TS.BS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) đã từng chứng kiến và cấp cứu rất nhiều trường hợp ngộ độc nấm, trong đó có những gia đình 9 người bị ngộ độc, thì có tới 8 người tử vong.
Ngày 9/2, tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai diễn ra buổi chia sẻ thông tin về công tác phòng chống ngộ độc nấm cho các cơ quan báo chí.
Tại buổi gặp này, BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách trung tâm chia sẻ: “Sở dĩ có buổi gặp này là vì chúng tôi - những người làm bác sĩ không muốn chứng kiến những vụ ngộ độc do nấm đau lòng như những năm trước. Hơn nữa, chúng ta cần phải đi trước một bước để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi biết để đề phòng, chứ như mọi năm chỉ đến khi có ca ngộ độc thì mới tuyên truyền là quá muộn”.
Cũng tại buổi chia sẻ thông tin này, TS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm chống độc) cho rằng đây là thời điểm bắt đầu ấm lên, và xuất hiện những cơn mưa, vì thế các loại nấm rừng phát triển rất mạnh. Đó chính là nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc nấm nếu người dân đi rừng, hái những loại nấm này về ăn.
Theo TS Dũng, tỷ lệ tử vong do nấm độc thường rất cao (khoảng trên 50% ca nhập viện), thường hay xảy ra với đồng bào dân tộc miền núi như: Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang...
Xem thêm: Cả gia đình ngộ độc nấm, 2 người tử vong
“Tôi còn nhớ mãi một ca ngộ độc nấm ở xã Quang Vinh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng xảy ra cách đây vài năm về trước. Cả gia đình có 9 người bị ngộ độc nấm thì có đến 8 người tử vong. Hay ca ngộ độc nấm ở Thái Nguyên hồi năm 2014 cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều người dân khi sử dụng các loại nấm hoang, nấm dại ở trong rừng”, TS Nguyên chia sẻ.
Đối với những trường hợp bị ngộ độc nấm, TS Dũng cho biết, họ thường có những dấu hiệu về đường tiêu hóa, sau khi ăn bị nôn, ỉa chảy. Những loại nấm độc có những dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa sớm thường không gây nguy hại cho sức khỏe bằng nấm có biểu hiện muộn. Ngộ độc các loại nấm này chỉ cần truyền dịch sẽ khỏi.
Một ca ngộ độc nấm vào năm 2009
“Những loại nấm có những biểu hiện muộn sau 6 tiếng lại rất nguy hiểm, dễ mất mạng. Bởi vì triệu chứng của nó thường mơ hồ, có đi ngoài, nôn nhưng tự cầm sau đó. Khi các triệu chứng quay lại có thể gây tổn thương gan, thận suy đa tạng và tử vong. Đã từng có gia đình 5 người tại Thái Nguyên cả nhà nhập viện tỉnh táo. Nhưng sau đó vài giờ đã có những tổn thương gan”, TS Dũng nói.
Về việc phân biệt các loại nấm độc, TS Dũng cho rằng, ngay cả các bác sĩ cũng rất khó có thể phân biệt được đâu là nấm độc và đâu là nấm không có độc tố. Vì nấm độc cũng có nón, thân, dễ giống như nấm không độc. Thậm chí có một số loại nấm độc tán trắng có hình dáng màu trắng trông rất đẹp và rất ngon.
“Những loại nấm gây ngộ độc nặng thường có chất amatoxin. Khi người bệnh ăn phải, nếu sau 6h mới xuất hiện triệu chứng thì rất nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời”, TS Dũng cảnh báo.
Bởi vậy, để tránh ngộ độc người dân tuyệt đối không nên ăn nấm lạ, không ăn các loại nấm hái trên rừng, trên đồng ruộng. Đầu xuân mọi người thường đi du lịch nhiều, vì vậy không nên mua nấm rừng về ăn, ngay cả khi loại nấm đó được giới thiệu là nấm hương rừng...
Xử lý khi bị ngộ độc nấm - Khi bị ngộ độc nấm cần gây nôn sau đó uống nhiều nước, chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh táo sau đó đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời. - Gây nôn bệnh nhân bằng cách cho uống nước dùng bàn chải đánh răng đưa sâu vào cuống lưỡi gây nôn gay lập tức. - Cho bệnh nhân ngộ độc uống than hoạt tính. - Sau khi sơ cứu bệnh nhân xong nên đứa bệnh nhân tới bệnh viện và mang theo loại nấm đã từng ăn. |