Nghề lạ lùng ở miền Tây: Cứ chạy là có tiền, chạy càng nhiều thu nhập càng cao, mỗi ngày kiếm vài trăm nghìn đồng

HÀ ANH - Ngày 17/06/2022 14:40 PM (GMT+7)

Không phải vận động viên nhưng những người làm nghề dây keo ở nhiều tỉnh miền Tây mỗi ngày phải vừa đi vừa chạy bộ chừng 15-20 km để se sợi dây thừng. Công việc tuy có vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Nằm cách trung tâm UBND xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, An Giang) chừng vài cây số, có một xóm làng nghề làm dây thừng với đa phần các hộ dân ở đây đều “hành nghề” này. Chẳng ai rõ nghề này có tự bao giờ, chỉ biết rằng đây nghề cha truyền con nối của người dân tại xã Mỹ Hội Đông, có những gia đình có đến 2 - 3 thế hệ gắn bó, đang tạo kế sinh nhai cho hàng trăm lao động địa phương. 

Nghề lạ lùng ở miền Tây: Cứ chạy là có tiền, chạy càng nhiều thu nhập càng cao, mỗi ngày kiếm vài trăm nghìn đồng - 1

Nghề “chạy kéo sợi” phổ biến ở miền Tây

Nghề “chạy kéo sợi” phổ biến ở miền Tây

Đây cũng là nghề giúp cho nhiều lao động nhàn rỗi, từ người già, trẻ em, phụ nữ, đều làm được để có thêm thu nhập. Lại là công việc không theo mùa vụ mà xoay chuyển “quanh năm suốt tháng”, lúc nào cũng đắt hàng nên ổn định hơn so với việc làm nông. Theo người dân ở làng nghề, dây keo được sử dụng làm dây neo cho tàu ghe, dây kéo lưới, dây cột động vật và phổ biến trong lĩnh vực công nghiệp, không chỉ bán trong vùng mà còn xuất đi cả Campuchia. 

Cũng chính vì đặc thù của công việc “chạy kéo dây” mà người dân tại đây tự đặt tên cho mình là "xóm chạy". Cụ thể, để ra một sợi dây thừng thành phẩm phải trải qua 4 công đoạn và chạy 3 lượt, mỗi lượt gần 200m. Trung bình mỗi ngày, mỗi người phải chạy từ 10 - 20 km hơn cả vận động viên, liên tục chạy nhiều giờ liền nên cần sức khỏe thật dẻo dai. Người làm nghề ở ấp Mỹ Thành còn phải chạy bộ dọc theo đường đê hay giữa các cánh đồng, kéo theo phía sau là một cái cào có buộc những sợi dây dài. 

Nghề lạ lùng ở miền Tây: Cứ chạy là có tiền, chạy càng nhiều thu nhập càng cao, mỗi ngày kiếm vài trăm nghìn đồng - 3

Công việc này đòi hỏi người làm phải có sức bền và sự tỉ mỉ.

Công việc này đòi hỏi người làm phải có sức bền và sự tỉ mỉ.

Thực tế, quá trình làm dây keo gồm nhiều công đoạn khá vất vả. Các xưởng lớn phụ trách nấu nhựa và se nhựa thành sợi nilon, sau đó cuộn sợi nilon thành từng ống. Những gia đình trong xã Mỹ Hội Đông sẽ nhận các ống sợi về, se thành dây to nhỏ tùy theo kích thước được đặt hàng. Người làm sẽ buộc các sợi nilon vào một cái cào, sau đó chạy để kéo căng dài hàng trăm mét, cài vào một cái giá để sẵn gọi là "ngựa". Các sợi mảnh, rời rạc sau đó được se tròn và bện lại với nhau thành những dây lớn. 

Về công đoạn chạy căng dây, một người sẽ đảm nhận việc chia dây và quấn dây, người còn lại nhận nhiệm vụ chạy và se dây. Vậy nên không chỉ đòi hỏi sức bền và kỹ năng của người chạy còn cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng để nhả dây từ từ, nếu quá nhanh sẽ rối, còn chậm người kéo sẽ rất nặng. 

Thường trong một hộ gia đình làm nghề dây keo, người vợ sẽ đảm nhận nhiệm vụ chia dây và quấn dây vì công đoạn này đòi hỏi tỉ mỉ, người chồng sẽ chạy và se dây. Khi dây bị đứt hoặc rối, thợ phải sớm phát hiện và nhanh tay lấy thêm đoạn mới nối vào, nếu không cả đoạn sẽ rối, mất công lẫn tốn thời gian.

Nghề lạ lùng ở miền Tây: Cứ chạy là có tiền, chạy càng nhiều thu nhập càng cao, mỗi ngày kiếm vài trăm nghìn đồng - 5

Nhiều năm trở lại đây do có máy móc, công việc của người làm sợi keo cũng đỡ cực hơn.

Nhiều năm trở lại đây do có máy móc, công việc của người làm sợi keo cũng đỡ cực hơn.

Theo ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Chủ tịch xã Mỹ Hội Đông, thống kê đến năm 2021 toàn xã có hơn 500 lao động làm nghề dây keo, mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Với mỗi ký dây thành phẩm, người thợ được chủ các cơ sở trả từ từ 1.000 - 5.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Tính ra một ngày, người làm nghề có thu nhập từ 300.000 - 400.000 nghìn đồng. Dù có vất vả khoản chạy và đi bộ nhưng bù lại nghề se dây mang đến thu nhập ổn định và cao hơn so với một số nghề khác.

Không chỉ phổ biến ở nhiều tỉnh miền Tây, cách trung tâm TPHCM 10km về phía tây cũng có một “xóm chạy”. Hầu hết người trong làng đều là người gốc miền Tây Nam bộ, di cư lên Sài Gòn làm nghề sợi dây kéo để tiện cho việc buôn bán, đổ mối vào các chợ đầu mối. 

“Công việc tuy cực khổ nhưng thu nhập ổn định nên tụi tui trở về quê gọi thêm người thân lên thành phố cùng làm. Lâu dần, dân ở đây đông lên và lập thành làng để cưu mang, đỡ đần nhau trong cuộc sống và san sẻ nhau công ăn chuyện làm”, ông Bảy, một cư dân tại làng nghề sản xuất sợi keo ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) cho hay.

Đi ngang qua làng nghề, những đoạn dây keo đủ sắc màu được giăng dài hơn trăm mét. Hàng chục người cả phụ nữ, đàn ông, trẻ em kéo những sợi dây keo di chuyển như con thoi trên khung dệt tạo nên khung cảnh vô cùng nhộn nhịp. Mùi nấu nhựa từ các nhà xưởng sản xuất dây kéo xộc thẳng vào mũi người qua đường. 

Nghề lạ lùng ở miền Tây: Cứ chạy là có tiền, chạy càng nhiều thu nhập càng cao, mỗi ngày kiếm vài trăm nghìn đồng - 7

Các thành phẩm sợi keo.

Các thành phẩm sợi keo.

Trẻ con tại đây vào mùa hè được nghỉ học lại theo chân bố mẹ ra bãi “chạy kéo dây”. "Tại ở nhà cũng buồn nên con ra đây phụ cha mẹ. Có thêm tiền mua sách vở, dụng cụ học tập cho năm học mới. Việc cũng đơn giản, không có gì khó cả. Con làm việc này mấy năm rồi, ban đầu cũng lớ ngớ, mẹ con sửa lại nhiều. Sau dần cũng quen, giờ con chẳng cần ai chỉ dạy hết, cứ chạy giỏi vài bãi là làm được thôi”, cậu bé Hoàng Văn Thái, 12 tuổi cho hay.

Tuy vậy, người dân ở “xóm chạy” tại Sài Gòn cũng phải đứng trước nỗi lo về mặt bằng, bởi nghề chạy kéo sợi cần phải có bãi đất rộng mới đủ diện tích “chạy”. "Ở thành phố có hàng làm quanh năm nhưng khó tìm được đất đủ diện tích để "chạy" mà giá thuê phải rẻ. Chúng tôi cứ ở chưa được bao lâu thì các chủ đất đều lấy lại đất để xây nhà kho, nhà trọ, bãi xe cho thuê, mang lại lợi nhuận cao hơn cho họ", anh Hoàng Văn Thanh, bố của bé Thái chia sẻ. 

Đến hiện tại kể từ khi lên Sài Gòn sinh sống, gia đình anh Thanh đã chuyển trọ tới 3,4 lần, chỗ lâu nhất cũng chỉ ở được 3 năm. Dù vậy, gia đình anh Thanh vẫn cố bám trụ nghề làm sợi keo ở Sài Gòn, vì không chỉ có thu nhập ổn định, công việc đều mà còn tạo điều kiện cho các con được học tập tốt tại các trường trong thành phố.

Nghề cực lạ ở Việt Nam: Ngửi mít thuê mỗi ngày kiếm cả triệu đồng, lúc nào cũng khát người làm
Người được thuê ngửi mít phải "có tiếng tăm" trong giới buôn mít với bề dày kinh nghiệm. Họ được nhận thù lao cả triệu đồng một ngày khi theo chân...

Tin tức 24h

HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nghề lạ