Trong vòng 1 tuần qua, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận đến 14 ca nguy kịch vì ngộ độc nấm, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong.
Thêm bệnh nhân tử vong vì ngộ độc nấm
Chiều 17/3, PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) xác nhận thêm một trường hợp tử vong trong vụ 5 bệnh nhân thuộc 2 gia đình ngộ độc nấm tán trắng tại Võ Nhai, Thái Nguyên. Bệnh nhân tử vong là bà Vũ Thị Hồi, 60 tuổi, tử vong sau gần 1 tuần điều trị tại Trung tâm Chống độc.
Bà Hồi là bệnh nhân thứ 2 tử vong trong chùm ca bệnh tại Võ Nhai, Thái Nguyên (Ảnh MH)
Trước đó, nạn nhân ngộ độc nhỏ tuổi nhất trong vụ ngộ độc tập thể ở Võ Nhai là cháu Lý Minh Khôi, 13 tuổi cũng đã tử vong vào sáng ngày 13/3 tại Trung tâm Chống độc, sau 4 ngày nhập viện.
“3 bệnh nhân còn lại trong vụ ngộ độc tập thể này vẫn đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc. Tuy nhiên, chỉ có một người may mắn đã tỉnh là ông Triệu Nho Phú – chồng của bà Hồi. Chị Lý Thị Thơm – mẹ của cháu Khôi và người cháu Lý Minh Thùy vẫn đang hôn mê, tiên lượng rất xấu”, PGS.TS Duệ cho biết.
"Trong số 14 bệnh nhân ngộ độc nấm đang điều trị tại Trung tâm Chống độc đáng lưu ý là có bệnh nhân là nhân viên trạm y tế xã thuộc huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Bệnh nhân này dù đã được dự các lớp tập huấn về ngộ độc nấm nhưng nghe già làng tuyên bố “ăn được” nên vẫn ăn. Hiện cô đang rất nguy kịch. Nhân viên y tế còn chủ quan thế nói gì đến người dân. Nấm tán trắng nấu lên ăn rất ngọt, thịt nấm trắng, thơm người dân ăn thấy ngon, ngọt mà không cần cho mỳ chính. Nhưng độc tố của nó vì rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh", PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc |
Được biết, trước đó ngày 8/3, chị Thơm cùng con trai là cháu Khôi và người cháu cháu bên chồng tên Thùy lên rừng hái nấm. Buổi trưa hôm đó, sau khi hái được 1,5kg nấm tán trắng, 3 người trong gia đình chị Thơm có ghé qua nhà của vợ chồng ông Phú và Hồi – vốn sinh sống trong rừng nhờ nấu cơm ăn trưa. Sau khi nấu xong nồi canh nấm trắng vừa hái được, cả 5 người cùng ăn.
Đến ngày hôm sau, chị Thơm cùng con trai và cháu đều bị nôn thốc nôn tháo và tiêu chảy nặng như đi tả. Người thân vội vàng đưa 3 người đến bệnh viện huyện Võ Nhai cấp cứu.
Sau khi thăm hỏi biết bệnh nhân có ăn nấm, các bác sĩ lo ngại 2 vợ chồng ông bà Phú Hồi cũng sẽ bị ngộ độc lên vội vã vào rừng tìm đến nhà họ. Đúng như bác sĩ tiên đoán, khi đến nơi, cả 2 vợ chồng ông Phú, bà Hồi gần như lịm hết đi, kiệt sức vì nôn và tiêu chảy quá nhiều. Ông Phú , bà Hồi do ăn nhiều nấm nhất (nồi canh nấm sau khi ăn trưa không hết hai ông bà còn ăn vào bữa tối) nên tình trạng ngộ độc nặng hơn 3 người trong nhà chị Thơm.
Cả 5 bệnh nhân đã được chuyển xuống BV Đa khoa tỉnh Thái Nguyên và chuyển tiếp xuống Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai vào đêm ngày 9/3.
Như vậy, tính đến hôm nay, sau 1 tuần cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, chùm ca ngộ độc nấm tán trắng ở Võ Nhai đã có 2 trường hợp tử vong. Hiện mới có 1 người tỉnh táo, khả năng phụ hồi cao, 2 người còn vẫn hôn mê, tiên lượng xấu.
Liên tiếp các ca ngộ độc nấm mới
PGS.TS Duệ cho biết, sau chùm ca bệnh trên từ hôm 9/3 đến nay, Trung tâm Chống độc liên tiếp có thêm các ca ngộ độc nấm mới cũng trong tình trạng hết sức nguy kịch.
“Các ca ngộ độc nấm này chia ra làm 3 nhóm. Đáng chú ý, ngày 12/3, Trung tâm Chống độc lại tiếp nhận thêm 5 trường hợp ngộ độc nấm tán trắng cũng ở Võ Nhai, Thái Nguyên. Hiện 1 người trong nhóm này đang hôn mê sâu, 4 người còn lại cũng rơi vào tình trạng nguy kịch.
Nhóm thứ 2 nhập viện vào ngày 16/3 là chùm ca ngộ độc 4 người ở Tuyên Quang. Đáng lo ngại là tất cả 4 trường hợp ngộ độc nấm ở Tuyên Quang do nhập viện quá muộn (58 tiếng sau ăn nấm) nên rất khó qua khỏi”, PGS.TS nói.
Như vậy, tính đến chiều ngày hôm nay, có 12 bệnh nhân ngộ độc nấm đang điều trị tại Trung tâm Chống độc. Các bác sĩ cho biết, chỉ có 1/12 ca bệnh này có tiên lượng tốt, 11 trường hợp còn lại đang rất nguy kịch, chưa thể biết có thể qua khỏi hay không.
Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ngộ độc nấm (Ảnh Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai)
PGS.TS Duệ cảnh báo, ngộ độc nấm để càng lâu càng khó cứu. “Đối với nấm tán trắng nói riêng và nấm độc nói chung, càng đến cấp cứu sớm càng tốt. Qua theo dõi 90-100% bệnh nhân ăn nấm độc đều tử vong nếu không được cấp cứu, 80% bệnh nhân tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Hiện trung tâm đã dùng các loại thuốc tốt, máy móc hiện đại chữa trị cho các nạn nhân ngộ độc. Chỉ tính riêng gia đình đầu tiên tại Thái Nguyên chi phí điều trị đã là 1,6 tỷ đồng trong đó BHYT chi trả 90% nhưng cũng không biết có qua cơn nguy kịch không.
Cho đến thời điểm này, thuốc điều trị đặc hiệu ngộ độc nấm hiện vẫn còn khá hiếm ở VN, vì thế than hoạt được coi là cứu cánh vô cũng hữu hiệu. Theo GS Duệ, than hoạt là thuốc tẩy đa năng có thể hấp thụ hầu hết các độc chất (vô cơ, hữu cơ). Vì thế, nếu uống ngay từ khi phát hiện ngộ độc thì cơ hội sống khá lớn. Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên dự trữ sẵn ở nhà để có thể sử dụng cho tất cả các loại ngộ độc. Liều lượng dùng là 2g/15kg x 2 lần uống/ngày.
Trước tình trạng có quá nhiều ca ngộ độc nấm nặng, GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc BV Bạch Mai khuyến cáo, nếu phát hiện ăn nhầm phải nấm độc, người dân cần phải làm ngay các biện pháp: cách đơn giản nhất là móc họng nôn hết ra, uống nước vào và tiếp tục móc cho nôn hết. Nếu có than hoạt nên uống ngày với liều 2gam/15kg cân nặng. Nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt. |