Nghề lạ ở Việt Nam: Nuôi loài chim lạ không biết bay, ăn rau củ rẻ tiền, 10 tháng bán làm đặc sản lãi 5 triệu/con

HÀ ANH - Ngày 21/09/2022 12:12 PM (GMT+7)

Nuôi đà điểu mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo trở thành tỷ phú.

Đến tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa hỏi thăm trang trại nuôi chim đà điểu của bà Phùng Thị Ngọ, không ai ở khu vực này là không biết. Nhiều người dân xung quanh cho biết, trang trại nhà bà Ngọ không chỉ là trang trại nuôi chim đà điểu lớn nhất tại tỉnh Thanh Hóa, luôn tấp nập người đến tham quan, giao dịch mua bán mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại thị trấn Thiệu Hóa.  

Đà điều là loài chim hoang dã, nhưng sau khi thuần hóa lại rất dễ nuôi.

Đà điều là loài chim hoang dã, nhưng sau khi thuần hóa lại rất dễ nuôi.

Theo lời bà Ngọ, khu đất này trước đây gia đình bà thầu để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên vào năm 2015, dịch bệnh cúm gà bùng phát, giá thịt gia cầm giảm mạnh khiến bà rơi vào hoàn cảnh thua lỗ nặng nề. Lúc này gia đình bà Ngọ buộc phải tìm hướng đi mới do khoản nợ từ ngân hàng vẫn phát sinh tiền lãi hàng tháng.

Lúc này, bà Ngọ tình cờ xem trên truyền hình thấy ở các tỉnh phía Bắc người ta nuôi đà điểu rất nhiều. Qua tìm hiểu, bà mới biết đà điểu là loài dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh lại có mô hình chăn nuôi và hệ thống chuồng trại khá giống với nuôi gia cầm nên quyết định thử nghiệm. 

Nói là làm, gia đình bà Ngọ cải tạo lại hệ thống chuồng trại cũ rồi ra tận Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Ba Vì, Hà Nội) mua 36 con đà điểu châu Phi với giá ở thời điểm đó khoảng 2 triệu đồng/con. Đồng thời bà cũng ra tận trang trại của một người nuôi chim đà điểu ở Hòa Bình để học hỏi kinh nghiệm. 

Bà Ngọ bên trang trại của mình.

Bà Ngọ bên trang trại của mình.

Ngay ở lứa đà điểu đầu tiên, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn đà điểu của gia đình bà nhanh lớn và không bị nhiễm dịch bệnh. Đàn đà điểu ăn khỏe, lớn nhanh như thổi, bà Ngọ mạnh dạn ra Trung tâm mua thêm giống. “Tổng cộng trong năm đầu tiên, tôi đã đem về 153 con chim đà điểu", bà Ngọ chia sẻ.

Tham quan chuồng trại của bà Ngọ, có thể thấy khu vực sống của chim được thiết kế rộng rãi, phía dưới để mặt đất tự nhiên, giúp đà điểu chạy nhảy được thoải mái. Xung quanh rào hàng rào bằng thép B4 để đà điểu không chạy ra ngoài. Thói quen của đà điểu sống ở sa mạc luôn thường xuyên tắm cát để làm sạch cơ thể và loại bỏ các ký sinh trùng ngoài da. Đà điểu cũng rất thích tắm mưa nêu không có đệm cát nước mưa sẽ làm sân lầy bùn và bộ lông đà điểu bẩn dễ gây bệnh tật. Sân chơi có trồng cây làm bóng mát cho đà điểu trú nắng. Ngoài ra, loài chim này rất sợ tiếng ồn, do đó trang trại phải tách biệt với khu dân cư.

Về thức ăn của đà điểu, bà Ngọ cho biết,đà điểu chủ yếu ăn cỏ, bèo tây, và các phế phẩm nông nghiệp khác. Đối với các loại rau, cỏ thu hái về xay nhỏ trộn với cám gạo, cám ngô, mỗi ngày chỉ cần cho chim ăn một lần vào buổi sáng. Thỉnh thoảng, bà bổ sung thêm các loại vitamin, premix khoáng và thức ăn từ động vật như trùn quế, dế, giun… vào thức ăn cho đà điểu để chúng có đủ dinh dưỡng. 

Mô hình trang trại nuôi đà điểu.

Mô hình trang trại nuôi đà điểu.

Với đà điểu thương phẩm, sau 10 tháng kể từ khi ấp nở có thể cho xuất chuồng, trọng lượng trung bình là 100 kg. Thịt đà điểu có nhiều giá trị dinh dưỡng nên giá bán tốt, da, lông, xương đà điểu đều có thể chế biến thành các sản phẩm khác nhau… Hiện nay đà điểu có giá bán 90.000 - 110.000 đồng/kg hơi, 250.000 – 270.000 đồng/kg thịt. Với mỗi con đà điểu nếu bán hơi người chăn nuôi lãi khoảng 4 triệu đồng, bán thịt sẽ lãi 5 triệu đồng.

Ngoài ra bà Ngọ còn buôn bán đà điểu giống và trứng chim đà điểu. Đối với chim bố mẹ, bà Ngọ cho ghép đàn theo tỷ lệ 2 mái 1 trống để cho sinh sản. Mùa sinh sản của đà điểu bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 8 âm lịch năm sau. Một con đà điểu đẻ từ 40 - 45 quả trứng/năm, tỷ lệ trứng có phôi đạt 70%. Như vậy, với quy mô trang trại hơn 2 ha, mỗi năm gia đình nhà bà Ngọ thu về hơn 2 tỷ đồng (sau khi đã trừ đi chi phí, giống và lương nhân công).

Không chỉ bà Ngọ là nông dân đầu tiên thành công với mô hình nuôi chim đà điểu, ở xóm Hòa Tiến 2, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, anh Trần Quang Ích đã tận dụng những diện tích đất hoang hóa của địa phương để xây dựng trang trại nuôi đà điểu. 

Từng lăn lộn tại Hà Nội với nhiều nghề như thợ kim hoàn, bốc vác… nhưng anh Ích luôn nung nấu ý chí quay trở về quê hương làm giàu. Năm 2017, anh tình cờ làm quen với một người chủ trang trại nuôi chim đà điểu ở Ba Vì (Hà Nội). Thấy mô hình mang lại triển vọng kinh tế cao, anh Ích quyết định vay mượn để khởi nghiệp. 

Anh Ích đang cho đà điểu ăn.

Anh Ích đang cho đà điểu ăn.

Ban đầu anh đã nhập 50 con giống (mỗi con giá 2,7 triệu đồng) về nuôi kèm với gà và cá. Không được học tập bài bản về chăn nuôi, nhưng với kinh nghiệm của một người đã quen với đồng áng, chuồng trại từ nhỏ, anh tự tin mình có thể làm được. Với những kinh nghiệm ít ỏi hỏi được, không được học tập bài bản về chăn nuôi, nhưng với kinh nghiệm của một người đã quen với đồng áng, chuồng trại từ nhỏ, anh Ích tự tin mình có thể làm được.

Ngày đầu lập nghiệp, khó khăn lớn nhất mà anh Ích phải đối mặt là đà điểu đến lúc “xuất thịt” nhưng không biết bán nơi đâu, trong khi đà điểu nuôi không thể lớn thêm mà vẫn tốn thức ăn. Không nản chí, anh nhận liên hệ với các trang trại đà điểu ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng để tìm đầu ra. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều thương lái hay chủ nhà hàng, quán nhậu… tìm đến tận trang trại của anh Ích để đặt hàng. 

Sau lứa đầu tiên nuôi đà điểu, anh Ích trả hết nợ nần vẫn còn “rủng rỉnh” tiền bạc nên quyết định mở rộng mô hình trang trại, trồng thêm cây chè, đào ao nuôi cá… “Lấy ngắn nuôi dài”, thu nhập từ chè, cá và đà điểu thịt anh Ích trở thành “tỷ phú” đất Thái Nguyên. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Ích còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân trong xã về kinh nghiệm về chăn nuôi đà điểu, kỹ thuật nuôi đà điểu giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Nghề lạ ở Việt Nam: Nuôi loài lạ là đặc sản núi rừng, cho ăn hoa quả rẻ tiền, bán 2 triệu/kg thu tiền tỷ mỗi năm
Đến nay trang trại nuôi cầy vòi mốc của anh Nguyễn Văn Chung mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Tin tức 24h

HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h