Ngoài sông Nhuệ, đã có nhiều sự cố đê xảy ra tại miền Bắc

Ngày 10/08/2013 10:55 AM (GMT+7)

Không chỉ có đê sông Nhuệ tại Từ Liêm (Hà Nội) mà nhiều đoạn đê ở các tỉnh, thành phố miền Bắc cũng gặp sự cố trong ngày hôm qua (9/8).

Bắc Ninh sạt, lún đê Hữu Cầu

Theo báo cáo tổng hợp số 25/BC-PCLB của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh Bắc Ninh, ngày 9/8/2013 xuất hiện một số sự cố trên tuyến đê Hữu Cầu tại địa phận huyện Yên Phòng và huyện Quế Võ.

Cụ thể, tại huyện Yên Phong, khu vực K29+100 (ki-lô-mét số 29+100) xảy ra sạt mái cơ đê phía đồng với chiều dài 40m, lún từ 3cm-10cm; khu vực K31+500-K32+200; K33+300-K33+700; K33+945-K34+200; K37+800; K67+200-K67+300 và K37+800 xảy ra thẩm lậu nước trong ra mái đê. Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, canh gác theo dõi sát diễn biến sự cố.

Điểm thứ hai xảy ra sự cố đê ở huyện Yên Phòng là khu vực K29+150 xuất hiện bãi sủi cách chân đê phía đồng 2m, đường kính bãi sủi 80 cm. Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện đã chỉ đạo xử lý ngay từ 17h30 đến 21h00 đã cơ bản hoàn thành.

Tại Huyện Quế Võ, khu vực K69+900-K70+100 xảy ra thẩm lậu nước trong ra mái đê. Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, canh gác theo dõi sát diễn biến sự cố.

Bắc Giang xảy ra 3 sự cố đê trong ngày hôm qua

Theo báo cáo nhanh số 20/BCN-PCLB-VPTT của Văn phòng thường trực BCH PCLB-TKCN tỉnh Bắc Giang, tình hình thiệt hại về đê điều bao gồm: Khu vực K14+070-K14+640 đê hữu Thương huyện Tân Yên có diễn biến sạt lở nghiêm trọng, một số cung sạt lấn sâu vào mái đê từ 2m-3m. Ngày 9/8, tại K14+485 cung sạt tiếp tục phát triển về thượng và hạ lưu, K14+500, K14+530 xuất hiện cung sạt mới. Đối phó với tình huống, tỉnh đã báo cáo ngay với Bộ NN-PTNt và được Tổng cục Thủy lợi (thuộc Bộ NN-PTNT) khẩn trương phê duyệt phương án xử lý cấp bách, hiện địa phương đang triển khai thực hiện sự cố đê này.

Ngoài sông Nhuệ, đã có nhiều sự cố đê xảy ra tại miền Bắc - 1

Hơn 600 cán bộ chiến sỹ và dân quân tự vệ gia cố đê sông Nhuệ ngày 9/8

Ở khu vực bờ bao sông Cổ Mân huyện Lục Nam xảy ra tràn bờ với mực nước từ 30cm – 100 cm, trên chiều dài khoảng 1.400m. Ủy ban nhân dân huyện đã huy động 500 người để xử lý và sẽ tiếp tục có báo cáo tình hình lên Ban chỉ đạo PCLB trung ương.

Ngoài ra, khu vực bờ sông Thương, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang xảy ra sạt lở; địa phương đã chỉ đạo xử lý cơ bản khống chế được sự cố.

Hưng Yên, sự cố đê cách di tích lịch sử 10m.  

Theo báo cáo số 19/BC-PCLB ngày 9/8/2013 của Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Hưng Yên, ngày 4/8/2013 khu vực cuối kè Nghi xuyên tương ứng K105+900 đê Tả Hồng xuất hiện cung sạt dài 30m, mái thẳng đứng, sâu 10m. Đến ngày hôm qua (9/8/2013), cung sạt tiếp tục diễn biến, lấn sâu vào phía đê khoảng 5m, cách nhà dân và di tích lịch sử khoảng 10m. Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục theo dõi sát diễn biến sạt lở.

Ngoài ra, ở Hà Nội, ngoài sự cố đê sông Nhuệ (xem tại đây), theo báo cáo số 146/BC-PCLB ngày 9/8/2013 của Ban chỉ huy PCLB Thành phố Hà Nội, tại K 5+000 đê La Thạch phía thượng lưu dốc bê tông xuống cơ bị xói lở hàm ếch dài khoảng 30m. Ban chỉ huy PCLB và TKCN địa phương đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo, hạn chế không cho nước chảy vào khu vực xói và tiếp tục theo dõi.

 3 người chết vì mưa bão số 6

Bão số 6 không chỉ gây ra nhiều sự cố đê tại miền Bắc mà còn gây nhiều thiệt mạng về người và tài sản cho nhiều tỉnh.

Tính đến 17h ngày 9/8/2013, đã có 3 người chết tại các tỉnh miền Bắc. Cụ thể, 3 nạn nhân là anh Phạm Thanh Sơn, sinh năm 1997 trú tại Ngô Quyền - Hải Phòng, bị sóng cuốn trôi khi đi sát mép bờ kè khu vực du lịch Đồ Sơn; Ông Phàn Seo Ngán, sinh năm 1957, dân tộc Dao, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bị sét đánh và 1 người chết tại Hà Nội do cây muồng trên phố Bà Triệu (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ đổ, đè lên.

Ngoài thiệt hại về người, các tỉnh miền Bắc còn gánh nhiều thiệt hại về tài sản trong bão số 6. Cụ thể, nhà bị đổ: 111 nhà; Nhà bị ngập, hư hại: 957 nhà. Diện tích lúa bị ngập, thiệt hại là 8.313 ha. Diện tích hoa màu bị ngập, thiệt hại là 4.222 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập: 1.434 ha. Cột điện hạ thế bị đổ gãy: 292 cột.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan