Tiền gửi dân cư đạt hơn 6,8 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 7, song tốc độ tăng chậm lại đáng kể so với hai năm trước.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi dân cư 7 tháng đầu năm nay tăng gần 4,7% so với đầu năm. Nhưng tốc độ tăng này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ hai năm trước. Mức tăng của cùng kỳ 2023 và 2022 lần lượt ghi nhận 8,9% và 6,2%.
Tính chung tới cuối tháng 7, tổng lượng tiền người dân gửi tại các ngân hàng là hơn hơn 6,8 triệu tỷ đồng.
Xét về giá trị tuyệt đối, tiền gửi dân cư tăng "ròng" hơn 305.600 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, cũng thấp hơn so với con số tăng thêm cùng giai đoạn 2022-2023.
Với khối tổ chức kinh tế, nhóm này gửi vào các ngân hàng giảm 1%, xuống còn 6,768 triệu tỷ đồng. Đà giảm của khối doanh nghiệp khiến tổng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng đạt 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,74% so với đầu năm.
Nửa đầu năm nay, tình trạng huy động vốn tại nhiều ngân hàng tăng thấp so với tín dụng cho vay. Điều này theo phân tích của Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), do người dân có xu hướng mua vàng, bất động sản và các kênh đầu tư có hiệu suất khác có hiệu suất sinh lời cao khi nền lãi suất thấp.
Đặc biệt, giá vàng tăng "nóng" khiến các cửa hàng giai đoạn nửa đầu năm ghi nhận lượng khách giao dịch nhộn nhịp hẳn so với trước. Các mặt hàng nhẫn trơn thường xuyên trong tình trạng cháy hàng cục bộ. Với kênh bất động sản, cơn sốt tăng giá chung cư cũng diễn ra ở hai thành phố lớn, Hà Nội và TP HCM.
Huy động tiền gửi nửa cuối năm nay theo dự báo của chuyên gia từ Chứng khoán VPBank (VPBankS), có động lực tăng trưởng tốt hơn khi kênh vàng bị siết chặt, thị trường bất động sản trong giai đoạn quan sát và chứng khoán chưa có tín hiệu tích cực.
Theo số liệu mới nhất cập nhật đến 15/8 của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), huy động vốn cải thiện khi tốc độ tăng trưởng từ dân cư và các tổ chức kinh tế đã lên 2,74%. Phân tích của chuyên gia từ VCBS cũng cho thấy nền kinh tế trên đà hồi phục, thu nhập của người dân và sản xuất kinh doanh cải thiện. Do đó, nhu cầu chi tiêu tăng lên cùng việc các thị trường đầu tư tài sản (như chứng khoán, bất động sản) sôi động hơn đã kích thích nhu cầu đầu tư, dòng tiền chảy vào tài khoản ngân hàng.
Nguồn: VCBS
Từ tháng 4 năm nay, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu mạnh lên, đưa mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 5% lên 6,2% một năm.
Theo tính toán của VCBS, tới giữa tháng 9, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống tăng thêm 0,3-0,5% so với mức đáy thời điểm cuối tháng 4, nhưng một số kỳ hạn vẫn giảm 0,1-0,3% so với đầu năm. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn ở mức thấp trong năm nay.