Trước những bất thường của điểm thi THPT quốc gia năm nay, ông Trần Bá Giao, nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ GD&ÐT cho biết nếu điểm thi ở môn Toán và môn Lý cao một cách bất thường thì đúng là có vấn đề.
“Có thể đặt giả thuyết như mọi người đang nói là đánh “lụi” (may rủi) trong bài thi trắc nghiệm thì trúng được nhiều hay không”? - ông Giao đặt vấn đề. Mặt khác, theo ông, đề thi hiện nay có 24 mã đề khác nhau, nếu tiêu cực xảy ra trong thời gian diễn ra kỳ thi phải có sự tiếp tay ở ngoài.
Thí sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi THCS Nguyễn Du, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Vậy liệu có thể tráo bài hay không? Ông Giao cho rằng việc này cũng như việc cho làm lại bài thi rồi đưa vào sau kỳ thi là hơi khó. Vì nó dẫn tới dễ để lộ chứng cứ. Theo ông Giao, khi có hiện tượng bất thường, cần thanh tra hết tất cả các khâu của kỳ thi. Nhưng tất nhiên, thời điểm diễn ra kỳ thi đã qua nên rất khó. Do đó, phải đầu tư nhiều công sức hơn để tìm hiểu. Vì chứng cứ đã bị mờ. Cũng có thể đối chiếu điểm thi của những thí sinh xem kết quả có bất thường với hồ sơ thực học không. Ðây là một kênh để đánh giá. Nhưng kênh này cũng rất khó nếu như có sự chủ ý cố tình từ cấp trên.
Thanh tra chấm thi tại Hòa Bình. Ảnh: Nghiêm Huê.
Nhiều người bàn về chuyện may rủi trong thi trắc nghiệm. Nhưng liệu một thí sinh có thể ăn may nhiều môn thi không? Hoặc có thể một địa phương có nhiều thí sinh “đánh lụi” thế không?
Là chuyên gia về khảo thí, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ÐH, Bộ GD&ÐT cho biết tự luận hay trắc nghiệm đều có may rủi. Nhưng so với tự luận thì trắc nghiệm ít may rủi hơn. Vì tự luận có thể học tủ, trúng tủ thì may còn trượt tủ thì rủi. Còn trắc nghiệm đề thi phủ kín kiến thức nên ít may rủi hơn. May rủi của trắc nghiệm được thể hiện ở chỗ người không biết gì đánh dấu bừa cũng có thể được xác suất đúng. Nhưng nếu đề trắc nghiệm được thiết kế có nhiều câu thì may rủi ít xảy ra.