bên vườn rau xanh mướt.
Ở cách trang trại của ông Sơn không xa, huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) cũng là một trong số những địa phương đi đầu trong mô hình trồng rau quế vị đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Trương Văn Đang (sinh năm 1959, ngụ ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức) đã mạnh dạn đầu tư trồng rau rau quế vị theo khuyến nghị của Hội Nông dân xã Thạnh Đức. Đầu năm 2022, ông Đang phát triển mô hình trồng rau quế vị sạch xen kẽ với diện tích 1.500m2 trước đây số đất của gia đình ông trồng cây nhãn.
Chỉ bình quân từ 75 đến 80 ngày thì vườn rau của ông cho thu hoạch 1 lần với sản lượng 5.000kg. Rau quế vị có giá bán tại vườn cho thương lái là 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ước tính hơn 45 triệu đồng, 3 lần thu hoạch trong năm là 180 triệu đồng. Cộng thêm chi phí thu được từ việc trồng nhãn, cuộc sống của gia đình ông Đang cải thiện kinh tế rõ rệt.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đã mang lại kinh tế ổn định cho gia đình ông Đang.
Ông Đang cho biết rau rau quế vị là loại rau rất dễ trồng, nhưng người trồng phải biết cách chăm sóc mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Loại rau này thích đất ẩm ướt, đất bùn nước, không ưa nắng nhưng phải có ánh sáng vừa đủ để quang hợp. Trong quá trình trồng rau quế vị, thi thoảng phun thuốc ngừa sâu rầy, và bón diêm phân. Ngoài ra lúc khai thác không được cắt hết phần thân mà bỏ phần gốc, phải tiếp tục giâm cành để cây ra lứa tiếp theo.
"Vấn đề là không được ép cắt rau sớm. Phải chờ khi rau đúng lứa mới cắt bán để gốc rau đủ mạnh, phát triển tốt cho đợt sau, và lâu dài", chị Ngọc Loan - một hộ dân khác ở huyện Gò Dầu (Tây Ninh) cũng trồng cây quế vị chia sẻ. Theo chị Ngọc Loan, lúc đầu chị mua khoảng 100kg giống rau quế vị gồm cả rễ rồi giâm xuống đất ruộng. Đến nay, chị chưa từng phải trồng lại bất kỳ giai đoạn nào mà cứ thu hoạch cuốn chiếu là có rau cắt bán cho thương lái.
Để nâng cao chất lượng, mẫu mã cho rau quế vị, vài năm gần đây, chị Ngọc Loan đã trồng rau quế vị trong nhà lưới. Việc trồng trong nhà lưới giúp rau quế vị đẹp, lá đều, mượt hơn. Quan trọng hơn, trồng cách này giúp hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc cho rau, giúp rau quế vị gần như là rau sạch.
Vườn rau sạch của chị Ngọc Loan.
Theo chị Ngọc Loan, trong năm giá rau quế vị đứng ở mức 14.000 – 16.000 đồng/kg. Vào tháng 4 – 5 trong năm là thời điểm giá rau quế vị bước vào cao điểm khoảng 20.000 đồng/kg. Thương lái tăng cường đóng rau quế vị xuất bán tận miền Bắc, vì vậy mà “cung không đủ cầu”, khi nào vườn nhà chị Loan cũng tấp nập thương lái đến mua rau.