“Nghe chị Phương nói cho mình đẻ luôn, tôi bối rối không biết làm thế nào. Trong tình thế cấp bách, tôi cứ làm theo bản năng”, thiếu úy cảnh sát kể lại.
“Em đau quá, cho em ngồi ở đây đẻ luôn”
Vốn là cảnh sát hình sự quanh năm giáp mặt với tội phạm nhưng trong một đêm trời nổi cơn giông thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp (cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Quốc Oai, Hà Nội) và thượng sĩ Đoàn Thanh Tùng (cán bộ Công an huyện Đan Phượng, Hà Nội) bỗng trở thành “bà đỡ”.
Rạng sáng 22.6.2015, thiếu úy Tiệp và thượng sỹ Tùng (khi đó là cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Quốc Oai) bắt đầu chuyến tuần tra bảo an ninh trật tự trên tuyến đường từ tỉnh lộ 419 từ thị trấn Sài Sơn đến xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) theo nhiệm vụ cơ quan giao phó.
Thượng sĩ Tùng và Thiếu úy Tiệp hạnh phúc khi giúp cháu bé chào đời an toàn.
Tới khoảng gần 3h sáng cùng ngày, khi đang di chuyển qua địa bàn xã Cộng Hòa, hai chiến sĩ cảnh sát thấy trời nổi cơn giông, sấm chớp báo hiệu trời sắp có mưa lớn.
Đúng lúc này, hai chiến sĩ cảnh sát hình sự phát hiện bóng người dừng xe ven đường và có tiếng người phụ nữ đang kêu khóc. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, thiếu úy Tiệp bàn với thượng sĩ Tùng quay lại xem có chuyện gì.
“Vừa dừng xe, tôi thấy một phụ nữ đang mang bầu là chị Hoàng Thị Phương kêu đau, tôi hỏi: “Chị có cần bọn em giúp gì không?” thì chị Xuân (chị dâu chị Phương) bảo “em dâu tôi đau đẻ mà không biết làm thế nào”.
Nhận thấy sản phụ không thể tiếp tục ngồi xe máy được nữa, tôi vội đỡ chị Phương xuống ven đường rồi động viên “Chị cố gắng một chút, để chúng tôi gọi taxi đưa chị tới viện”. Nói thế, tôi bảo Tùng gọi điện cho tài xế taxi quen biết đang ở gần đó đến gấp. Tuy nhiên, chị Phương bảo “em đau quá, cho em ngồi ở đây đẻ luôn”, thiếu úy Tiếp kể.
Để chuẩn bị cho ca đỡ đẻ “vô tiền khoáng hậu”, chị Xuân trải một chiếc áo mưa xuống đường để sản phụ ngồi, thượng sĩ Tùng thì nổ xe máy để lấy ánh sáng đồng thời đứng cầm đèn pin soi, còn thiếu úy Tiệp thì đỡ cháu bé.
Nín thở chờ đón bé trai chào đời
Chia sẻ với chúng tôi khoảnh khắc anh trở thành “bà đỡ”, thiếu úy Tiệp kể: “Nghe chị Phương nói cho mình đẻ luôn tôi bối rối không biết làm thế nào vì cả hai anh em tôi lúc đó đều chưa có vợ, chưa con và chẳng biết gì về chuyện sinh đẻ. Trong tình thế cấp thiết, tôi cứ làm theo bản năng và cũng quên hết ngại ngần.
Thiếu úy Tiệp và thượng sĩ Tùng tới bệnh viện thăm mẹ con chị Phương.
Khi rặn đẻ, chị Phương la hét rất lớn và tỏ ra rất đau đớn, mình chị đẫm mồ hôi. Cũng may mắn chị ấy dễ sinh, sau vài phút chị ấy rặn đẻ, tôi thấy đầu cháu bé đã bắt đầu chui ra.
Tôi động viên chị ấy thở đều, giữ sức để rặn đẻ cháu ra. Một lúc sau cháu bé ra thì tôi bế đưa cho chị Xuân thì cháu bé khóc oe oe. Sợ cháu bé mới sinh gặp gió lạnh, tôi vội cởi chiếc áo đang mặc cuốn vào người cho cháu”.
Do không biết cắt rốn cháu bé thế nào, thiếu úy Tiệp quyết định giữ nguyên đưa cả 2 mẹ con chị Phương lên taxi tới bệnh viện. Vừa lúc này taxi do thượng sĩ Tùng gọi đến đón, thiếu úy Tiệp vội bế chị Phương, còn mẹ chồng chị Phương bế cháu bé sơ sinh cùng lên taxi tới bệnh viện.
Tuy nhiên, khi tới bệnh viện làm các thủ tục nhập viện cho mẹ con chị Phương và chờ nữ y tá cắt rốn cho cháu bé xong, hai chiến sĩ cảnh sát lẳng lặng rời khỏi bệnh viện khi gia đình chị sản phụ còn chưa kịp gửi lời cảm ơn.
“Gia đình mình lúc đó không biết hai người giúp mình là ai cho tới khi một y tá hỏi cơ duyên nào mà lại được 2 đồng chí cảnh sát hình sự đỡ đẻ như thế. Từ đó gia đình mình mới biết anh Tiệp và Tùng là cảnh sát. Gia đình sau đó đã liên lạc với công an huyện gửi lời cảm ơn hai chiến sĩ.
Đến chiều cùng ngày, gia đình vô cùng bất ngờ khi bác Trưởng Công an huyện Quốc Oai và hai chiến sĩ cảnh sát giúp mình đẻ vào thăm khiến mình rất xúc động”, chị Phương kể lại.