Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê độc đáo là thế nhưng chỉ thực sự nổi tiếng khi tiểu thuyết L’Amant của nữ văn sĩ Margueritte Duras được đạo diễn Jean – Jacques Annaud dựng thành phim.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) là căn nhà đặc biệt nhất trong loạt căn nhà cổ nổi tiếng ở miền Tây. Bởi nơi đây chứa đựng nhiều bí ẩn, như: chủ nhân là người tình đầu tiên của nữ văn sĩ người Pháp – Marguerite Duras. Và sau này chuyện tình của họ đã trở thành tiểu thuyết nổi tiếng Người Tình (1984), rồi được chuyển thể thành phim điện ảnh.
Nhà cổ được xây dựng với lối kiến trúc Đông – Tây độc đáo
Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) là do ông Huỳnh Cẩm Thuận (tức cha ông Huỳnh Thủy Lê) – thương gia người Hoa giàu có nức tiếng vùng Sa Đéc xây dựng vào năm 1895. Ban đầu ngôi nhà chỉ đơn thuần là nhà ba gian truyền thống của miền Tây Nam bộ có diện tích 258m2 với vật liệu chính là gỗ quý…
Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê do ông Huỳnh Cẩm Thuận (tức cha ông Huỳnh Thuỷ Lê) – thương gia người Hoa giàu có nức tiếng vùng Sa Đéc xây dựng vào năm 1895.
“Năm 1917, ông Thuận tiếp tục cho trùng tu lại ngôi nhà cổ này bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Vì thế trông bề ngoài nó giống biệt thự kiểu Pháp nhưng bên trong lại mang màu sắc của quê hương gia chủ lẫn Việt Nam. Đây cũng là một điểm đặc biệt của ngôi nhà mà không có bất cứ nhà cổ nào ở miền Tây có được”, chị Lan Quỳnh (42 tuổi) – một người dân sống cùng khu phố nơi có ngôi nhà cổ cho biết.
Người phụ nữ này cho biết thêm, ngôi nhà cổ là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc Đông – Tây. Nó có mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái. Song kiến trúc tổng thế bên ngoài ngôi nhà lại cao ráo thoáng mát, tường được xây bằng gạch đặc bao lấy kết cấu khung gỗ theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp.
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc Đông – Tây.
Nhà cổ gồm ba gian, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa như các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, chạm khắc mang đậm chất chùa chiền của người Hoa… “Ngôi nhà trang trí dựa vào yếu tố phong thuỷ, hình tượng tứ linh được thể hiện ở “long – lân – bức – phụng”.
Còn kiến trúc phương Tây thể hiện ở phần trần nhà, khung cửa sổ… Chúng đều được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng. Còn vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã”, chị Lan Quỳnh cho hay.
Bên trong ngôi nhà trang trí theo kiểu người Hoa như các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng.
Điểm đặc biệt và ấn tượng nhất ở ngôi nhà cổ chính là nền gạch ở giữa nhà trũng xuống. Hồi đó ông Thuận quan niệm “nước chảy chỗ trũng” nên nền nhà phải trũng thì tiền bạc mới đổ về nhà. Hơn cả giữa gian nhà gia chủ đặc bàn thờ Quan Công – tín ngưỡng truyền thống thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống của gia đình.
Gắn liền với tiểu thuyết nổi tiếng của Pháp
Nhà cổ độc đáo là thế nhưng nó chỉ thực sự nổi tiếng khi tiểu thuyết L’Amant của nữ văn sĩ Margueritte Duras được đạo diễn Jean – Jacques Annaud dựng thành phim. Và ông Huỳnh Thuỷ lê là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết và nữ văn sĩ người Pháp cũng chính là người tình của ông Huỳnh Thủy Lê.
Năm 1929, cặp đôi tình cờ gặp nhau trên chuyến phà Mỹ Thuận – khi ấy bà Margueritte Duras chưa đầy 16 tuổi, còn ông Huỳnh Thủy Lê đã 32. Họ có một mối tình thật đẹp nhưng vấp phải sự phản đối của ông Huỳnh Cầm Thuận.
Ông Huỳnh Thuỷ Lê và nữ văn sĩ Margueritte Duras.
“Tôi nghe các cụ cao niên trong khu phố kể rằng, khi ông Thuận biết chuyện tình yêu của con trai đã ra sức ngăn cấm. Lúc này ông Lê đã quỳ lạy xin cha cho mình sống với người con gái mà ông yêu. Nhưng vì khác biệt văn hoá và không môn đăng hộ đối nên ông Thuận kiên quyết phản đối.
Mối tình chỉ kéo dài 18 tháng. Bà Marguerite lên tàu về Pháp không bao lâu thì ông Lê vâng lời cha lấy cô vợ trẻ người Hoa cũng có gia thế giàu có”, chị Lan Quỳnh cho hay.
Sau này, ông Lê có dịp đến Paris cùng vợ đã gọi điện cho bà Marguerite ngỏ ý chỉ để nghe giọng bà nói. Ông bộc bạch rằng bản thân vẫn yêu và nhớ thương bà, sẽ yêu cho đến chết.
Ông Huỳnh Thuỷ Lê và vợ.
Thế rồi bằng nước mắt và một trái tim đớn đau, nữ văn sĩ đã viết chuyện tình của mình thành tiểu thuyết với tựa đề Người Tình. Năm 1984, Người Tình được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt được giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp.
Năm 1986, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim cùng tên và được công chiếu tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991. “Thực sự ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vốn không phải nơi diễn ra mối tình giữa hai ông bà ấy. Nhưng người ta vẫn muốn tìm đến nơi ông Lê từng sống để hình dung ra một không cổ xưa với nếp văn hóa đậm nét Trung Hoa hòa lẫn văn hóa vùng sông nước miền Tây”, người phụ nữ nói.
Ngôi nhà cổ hiện đón rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế ghé thăm.
Về tình trạng của ngôi nhà cổ, chị Lan Quỳnh cho biết: “Ông Lê mất, các con của ông ấy ra nước ngoài định cư cả rồi. Vì thế ngôi nhà đã được nhà nước trưng dụng làm trụ sở Đội Cảnh sát kinh tế Công an thị xã. Năm 2007, ngành du lịch ở Đồng Tháp chính thức khai thác ngôi nhà cổ, phục vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
Năm 2008, nhà cổ đã được chứng nhận là di tích cấp tỉnh. Sau một năm nó đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2009. Giờ khách du lịch ghé tới ngôi nhà hàng năm lên tới vài triệu lượt. Đặc biệt khách nước ngoài ghé tới nhiều lắm. Họ biết thông qua cuốn tiểu thuyết Người Tình rồi tìm đến”.