Với mô hình chăn nuôi loài vật vô cùng độc đáo này, mỗi năm các hộ gia đình đều có nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Kỳ nhông hay còn được gọi là nhông cát, một số nơi gọi là con nhông, con dông, kỳ dông, dông cát… chúng có tên khoa học là Leiolepis, thuộc họ Nhông (Agamidae). Loài bò sát này chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, trong đó số lượng nhiều là ở Việt Nam, Lào, Campuchia… do phù hợp với môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Kỳ nhông trông khá giống với tắc kè, thế nhưng chúng có kích thước to hơn hẳn
Từ lâu, kỳ nhông đã là đặc sản của miền Trung nhờ hương vị thịt thơm ngon đặc biệt. Thịt nhông trắng như thịt gà nhưng thớ thịt săn, thơm và ngọt hơn, xương mềm như sụn, nhai sần sật. Chúng có thể làm thành nhiều món ngon như nướng, xào sả ớt, gỏi, cháo kỳ nhông, chả kỳ nhông, ngâm rượu… trong đó có nhiều món ăn trở thành đặc sản nức tiếng gần xa. Hiện nay, không chỉ có nhà hàng, khu resort, khách sạn ưa chuộng thịt nhông, mà ngay cả các hộ dân cũng thường xuyên mua về để cải thiện món ăn trong gia đình.
Nếu như trước đó, kỳ nhông hoàn toàn được bắt trong tự nhiên, khối lượng không nhiều nên thường khan hiếm, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, nhiều nông dân tại Quảng Nam đã thành công trong việc nhân giống và nuôi kỳ nhông tại nhà. Nghề nuôi kỳ nhông mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.
Thoạt nhìn, kỳ nhông trông khá giống với tắc kè, thế nhưng chúng có kích thước to hơn hẳn. Một con trưởng thành có thể đạt kích thước từ 30-60 cm tính cả chiều dài đuôi. Đầu của chúng có hình tam giác, trên đầu có hai hốc to là tai, phần trán có một hốc xương nhô cao. Da kỳ nhông khá cứng, được bao bọc với hàng trăm lớp vảy xếp đều lên nhau. Ngoài ra, trên phần sống lưng của loài bò sát này có một dãy gai nhọn nổi lên, khiến chúng trông khá hung tợn.
Thế nhưng thực tế, kỳ nhông lại là loại động vật khá hiền lành. Chúng chỉ ăn cây cỏ non, chồi cây hoặc chồi của cây xương rồng. Thi thoảng loài bò sát ăn chay này mới có thể ăn các loại côn trùng nhỏ, giun đất, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn… Chúng “ngủ ngày cày đêm”, thường đi kiếm ăn buổi sáng, trở về hang vào buổi chiều và ẩn nấp cho đến sáng sớm hôm sau.
Món kỳ nhông nướng nổi tiếng là đặc sản Quảng Nam.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, trú xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bắt đầu nuôi kỳ nhông từ năm 2006, nhận thấy tiềm năng kinh tế của kỳ nhông khi nhu cầu tiêu thụ loại thịt này ngày càng cao, anh tự mình tìm hiểu kỹ thuật nuôi rồi mày mò thử nghiệm nuôi loại động vật lấy thịt này.
“Bản chất thì cách nuôi kỳ nhông là không khó. Chúng được xét là động vật không cần nhiều công chăm sóc, ít bệnh tật. Nhưng chủ yếu là chúng ta cần bảo vệ và trông giữ ngăn không cho chúng nhảy thoát khỏi chuồng. Về mặt chuồng trại cần xây kín và có bao quanh bởi lưới để tránh kỳ nhông lẻn đi mất”, anh Tuấn cho biết.
Mô hình nuôi kỳ nhông mang lại giá trị kinh tế cao.
Từ 300 con giống ban đầu, sau gần 1 năm, anh đã có đến hàng ngàn con. Trang trại nhông của anh Tuấn giờ đã rộng hơn 7.000m2, ngoài nuôi kỳ nhông còn tự trồng các loại cây cỏ phục vụ nhu cầu ăn uống của loài động vật này. Kỳ nhông có thể tự sinh sản và phát triển ngay cả trong điều kiện nuôi nhốt. Chính vì vậy anh Tuấn chỉ thả giống một lần ban đầu và về sau tự gây giống giúp duy trì và phát triển đàn. Cứ 8 - 10 tháng là trang trại của anh lại cho xuất chuồng một lứa kỳ nhông thương phẩm.
Có sản phẩm, anh Tuấn lại tiếp tục rong ruổi khắp các tỉnh thành ở miền Trung để “chào hàng”. Hàng anh Tuấn xuất đi không bao giờ lo ế, do các nhà hàng chuyên món đặc sản tại địa phương luôn đặt hàng trước. Cứ đến đợt xuất chuồng, lứa hàng ngàn con kỳ nhông tại trang trại của anh đổ về hết các nhà hàng, thi thoảng có dư ra vài cặp bán giống hoặc bán cho thương lái, khách vãng lai.
Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình anh Tuấn duy trì trang trại khoảng 17.000 con kỳ nhông, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 1 tấn nhông thương phẩm. Với giá 600.000 đồng/kg, mỗi năm doanh thu từ trang trại của anh đạt khoảng 6 tỷ đồng, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho các nhân công của trang trại. Để phát triển thêm, vừa qua anh cũng đầu tư mua thêm 15.000m2 đất ở gần nhà để mở rộng trang trại.
Nhiều người nông dân làm giàu từ nghề nuôi nhông.
Trong xã nơi anh Tuấn sinh sống, bà con cũng bắt đầu học theo mô hình trang trại nuôi kỳ nhông. Không hề giấu giếm kỹ thuật, anh Tuấn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con nuôi loài vật này, còn hỗ trợ giống, thức ăn… Trang trại của anh thường xuyên có người lui tới học hỏi mô hình kỹ thuật, cũng thường xuyên trở thành “tụ điểm” hội họp những người nuôi kỳ nhông cùng bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm nuôi kỳ nhông.
Đến nay, nghề nuôi kỳ nhông đã trở nên phổ biến, nhiều người đã mở rộng quy mô để bán thịt nhông thương phẩm ra thị trường, làm giàu nhờ nghề nuôi kỳ nhông. Nhu cầu thịt của loài vật này cũng không hề giảm sút mà thậm chí ngày càng tăng cao, giá thịt nhông cũng duy trì ổn định theo thời giá, dao động từ 600.00 – 700.000 đồng/kg khiến thu nhập của bà con làm nghề nuôi kỳ nhông ổn định.