Công việc này được hiểu là việc tạo dựng tên tuổi và hình ảnh của thương hiệu trong tâm trí khách hàng, giúp kết nối họ với các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng 4.0 đưa thời đại hội nhập phát triển nhanh hơn bao giờ hết, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường. Chính vì vậy, “thương hiệu" được coi là thành tố quan trọng trong việc phát triển bền vững cho tổ chức và doanh nghiệp. Việc có “thương hiệu" giúp doanh nghiệp tăng khả năng nhận biết, có sức cạnh tranh tốt hơn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tăng lợi nhuận đồng thời giúp giảm thiểu các rủi ro như bị làm giả, làm nhái…
Chính vì vậy, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu trong kinh doanh một cách chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng khiến các doanh nghiệp gần như “chạy đua" trong công cuộc khẳng định tên tuổi, vị trí của mình trên thị trường. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực liên quan tới thương hiệu cũng vì vậy mà trở nên "hot" hơn bao giờ hết, nhu cầu nhân lực ngành Quản trị thương hiệu đang gia tăng mạnh mẽ.
Thương hiệu giúp khách hàng và doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách.
Quản trị thương hiệu - cơ hội việc làm rộng mở, mức lương "khủng"
Quản trị thương hiệu (brand manager) là một ngành nhỏ thuộc nhóm lớn của Marketing. Thương hiệu hay nhãn hiệu, được định nghĩa là tổng hợp các giá trị vô hình của các thuộc tính sản phẩm như tên tuổi, danh tiếng, giá cả, quảng cáo cho nhãn hiệu đó. Ví dụ như khi nhắc tới Apple, người ta sẽ liên tưởng ngay tới một tập đoàn hàng đầu thế giới, Chanel được xem là nhà mốt hàng đầu về túi xách, đồ hiệu hay Facebook là mạng xã hội có số lượng người dùng “khủng" nhất thế giới.
Người làm quản trị thương hiệu đảm nhiệm các hoạt động marketing tập trung vào việc củng cố niềm tin và xây dựng thương hiệu một cách riêng biệt. Họ sẽ phụ trách việc lên ý tưởng, tạo ra các chiến lược truyền thông, những video, clip quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo (đặc biệt trong thời đại công nghệ số như hiện nay) và xúc tiến thương mại, quan hệ công chúng nhằm thu hút sự chú ý, tình cảm của người tiêu dùng sản phẩm.
Ngoài ra, các nhà quản trị thương hiệu cũng sẽ làm những công việc liên quan đến quản trị chiến lược, lên chính sách và các kế hoạch kinh doanh để tạo sự đồng bộ trong các khâu sản xuất - vận hành cơ sở - kinh doanh - tạo dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Thị trường luôn cạnh tranh khốc liệt.
Để làm được điều này, nhà quản trị thương hiệu phải là người biết cách “đọc vị” không chỉ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, gián tiếp, mà còn cần hiểu rõ vị thế của chính doanh nghiệp của mình như: khách hàng mục tiêu, nhà cung cấp, nhà phân phối,… điểm mạnh và cả điểm yếu trong “thương trường như chiến trường này”. Chính vì vậy, đây là công việc đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và tầm hiểu biết cao của người “làm nghề".
Bù lại, thu nhập của những người làm quản trị thương hiệu khá cao với môi trường làm việc không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. Theo khảo sát nhiều trang tin tuyển dụng, vị trí nhân viên có thu nhập từ 500 – 700 USD (khoảng 12 – 17 triệu đồng). Làm việc ở cấp điều hành với mức lương từ 1.000 USD trở lên (khoảng 24 triệu đồng). Đặc biệt, vị trí quản lý cấp cao có thể đạt mức lương trên 3.000 USD (khoảng 72 triệu đồng).
Tại Việt Nam, đối với các nhà quản trị thương hiệu có kinh nghiệm từ 3 – 5 năm thì mức thu nhập dao động từ 20 – 25 triệu/tháng. Còn đối với những người dày dạn kinh nghiệm hơn (trên 5 năm) dao động từ 30 triệu/tháng trở lên và thậm chí nếu hoàn thành xuất sắc KPI thì mức thu nhập có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng. Tuy được trả lương cao nhưng các vị trí này tại nước ta vẫn luôn khát nhân lực.
Học ngành quản trị thương hiệu ở đâu, cần có tố chất gì?
Bởi ngành nghề có nhiều đòi hỏi cao về kỹ năng chuyên môn, những sinh viên muốn theo đuổi công việc này phải thông thạo kiến thức Marketing, nắm vững nguyên tắc quản trị thương hiệu. Ngoài ra, người học nên có các tố chất như tư duy logic, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý cảm xúc và quản trị rủi ro…
Quản trị thương hiệu là ngành nghề có mức lương trong mơ.
Hiện nay chỉ có các khóa học về thương hiệu, không có nhiều trường Đại học đưa ngành quản trị thương hiệu vào đào tạo chính quy. Một số trường Đại học đưa ngành quản trị thương hiệu vào giảng dạy tiêu biểu như: Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại Thương, Đại học Thương Mại, Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Đại học Kinh tế Tài Chính, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học RMIT…
Tại đây, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về marketing, kiến thức chuyên môn về thương hiệu và quản lý thương hiệu như: Phân tích thông tin marketing, định vị thương hiệu, quảng bá thương hiệu, khai thác thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu trong công ty cũng như xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu,… Ngoài ra, đây là công việc đòi hỏi tính vận dụng cao, việc sinh viên tự học hỏi từ các kinh nghiệm thực tế là bắt buộc.
Nhiều trường Đại học tại Việt Nam đang có ngành học này.
Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên ngành quản trị thương hiệu có thể làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ; Các cơ quan, tổ chức phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu, trường học; Các Sở Công thương, các bệnh viện, đơn vị sở hữu trí tuệ, các đơn vị quản lý thị trường hoặc các cơ quan quản lý nhà nước cấp thấp…. với tương lai rộng mở về thị trường lao động.