Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, một số địa phương đã có phương án nới lỏng, cho phép mở cửa du lịch, quán ăn vỉa hè, dịch vụ làm đẹp...
Khánh Hòa: Người lao động "vùng xanh" và "vùng vàng" được phép đi làm
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Khánh Hòa (ban Chỉ đạo) có công văn hướng dẫn thực hiện tạm thời về biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, du lịch trên địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch trong hướng dẫn là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, cơ sở dịch vụ du lịch, nhà máy, các công trình xây dựng trong và ngoài ngân sách được phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở sản xuất được phép hoạt động khi có trụ sở đặt tại các thôn, tổ “vùng xanh” hoặc có trụ sở trên địa bàn “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ” nhưng ở vị trí biệt lập, cách xa khu dân cư; có kết quả mức độ nguy cơ lây nhiễm được đánh giá dưới 50% theo Quyết định số 2194 ngày 27/5/2020 của ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Trước khi hoạt động phải thông báo cho sở Y tế để giám sát, kiểm tra. Trong quá trình hoạt động phải thực hiện theo một trong ba mô hình: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, “2 tại chỗ, 1 vùng xanh” (người lao động cư trú tại “vùng xanh” đến doanh nghiệp để sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, sau đó về nghỉ ngơi tại “vùng xanh”).
Các cơ sở sản xuất được sử dụng người lao động cư trú tại “vùng xanh” và “vùng vàng” khi có một trong ba điều kiện sau: Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; chứng minh đã được tiêm mũi 2 vắc-xin phòng ngừa Covid-19 sau 14 ngày; người đã điều trị khỏi bệnh Covid-19.
Người lao động tại “vùng xanh” được đi làm và được về nghỉ ngơi tại nhà, nơi cư trú. Người lao động tại “vùng vàng” sau khi làm việc quay trở lại nơi cư trú phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ hoặc chứng minh đã được tiêm mũi 2 vắc-xin phòng ngừa Covid-19 sau 14 ngày.
Các cơ sở sản xuất không được sử dụng người lao động cư trú trong “vùng đỏ”, “vùng cam”; trường hợp đặc biệt báo cáo ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
Tất cả người lao động phải ký giấy cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với người sử dụng lao động (theo mẫu quy định); có xác nhận của thôn, tổ dân phố về việc cư trú tại “vùng xanh” và “vùng vàng”. Các cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người lao động vi phạm cam kết đã ký.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tạm thời chưa sử dụng mới lao động ngoài tỉnh; chỉ tiếp tục sử dụng lao động ngoài tỉnh đang làm việc tại các cơ sở. Trường hợp người lao động là các chuyên gia ngoài tỉnh, các cơ sở phải đề xuất, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Trong thời gian trong nước xảy ra dịch Covid-19, người lao động trong các cơ sở không đi ra ngoài tỉnh, ngoài huyện (trừ những trường hợp đặc biệt). Trường hợp đi thì khi về phải thực hiện khai báo y tế, nếu đi về từ vùng dịch thì thực hiện cách ly và xét nghiệm theo quy định, chi phí cách ly và xét nghiệm do người lao động chi trả.
Lâm Đồng: Du lịch ở được mở cửa trở lại, quán ăn vỉa hè và dịch vụ làm đẹp cũng được hoạt động
UBND tỉnh Lâm Đồng nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, trong đó cho phép hoạt động du lịch nội tỉnh mở cửa trở lại.
UBND tỉnh Lâm Đông yêu cầu tại các điểm tham quan du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch từ 2 sao trở lên lưu trú không quá 2 người/phòng, công suất không quá 50%.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đồng ý cho hoạt động trở lại một số dịch vụ như tập luyện thể dục - thể thao. Đối với hoạt động thể dục thể thao trong nhà chỉ áp dụng tối đa 50% số người so với ngày thường.
Một góc TP Đà Lạt
Các dịch vụ hớt tóc, làm đẹp áp dụng 1 nhân viên cùng 1 khách và chỉ phục vụ cùng lúc 50% công suất so với ngày thường (đối với cơ sở có từ 2 giường, ghế hoạt động trở lên). Các quán ăn uống, kể cả quán ăn uống vỉa hè phục vụ cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường và chỉ được bố trí tối đa 50% số bàn ghế.
Tạm ngưng thực hiện các Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trong phạm vi nội tỉnh. Trong đó, duy trì các chốt phục vụ cách ly địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và chốt tại huyện Đạ Tẻh giáp ranh huyện Đạ Huoai. Tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra, vào tỉnh.
Động thái này của UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm thực hiện tốt "mục tiêu kép" phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn thiệt hại.
Bình Dương cho phép người dân đã tiêm vaccine sau 14 ngày được ra đường
Tối 9/9, UBND tỉnh Bình Dương có công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành và địa phương về việc khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, tỉnh quyết định cho phép người dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày được phép ra đường.
Người dân Bình Dương đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin sau 14 ngày được phép tham gia lưu thông.
Theo đó, tỉnh Bình Dương quyết định cho phép người dân đã tiêm ít nhất 1 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày được tham gia lưu thông. Tuy nhiên, người lao động cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất, khi đi qua các chốt kiểm soát. Những người chưa tiêm vaccine và người tiêm mũi 1 dưới 14 ngày không được ra đường. Tuy nhiên, đối với người già, người có bệnh lý nền và trẻ em không tham gia lưu thông khi không cần thiết.
Đối với hộ kinh doanh, cửa hàng buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bán buôn hàng hóa phục vụ nhu cầu cho người dân, UBND tỉnh Bình Dương giao cho các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để quyết định cho phép mở cửa trở lại.
Đối với các vùng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục yêu cầu thực hiện các giải pháp khóa chặt ''vùng đỏ, điểm đỏ'', nhanh chóng xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0.
Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất giao UBND các huyện "vùng xanh" lên phương án, lộ trình nới lỏng giãn cách. Cụ thể, từ ngày 10-15/9, tỉnh cho phép người dân lưu thông trong phạm vi xã, phường, thị trấn; từ ngày 15-19/9 cho phép người dân lưu thông trong phạm vi huyện, thị xã, thành phố; sau ngày 20/9 cho phép người dân lưu thông trong phạm vi toàn tỉnh.
Các địa phương cần khẩn trương thành lập, kiện toàn nhân sự và đưa vào hoạt động các trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ vật tư y tế tại những xã, phường, thị trấn có tình hình dịch bệnh căng thẳng, phức tạp. Các trạm y tế lưu động sẽ kết nối trực tiếp với tổ phản ứng nhanh, trạm y tế cố định của địa phương kịp thời cấp cứu, điều chuyển người bệnh.
Đồng Nai tính phương án cho một số hoạt động trở lại ở "vùng xanh"
Ngày 9/9, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ Tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp giao ban phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của các địa phương, trong số 75 xã, phường thuộc nhóm "vùng xanh" của tỉnh có 5 xã xuất hiện ca F0. Tuy nhiên, có một số xã, phường "vùng cam" trong ngày hôm qua không phát sinh ca F0.Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, những "vùng xanh" xuất hiện ca F0 là vấn đề nguy hiểm. Các địa phương phải tập trung truy vết ngay để đảm bảo xanh thật, xanh bền vững, ngăn dịch bệnh lây lan. Những "vùng vàng, vùng cam" cũng phải kiểm soát thật chặt để không phát sinh thêm ca nhiễm mới, chuyển dần từ "vùng vàng, vùng cam" sang "vùng xanh".
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì dự thảo quy định những hoạt động được phép diễn ra trong "vùng xanh" để sớm đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới. Riêng công tác bảo vệ "vùng xanh" do các địa phương trực tiếp quản lý.
Đánh giá cao những nỗ lực của các Sở, ban, ngành trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phát huy, nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là công tác tiêm vaccine, phải chấp nhận vất vả để thúc đẩy tiến độ tiêm vaccine.
Các điểm tiêm vaccine phải chuẩn bị chu đáo công tác tiêm để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tiêm hết vaccine trong ngày, không mang vaccine về.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng nhấn mạnh, việc giữ "vùng xanh" rất khó nên các địa phương phải tập trung để bảo vệ, bảo vệ chặt từ vòng ngoài, không để F0 xâm nhập. Bí thư các xã "vùng vàng, vùng cam" có xuất hiện ca F0 không được chủ quan.
Các xã, phường đang xanh càng không được chủ quan, hằng ngày phải cung cấp thông tin dịch bệnh ở địa phương mình cho cấp trên để kịp thời có phương án xử lý. Phải nỗ lực nhiều hơn nữa để mở rộng "vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ, cam, vàng".
“Những địa phương vùng xanh khẩn trương lập phương án để trở lại trạng thái bình thường mới sau ngày 15-9 để người dân dễ thở hơn. Khi trở lại trạng thái bình thường mới phải đảm bảo an toàn và không tái dịch”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu.
Hà Nội: Huyện Gia Lâm cho phép bán hàng ăn mang về ở "vùng xanh"
UBND huyện Gia Lâm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20 của UBND thành phố Hà Nội.
Kế hoạch này được đề ra nhằm mục đích vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện duy trì và đẩy mạnh sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Huyện đã quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo từng phân khu phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức sản xuất, sinh hoạt, truy vết, xét nghiệm… cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, Phân khu 1 (vùng đỏ) gồm một phần địa giới thôn 3 (xã Đông Dư) và một phần thôn Giao Tất A (xã Kim Sơn; cùng là khu vực có ổ dịch đang được phong tỏa, cách ly). Khu này sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ không cho người ra vào; yêu cầu "ai ở đâu ở đó", "nhà nào ở yên nhà đấy" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch triệt để.
Ngoài ra, chính quyền sở tại sẽ lập chốt kiểm soát ra vào tại Phân khu 1; thiết lập hàng rào cứng tại các tuyến đường ngang, ngõ tắt (có tính đến phương án linh hoạt phòng trường hợp khẩn cấp).
"Vùng đỏ" này sẽ dừng triệt để các hoạt động sản xuất kinh doanh, các công trình xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ; chỉ cho cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa để phục vụ người dân.
Phân khu 2 (vùng da cam) sẽ gồm các thôn, tổ dân phố, khu vực của xã, thị trấn có thôn, tổ dân phố bị phong tỏa; các tổ dân phố, khu vực vừa kết thúc phong tỏa trong thời gian 14 ngày; Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Vinhomes Ocean Park và các nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu, cụm Công nghiệp. Toàn bộ "vùng da cam" sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.
Trong đó, tiếp tục duy trì trực chốt tại các tổ dân phố, thôn, đảm bảo trực 24/24h và 7/7 ngày trong tuần cho đến khi có thông báo mới; cho phép người dân, phương tiện đến từ vùng 2, vùng 3 và các phân khu khác trên địa bàn huyện ra vào nhưng phải kiểm soát, lập sổ theo dõi.
Tại Phân khu 2, huyện Gia Lâm cho phép các hoạt động sản xuất thiết yếu, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tư nhân được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và có phương án phòng, chống dịch đã được UBND xã, thị trấn phê duyệt…
Đối với Phân khu 3 (vùng xanh) gồm 19 xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian cách ly, phong tỏa theo quy định sẽ thực hiện như Phân khu 2, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về.