Hiện nay, nghề săn bắt chuột đồng nổi tiếng nhất vẫn là ở huyện Yên Thành (Nghệ An), nhiều người dân đi khắp các huyện, đến tận từng bờ ruộng để đặt bẫy bắt chuột.
5 giờ sáng trời vẫn còn tối, ông Nguyễn Văn Quang (60 tuổi, ngụ xã Tân Hoà, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thức dậy lo cơm nước rồi buộc giỏ đồ nghề lên chiếc xe máy cà tàng. Mất 30 phút di chuyển để ra được hồ Đá Đen, khu vực “hoạt động” của những người đi bẫy chuột cống nhum như ông Quang. Tầm 7 giờ, nắng vừa lên cũng là thời điểm nơi này tấp nập người đi cào hến, bắt cá, ốc và cả chuột nhum.
“Tranh thủ mùa nước cạn, mặt hồ trơ ra bao nhiêu là rễ cây. Lúc này chuột đồng sẽ chạy khắp nơi nên tha hồ mà bắt, lại dễ đặt bẫy hơn hẳn. Chính vì vậy mà cứ vào tháng 7,8 âm lịch là những người làm nghề bắt chuột nhum chúng tôi lại tranh thủ đi sớm về trễ hơn, bắt được nhiều chuột hơn để trang trải cuộc sống”, ông Quang kể.
Chuột cống nhum khá to, một con có thể lên tới 1kg.
Đồ nghề mà ông Quang mang theo để săn chuột cống nhum khá đơn giản, bao gồm một chiếc bẫy tự chế được làm bằng lồng sắt, thức ăn làm “mồi nhử” bao gồm cua, ốc, khoai, mì, lúa, đồ ăn thừa trong nhà cũng được tận dụng để “vỗ béo” đàn chuột cống nhum. Ngoài ra, chuột cống nhum chủ yếu đi ăn vào ban đêm nên ông Quang nếu đặt bẫy vào buổi tối còn phải mang theo đèn pin rồi sáng sớm mới thu hồi chiến lợi phẩm, sau đó tìm vị trí mới đặt bẫy.
Vừa mở những chiếc lồng bẫy đầu tiên với 2,3 con chuột cống nhum sa bẫy, ông Quang vừa cho biết hôm nay “trúng mánh”, đặt bẫy được cả một đàn chuột cống nhum đông đúc. Chuột cống nhum được người dân địa phương gọi là chuột ba lông, chuột khè, cà sóc, chuột nhum... Điểm dễ nhận biết nhất là cống nhum có màu lông đen, ba tầng lông dài ngắn khác nhau và đặc biệt phát ra tiếng kêu “khè khè” nghe như tiếng rắn hổ mang kêu rất hung dữ.
Thế nhưng thực tế, chuột cống nhum khá lành tính, chúng chỉ sống ngoài đồng ruộng, đầm lầy, hồ đập, không bao giờ sống trong khu dân cư. Do đó, thức ăn của chúng hoàn toàn là tự nhiên nên thịt sạch, thơm ngon, săn chắc và đặc biệt không có mùi hôi nên được các quán nhậu thu gom về chế biến làm đặc sản. Chuột cống nhum là đặc sản ở nhiều tỉnh miền Tây, có thể chế biến thành nhiều món ngon như chiên sả ớt, nướng lu đồng, chuột cống nhum khìa nước dừa…
Chuột cống nhum nướng lu đồng, đặc sản miền Tây.
Mỗi ngày ông Quang gài từ 50-70 bẫy, bắt được khoảng 5-7kg chuột, bán với giá từ 85-90 nghìn đồng/kg. Nếu như có mối lớn đặt thì ông Quang gom 2-3 ngày vài chục kg chuột nhum cống, thả trong lồng rồi đợi mối lái xuống tận nhà thì chở lên khu vực Bến Gỗ (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), bán cho các quán nhậu đặc sản. Lượng chuột cống nhum mà bà con nông dân bẫy được thậm chí không đủ để cung cấp cho các nhà hàng trong khu vực.
Cũng là một trong số những người bén duyên với nghề săn chuột cống nhum hơn 40 năm nay nhưng ở khu vực Tân An, tỉnh Long An, ông Huỳnh Khắc Duy thuộc nằm lòng những nơi sinh sống và tập tính của loài vật này. Chỉ cần đi ngang qua mép nước, nhìn kỹ dấu chân in trên lớp bùn, đất chuột lưu lại là ông Duy có thể phán đoán việc được việc đặt bẫy ở đâu sẽ “bội thu”. “Chuột cống nhum đi dấu in trên đất khá sâu, to và móng dài. Còn các loại chuột vàng, chuột cơm thì dấu chân nhỏ và mờ. Trong các đám cỏ, lúa thì nhìn đường đi láng trơn, vệt mòn, cứ đặt bẫy là dính”, ông Duy cho biết.
Bẫy chuột cống nhum “bội thu”.
Tương tự cách làm của những người đi bắt chuột cống nhum khác, khi đã phát hiện ra “dấu vết” của bầy chuột, ông Duy sẽ gạt mặt đất xung quanh cho bằng phẳng, dùng dao chặt một đoạn cây ngắn khoảng 1m cắm xuống làm cần. Tiếp đó, ông nối cần với sợi dây thun và buộc 2 sợi cáp vòng tròn. Giữa bãi đất ông cắm bàn đạp tre và gài dây thun trên cần vào. 2 vòng dây cáp được ông cố định bằng những que nhỏ. Gài bẫy xong, ông vơ bèo tây, cỏ dại kẹp hai bên bẫy thành đường luồng cho chuột đi vào. Khâu cuối cùng, ông lấy một nắm gạo rắc vào bẫy.
“Mình tạo đường luồng để chuột cứ theo đó đi vào ăn gạo. Khi chuột đi qua đạp bàn đạp khiến sợi dây gài bật lên kéo 2 sợi cáp buộc vào nách chuột”, ông Duy nói. Tuy nhiên khuyết điểm của việc đặt bẫy chuột cống nhum là dễ khiến chúng chết do phơi nắng nếu đến gỡ bẫy không kịp. Bởi theo ông Duy, giống chuột này rất kỵ trời nắng, nếu không thăm bẫy sớm, trời nắng lên chuột sẽ bị dốc ngược bụng lên và chết do thiếu nước. Vào mùa nắng, tỷ lệ thiệt hại có thể lên tới 50% số chuột cống nhum sa bẫy bị chết do phơi nắng.
Trong lồng nhốt, 5 con chuột cống nhum vừa liên tục nhe răng to nhọn và phát ra những tiếng khè khè như rắn hổ mang. Giơ ngón tay còn mang vết sẹo lớn ông Quang cho hay, đó là vết tích do chuột cống nhum để lại. Chuột cống nhum rất dữ và có răng lớn, sắc. Khi nó cắn, cặp răng bấm sâu nên để lại vết thương rất lớn. Mỗi lần chuột dính bẫy, ông đều phải dùng que gỗ đè chặt rồi bóp sau gáy, từ từ gỡ bẫy và cho vào lồng.
Món ăn yêu thích của chuột cống nhum là lúa non.
Cách thứ hai để bắt chuột cống nhum là “đào hang”, cách này truyền thống hơn và mang lại hiệu quả cũng không thua kém so với việc đặt bẫy. Chỉ cần lần theo dấu chân của chuột cống nhum để lại trên đồng ruộng tới tận cửa hang của chúng, cứ thế đào hang cho tới khi đàn chuột bị dồn tới “đường cùng”, người bắt chuột cống nhum có thể dùng tay “bắt trọn ổ”. Tuy cách này hạn chế việc làm chuột cống nhum chết do phơi nắng, nhưng lại có khuyết điểm là gây nguy hiểm cho người đào hang.
Bởi chuột cống nhum có răng nanh rất sắc nhọn, khi nó cắn, cặp răng bấm sâu nên để lại vết thương rất lớn. Giơ ngón tay còn mang vết sẹo lớn ông Duy cho hay, đó là vết tích do chuột cống nhum để lại. Mỗi lần chuột dính bẫy, ông đều phải dùng que gỗ đè chặt rồi bóp sau gáy, từ từ gỡ bẫy và cho vào lồng, dù vậy vẫn để lại thương tích. May mắn chuột cống nhum lành tính, vết cắn chỉ vài ngày là lành, không có độc hay bệnh truyền nhiễm nhưng nếu “độc da, độc thịt” cũng sẽ sưng tấy nhiều ngày.
Ông Quang tiến hành đặt bẫy chuột cống nhum.
Ông Duy cho biết, ở Long An rất nhiều người làm nghề “thợ săn chuột cống nhum”. Ban đầu bà con chỉ đi bắt chuột để chúng không làm hại đồng lúa (do món ăn yêu thích của chuột cống nhum là hạt lúa non thơm mùi sữa) và đổi vị bữa ăn cho cả gia đình. Nhưng lâu dần, chuột cống nhum được nhiều người biết đến như một loại đặc sản nổi tiếng miền Tây, nhiều thực khách sành ăn tìm tới tận Long An để thưởng thức món ăn từ loại động vật này.
Chính vì vậy mà chuột cống nhum rất được giá, nhiều người dân chuyển hướng sang hành nghề “thợ săn” chuột cống nhum như một công việc chính. Như nhóm của ông Duy có hơn chục người, hành nghề săn chuột đồng từ hơn 20 năm nay. Họ tụ tập để chuẩn bị sẵn hàng trăm chiếc bẫy lồng bằng lưới thép tự thiết kế gắn lò xo và lẫy để bẫy chuột, rồi tìm địa điểm trong và ngoài tỉnh để đặt bẫy chuột. Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước… nơi nào nhóm của ông Duy cũng đều khảo sát qua. Công việc này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người thợ săn chuột cống nhum mà còn giúp người dân bảo vệ mùa màng, còn giúp đặc sản quê hương có tiếng trên bản đồ ẩm thực nước nhà.
Ông Duy cho biết, dù ngày càng đông người đi bắt chuột cống nhum nhưng chúng sinh sản rất nhanh, số lượng lại nhiều nên chẳng quan tâm đầu mùa hay cuối mùa, lúc nào nhóm săn chuột của ông cũng bận rộn. Sau mỗi ngày rong ruổi khắp các cánh đồng để săn chuột, mọi người lại cùng nhau ngồi lại, nhấm nháp món thịt chuột cống nhum nướng cùng vài ly rượu đòng đòng, vừa ăn vừa cười nói vui vẻ. Hơn ai hết, những người thợ săn này hiểu rõ tập tính sống của nó để biết rằng thịt chuột cống nhum ngon và sạch sẽ như thế nào.