Mỗi ngày người dân có thể bắt được từ 5 đến 9kg cào cào, thu từ 1 đến 2 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Hữu Phước (45 tuổi, huyện Hóc Môn, TP. HCM) - một người thường đi săn bắt cào cào cho biết: Có 2 mùa để săn loài côn trùng cánh mỏng này. Từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch bắt cào cào nhỏ, loại vừa mới được sinh sản, chưa mọc đủ cánh, bán cho người nuôi chim, thu nhập từ 800.000 đến 1 triệu đồng/ngày/người. Còn từ tháng 5 đến tháng 12 bắt cào cào trưởng thành, có cánh, bán ra thương lái với giá 200.000 đồng/kg.
Những người hành nghề săn cào cào như anh Phước còn gọi là “thợ vợt".
Anh Phước thường bắt cào cào ở cánh đồng hoang rợp cỏ dại ở huyện Bình Chánh, TP. HCM. Dụng cụ chuẩn bị gồm có một cây vợt lớn và một chiếc thùng chứa cào cào. Ngoài ra nghề này phải “chạy" xe máy hàng km để săn cào cào nên phương tiện di chuyển là không thể thiếu.
Tầm 5 giờ, bình minh bắt đầu đổ xuống cánh đồng hoang thì anh Phước bắt đầu “hành nghề". “Mỗi ngày, tôi đi vợt 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Sáng, tôi đi sớm, khi nắng lên là về ăn cơm. Chiều, tôi thường đi vợt từ 18h tối đến 22 giờ đêm mới về nghỉ ngơi ăn uống”, anh cho biết. Anh đã làm công việc vợt cào cào bán cho người nuôi chim cảnh suốt 13 năm qua và được đánh giá là “lão làng" trong giới săn cào cào. Công việc này cũng mang lại nguồn thu nhập khấm khá cho gia đình anh.
Công việc này mang lại thu nhập khấm khá cho gia đình anh Phước.
“So với thức ăn công nghiệp, thịt cào cào tươi sống giúp chim quý khỏe, lông mượt, sung mãn, hót hay hơn. Vậy nên cào cào luôn được giới chơi chim cảnh săn đón. Trước đây, những người như chúng tôi thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày từ việc vợt cào cào là điều bình thường với từ 2-5kg cào cào/ngày”, anh nói.
Bắt đầu cầm vợt chạy xe máy quanh cánh đồng, thành quả của buổi chiều săn cào cào ngày hôm nay của anh Phước “không tệ". Tại đây, anh quơ cây vợt lớn trên ngọn cỏ, bắt trọn tất cả những loại côn trùng bay ra. Sau khi vợt xong, anh đổ cào vào chiếc thùng để đựng, sau đó về nhà sẽ phân lựa từng loại để bán cho người nuôi chim, làm ngày nào về bán hết ngày đó.
Anh cho biết: “Những con chưa mọc cánh, thân còn đang màu xanh sẽ được chọn bán cho người nuôi chim với giá 20 con 5.000 đồng, tôi đóng gói 20 con/túi để bán sỉ lẻ. Những con lớn tôi gom lại bán cho thương lái, giá khoảng 200.000 đồng/kg”.
Cào cào non đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên theo anh Phước, nhiều năm trở lại đây ruộng lúa, đồng hoang ngày càng bị thu hẹp. Cào cào hiếm đi thấy rõ, anh phải rong ruổi trên những cánh đồng hoang tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… mới có đủ hàng cung cấp cho thương lái. Một lý do nữa là do thời điểm này tiết trời nắng nóng, cỏ cháy khô, cào cào càng thêm khan hiếm.
Công việc đem lại thu nhập ổn định này chỉ đơn giản là quơ cây vợt, bắt trọn mọi loại côn trùng bay ra.
Ở tại Hà Tĩnh, Nghệ An, có những nhóm “thợ vợt" giống như anh Phước, nhưng hoạt động với quy mô hoành tráng hơn. Thời điểm một số diện tích lúa xuân sớm ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bắt đầu cho thu hoạch, những ổ cào cào lớn xuất hiện ngày càng dày đặc, thu hút đội quân “săn” cào cào từ Nghệ An vào đánh bắt. Hội của anh Hồ Văn Vượng, trú tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) có hơn 10 người, phân ra nhiều địa điểm như xã Xuân Trường, Xuân Hội (Nghi Xuân) để vợt bắt.
Anh Vượng chia sẻ, nghề này tuy vất vả nhưng giúp gia đình anh có thu nhập ổn định, những hôm "trúng" kiếm được hơn triệu đồng, hôm nào ít cũng được khoảng 700.000 đồng. Việc đánh bắt cào cào còn giúp bảo vệ mùa màng nên có thể coi là “lợi đơn lợi kép”. Vất vả nhất là ở chỗ sau khi vợt được cào cào, người săn bắt phải thức trắng đêm phân loại từng con một.
Nhóm anh Vượng bắt cào cào trên lúa sắp vào vụ thu hoạch.
“Những con cào cào non, có kích thước lớn mới có giá. Cào cào già, ốm sẽ không đạt tiêu chuẩn nên giá bán rất rẻ. Cào cào non đại, cào cào non vừa… dành riêng cho các loại chim quý, chim đấu như: Họa mi, chích chòe, chim đột biến... có giá trị cao nên giá thành cao hơn. Đã thế, lần vợt này lẫn vào quá nhiều côn trùng khác”, anh bộc bạch.
Thêm một vấn đề nữa là người làm nghề này cũng cần có kinh nghiệm, nhận biết khu vực có nhiều cào cào. Tháng 2, tháng 3, họ thường ra bưng biền hoặc bờ sông để vợt. Sang tháng 5, tháng 6, trời có nhiều mưa, cào cào sợ nước, ẩm ướt sẽ lên vùng đất cao, thoáng. Lúc này, người vợt sẽ đến các gò đất hoang tìm cào cào. Vừa săn cào cào vừa phải giữ tài nguyên, một địa điểm phải săn cách nhau 15 - 20 ngày giữa 2 lần, để kịp sinh sản. Chính vì vậy anh Vượng cũng phải đổi địa điểm liên tục.
Thành quả của anh Vượng hôm nay.
Tuy vậy, anh Vượng cũng khẳng định thu nhập từ công việc này khá ổn định, giúp anh nuôi con ăn học, chăm lo cuộc sống riêng. Cũng theo anh, với thu nhập như trên, người siêng năng, vợt đều các ngày trong tuần “đều sống khỏe”. Thậm chí có nhiều người trở thành vựa thu mua cào cào, có cuộc sống ổn định, sung túc. Dẫu mùa này cào cào hiếm hơn nhưng anh vẫn đảm bảo thu nhập 500.000 - 600.000 đồng/ngày từ việc vợt cào cào.