Ngôi nhà không đàn ông và 4 mảnh đời cơ cực

Ngày 26/06/2014 00:00 AM (GMT+7)

Đào Thị Bình, Đào Thị Giang, Đào Thị Sắt, Đào Thị Thảo là những cái tên gợi nên sự ám ảnh với người dân thôn Bắc Lãm, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Bốn người phụ nữ trong đó có 3 người bị bệnh thần kinh sống lầm lũi, vắng bóng đàn ông trong gian nhà cấp 4 lụp xụp, nương tựa vào nhau.

Những người đàn bà sống mòn

Chẳng biết tự bao giờ, cái tên “ngôi nhà không đàn ông” gắn liền với gia cảnh của 4 chị em bác cháu bà Đào Thị Bình (SN 1955, trú tại thôn Bắc Lãm, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội).

Mỗi người một số phận khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là không có một người đàn ông làm chỗ dựa. Ba chị em Đào Thị Bình, Đào Thị Giang, Đào Thị Sắt xuất thân trong một gia đình thuần nông, nghèo khó có tới 7 chị em gái tại thôn Bắc Lãm. Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của cuộc sống, giờ đây 3 chị em bà Bình cùng một cô con gái ngây dại của bà Giang lại về sống chung dưới một mái nhà, hàng ngày rau cháo nuôi nhau.

Ánh mắt xa xăm, khuôn mặt đăm chiêu, bà Bình kể lại cuộc đời mình: Năm 19 tuổi, theo sự sắp đặt của cha mẹ, bà Bình kết hôn với một người đàn ông cùng làng. Mới chân ướt chân ráo về nhà chồng được 1 tháng, chồng bà đã phải lên đường vào Nam chiến đấu, bỏ lại quê nhà cha mẹ già cùng người vợ trẻ mòn mỏi ngóng trông. Gần chục năm phụng dưỡng bố mẹ chồng, nhưng khi hòa bình trở lại vẫn không thấy chồng trở về. Sau đó, bà Bình nghe tin chồng mình đã lấy vợ mới, sinh con đẻ cái rồi lập nghiệp hẳn trong Nam. Ngậm ngùi, tủi hổ, bà tay xách nách mang một bọc quần áo cũ quay trở lại nhà bố mẹ đẻ nương nhờ.

Ngôi nhà không đàn ông và 4 mảnh đời cơ cực - 1

Bà Bình nghẹn ngào chia sẻ với PV.

Hơn 5 năm sau, bà Bình tái giá với một người đàn ông góa vợ cùng làng, đã có 5 đứa con riêng. Không màng tới quyền lợi của bản thân, bà Bình ở vậy tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng 5 người con riêng của chồng ăn học.

Những tưởng cuộc hôn nhân lần hai của bà sẽ được sống trong hạnh phúc, nhưng chỉ được vài năm, người chồng bỗng rượu chè, cờ bạc rồi quay ra đánh đập, giày vò bà suốt ngày đêm. Chịu đựng cảnh bạo hành đau đớn suốt 16 năm, cuối cùng “rổ rá cạp lại” không thành, bà đành về nhà mẹ đẻ lần nữa. Hai đời chồng chẳng một ngày hạnh phúc, ở tuổi 45 bà chính thức khép lại cánh cửa gia đình, không còn dám nghĩ đến chuyện lấy chồng để có người đàn ông nương tựa.

Bĩ cực cảnh đời của 3 người phụ nữ thần kinh

Ngôi nhà không đàn ông và 4 mảnh đời cơ cực - 2

Bữa cơm hàng ngày của gia đình chỉ có món rau là chủ đạo. Ảnh: X.T

Số phận bà Bình đã vậy, 3 người phụ nữ còn lại trong gia đình lại còn éo le hơn nhiều. Bà Đào Thị Giang (57 tuổi), em gái bà Bình, từng là thanh niên xung phong trong thời kì đất nước triển khai xây dựng vùng kinh tế mới. Khi trở về làng thì đã “quá lứa lỡ thì”, bà đành ở vậy thay những người anh chị khác phụng dưỡng bố mẹ già. Mặc dù thiếu bóng đàn ông, nhưng thẳm sâu bên trong tâm hồn người phụ nữ ấy vẫn khát khao một đứa con để có thể trông cậy lúc về già. Bà mạnh dạn xin một đứa con. Nào ngờ, đứa con là cả cuộc sống của bà ấy khi sinh ra lại bị tật nguyền. Năm nay dù đã 16 tuổi nhưng vẫn ngớ ngẩn, không thể phụ giúp chuyện gia đình. Nhưng có lẽ điều đau đớn nhất đối với bà Giang là trong gia đình giờ lại có thêm một người con gái không còn hy vọng có chồng. Sau một tai nạn lao động, bà Giang bị tai biến mạch máu não, giờ cũng không còn được tỉnh táo như xưa.

So với hai người chị gái, có lẽ số phận của bà Đào Thị Sắt (55 tuổi) là bất hạnh hơn cả. Ngay từ lúc sinh ra bà đã ngớ ngẩn, tính tình không bình thường. Có lẽ chính vì vậy, chẳng ai trong gia đình dám nghĩ bà sẽ có một tổ ấm riêng.

Gia đình có bốn người phụ nữ thì có tới 3 người bị thần kinh, lại thiếu bóng đàn ông nên mọi công lớn việc nhỏ trong nhà đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của bà Bình.

Lau giọt nước mắt, bà Bình tâm sự: Giờ đây cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Từ khi các dự án, khu công nghiệp đổ bộ về vùng quê vốn yên bình này, ruộng đất của người dân đều nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Giờ không còn ruộng để canh tác, mấy chị em trong gia đình chỉ biết trông chờ vào việc buôn bán chổi quét ngoài chợ. Hàng ngày làm từ sáng tới tối may ra lãi được khoảng 20.000 đồng, đủ tiền rau cháo qua bữa.

Bà Sắt mặc dù bị tàn tật bẩm sinh, nhưng mỗi lần mọi người muốn đưa bà đi bệnh viện khám để làm chế độ, bà lại tỏ ra vô cùng sợ sệt, không chịu đi. Chính vì vậy, tới tận bây giờ, bà Sắt vẫn chưa có bất cứ chế độ gì dành cho người bị khuyết tật. Trong khi đó, căn bệnh tai biến mạch máu não của bà Giang hàng tháng vẫn phải tiêu tốn tiền thuốc thang lên tới 2 triệu đồng. Số tiền này, đều phải do những người chị em lành lặn khác trong gia đình đóng góp.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Hội, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phú Lương, Hà Đông cho biết: Hoàn cảnh của gia đình bà Bình thực sự khó khăn, éo le. Trong nhiều năm trở lại đây, chính quyền luôn tạo điều kiện cho gia đình bà trong diện đói nghèo để nhận được những chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Bình giờ đã xuống cấp, nhìn lên nóc nhà bà Bình nghẹn lại: “Những ngày nắng còn đỡ, chứ mỗi khi có mưa to gió lớn, nhà dột, ướt không có chỗ mà đứng. Trong nhà chẳng có thứ gì quý giá ngoài chiếc ti vi mới được cho, con bé Thảo cứ ôm rịt lấy suốt ngày”.

Theo Hà Châu – Xuân Thắng (Gia Đình)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot