COVID-19 10/9: 3 học sinh nhiễm SARS-CoV-2, một địa phương cho học sinh nghỉ học khẩn

H.A - Ngày 10/09/2021 12:14 PM (GMT+7)

Huyện Quế Phong (Nghệ An) sẽ tạm dừng việc học tại các trường trên địa bàn huyện, kể cả hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp sau khi xuất hiện chùm ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 3 F0 là học sinh.

Sáng 10/9, Ông Lữ Thanh Hà - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa có văn bản về việc tạm dừng giảng dạy tại các trường, huy động lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, từ ngày 10/9 đến khi có văn bản chỉ đạo mới, sẽ tạm dừng việc học tại các trường trên địa bàn huyện, kể cả hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp.

Trước đó, ngày 7/9, trên địa bàn huyện Quế Phong xuất hiện chùm ca nhiễm cộng đồng là 5 người trong cùng một gia đình. Đáng chú ý, trong số 3 người con của bệnh nhân mắc COVID-19 có 2 em đến trường vào ngày 6/9 để thầy, cô hướng dẫn học trực tuyến sau ngày khai giảng. Do đó, 65 học sinh tiếp xúc trở thành F1 và phải đi cách ly.

Những ngày tiếp theo, huyện Quế Phong xuất hiện thêm 3 ca nhiễm cộng đồng ở xã Mường Nọc, trong đó có 1 học sinh. Liên quan đến ca bệnh này, 24 học sinh lớp 3 ở Trường Tiểu học Mường Nọc đã phải đi cách ly tập trung.

Chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An

Chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An

Như vậy, đến thời điểm này, toàn huyện Quế Phong có 3 F0 là học sinh, 92 giáo viên, học sinh thuộc đối tượng F1 phải cách ly tập trung. Huyện cũng đang còn 13 trường đang được trưng dụng để làm khu cách ly tập trung.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong cũng đề nghị hiệu vụ các trường phối hợp với Công đoàn nhà trường huy động lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, huy động lực lượng thực hiện sửa sang, làm mới các công trình vệ sinh phục vụ công tác phòng, chống dịch tại nhà trường.

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 1.775 ca dương tính SARS-CoV-2 ở 21 địa phương. Trong đó huyện Quế Phong có 48 ca.

(Theo Tiền Phong)

Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch Hà Nội nói gì về việc nới lỏng giãn cách xã hội?

Điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (quận Đống Đa) là điểm "2 trong 1" (người dân xét nghiệm nhanh chờ kết quả, nếu âm tính thì vào tiêm). Lãnh đạo UBND quận Đống Đa cho biết đến hôm qua (9-9) quận nhận được gần 86 ngàn liều vắc-xin và đến đầu sáng nay đã tiêm được 30% số vắc-xin được phân bổ. Quận đã triển khai ngay công tác tiêm chủng từ ngày 8-9 trên 21 điểm tiêm thuộc 21 phường với sự hỗ trợ từ lực lượng y tế tăng cường của tỉnh Phú Thọ; tổ chức tuyên truyền đến nhân dân, trong đó nhấn mạnh phương châm "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trò chuyện với người dân tiêm vắc-xin - Ảnh: Phú Khánh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trò chuyện với người dân tiêm vắc-xin - Ảnh: Phú Khánh

Tại điểm tiêm chủng ở phường Phúc Lợi (quận Long Biên), Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra các khâu trong dây chuyền tiêm vắc-xin và hỏi thăm động viên lực lượng y tế đến từ Bắc Giang đang làm nhiệm vụ ở đây.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định muốn nới lỏng dần dần giãn cách xã hội, đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới thì chúng ta phải tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng dập dịch một cách triệt để. Do đó công tác xét nghiệm rất quan trọng, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới điều triển khai xét nghiệm nhanh, nhiều vòng. Kinh nghiệm thực tiễn tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, quận 7, Củ chi (TP HCM), Cần Thơ là những bài học thực tiễn về mặt khoa học của việc phải bóc tách bằng được F0 không để lây lan ra cộng đồng. "Với biện pháp đó, chúng tôi cho rằng hiện nay Hà Nội đang triển khai rất tích cực" - Bộ trưởng đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh chủ trương "thần tốc" phủ vắc-xin mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi của Hà Nội là hoạt động rất quan trọng để tạo ra miễn dịch nhằm bảo vệ người dân thủ đô.

"Qua khảo sát thực địa cho thấy Hà Nội đã triển khai bài bản trong công tác tiêm vắc-xin. Với công suất tiêm của Hà Nội, hôm qua (9-9) đạt hơn 300 ngàn liều là con số rất ấn tượng. Chúng tôi mong Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đến ngày 15-9 tiêm chủng mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi. Đây là mục tiêu rất tham vọng, nhiều địa phương khác cũng đang triển khai để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi kỳ vọng với vị trí là đầu tàu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, TP Hà Nội sẽ sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Hai mũi giáp công của Hà Nội là rất đúng đắn" - Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

TP đặt ra các mục tiêu cụ thể hàng đầu: Đến 15-9 hoàn tất tầm soát xét nghiệm diện rộng, tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vắc-xin được bảo đảm); thông qua đó cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo huy động sự vào cuộc của lực lượng y tế các tỉnh, TP bạn, để "thần tốc" tiêm chủng, xét nghiệm xong trước ngày 15-9 và nhấn mạnh: "TP luôn căng sức theo tinh thần "Hà Nội vì cả nước" nhưng thời điểm này cũng thấm đẫm tinh thần "Cả nước vì Hà Nội", trước hết là của 11 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng đã cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm với TP trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, lực lượng y tế tuyến đầu cũng đã có những kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm tầm soát, tiêm vắc-xin thần tốc. Từ đó chúng ta phấn khởi khi nhận thấy trong những ngày qua tốc độ tiêm vắc-xin đã được đẩy lên rất cao, như ngày 8-9 thống kê cho thấy trong ngày TP tiêm được hơn 300 ngàn liều; ngày 9-9 cũng đạt gần 330 ngàn liều. Đó là con số biết nói về công tác phòng chống dịch ở thủ đô."

Từ thực tế ở điểm tiêm phường Phúc Lợi (quận Long Biên), nơi sẽ cơ bản tiêm hết số vắc-xin đã được phân bổ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế nhanh chóng rà soát, điều phối vắc-xin cho các địa bàn để đảm bảo mục tiêu đề ra. Đồng thời, kịp thời tham mưu UBND TP báo cáo Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vắc-xin cho Hà Nội theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý các điểm tiêm chủng phải bố trí đầy đủ lực lượng, nhắc nhở, phân luồng người dân từ xa để đảm bảo giãn cách.

(Theo Người Lao Động)

Công an TP HCM kiểm soát người ra đường trong thời gian tới như thế nào?

Ngày 10-9, Giám đốc Công an TP HCM Lê Hồng Nam đã chỉ đạo công an các quận, huyện trên địa bàn TP HCM thực hiện Công văn số 2994/UBND-VX ngày 8-9 của chủ tịch UBND TP HCM về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cụ thể, Công an TP HCM yêu cầu thủ trưởng công an các đơn vị triển khai ngay đến các cán bộ chiến sĩ nắm vững nội quy quy định tại Công văn số 2994/UBND-VX ngày 8-9 của chủ tịch UBND TP HCM và các quy định hướng dẫn về kiểm soát đối tượng lưu thông trên đường theo thông báo số 3416/TB-CATP-PV01 ngày 6-9 của Giám đốc Công an TP HCM.

Công an TP HCM giao Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) thực hiện cấp đổi giấy đi đường cho các đơn vị quản lý đối tượng cấp phép lưu thông trên đường theo công văn số 2800/UBND-VX và cập nhật danh sách gửi về Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an.

Cho phép nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, nhân viên giao hàng (shipper), nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị vật tư y tế được phép lưu thông từ 5 giờ đến 21 giờ 30 hằng ngày.

Giao trưởng Công an quận 7 và huyện Củ Chi phối hợp tham mưu với chủ tịch UBND quận, huyện xây dựng phương án tổ chức cho người dân được phép đi chợ 1 tuần/lần, bảo đảm yêu cầu kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19. Riêng Công an quận 8, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức xây dựng phương án và bố trí lực lượng kiểm soát lưu thông, đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện các quy định về an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức.

(Theo Người Lao Động)

Nhân viên đi thu tiền cước khiến 145 khách hàng thành F1: Làm rõ trách nhiệm của SCTV

Ngày 9-9, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn thời gian qua và kế hoạch, phương án của tỉnh trong thời gian tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 4 địa phương: TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và huyện Long Điền.

Tại cuộc họp, phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigon Tourist (SCTV) tại TP Vũng Tàu trong việc để nhân viên đi thu tiền cước truyền hình cáp trong thời điểm giãn cách xã hội khiến nhiều khách hàng trở thành F1, vì nhân viên này sau đó được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu - thông tin tại cuộc họp báo

Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu - thông tin tại cuộc họp báo

Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thừa nhận một phần lỗi thuộc về sở này khi đã có thiếu sót trong quá trình ra văn bản, cho phép SCTV căn cứ vào đó đi thu tiền trực tiếp. Theo ông Tuấn, dù văn bản không sai nhưng trong bối cảnh như hiện nay thì không nên. Do đó, sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo sở đã có cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn, đề nghị không được ngừng cung cấp dịch vụ của khách hàng cũng như thu tiền trực tiếp trong thời điểm giãn cách xã hội.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của SCTV, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nói sẽ ghi nhận để làm rõ mức độ sai phạm đến đâu, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ trách nhiệm của SCTV trong vụ việc này.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo trình bày của đại diện SCTV tại Vũng Tàu, do tỉ lệ khách hàng thanh toán online rất thấp nên căn cứ hướng dẫn của Sở TT-TT tỉnh (Văn bản 1444/STTTT-VTCNTT), phía công ty đã triển khai phát phiếu cho nhân viên D.X.D đi thu cước phí và thanh toán công nợ với khách hàng.

Điều đáng nói, trong văn bản này, Sở TT-TT cho biết có nhận được phản ánh của người dân sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc truyền hình cáp trong khu vực cách ly, phong tỏa chưa kịp thanh toán cước nên bị ngưng cung cấp dịch vụ. Do dó, sở yêu cầu doanh nghiệp linh hoạt trong việc thu phí, có thể trực tiếp, gián tiếp hoặc hình thức khác.

Thay vì lựa chọn phương án thanh toán online để hạn chế tiếp xúc thì phía SCTV lại để nhân viên trực tiếp đi thu phí truyền hình và thanh toán công nợ.

Theo báo cáo của UBND TP Vũng Tàu, liên quan nhân viên SCTV mắc Covid-19 là ông D.X.D, qua truy vết trong 14 ngày (từ ngày 22-8 đến 5-9), cơ quan chức năng xác định ông có đi thu tiền cáp thuê bao tại khu vực phường 8 và phường 2, tiếp xúc với 145 khách hàng. Ngoài ra, 12 nhân viên của công ty này cũng tiếp xúc gần với ông D.

Do lịch trình di chuyển của ông D. phức tạp với đặc thù tiếp xúc nhiều người nên TP Vũng Tàu đã chỉ đạo test kháng nguyên cho tất cả những người tiếp xúc với ông 2 lần vào các ngày 3-9 và 6-9. Đối với 145 khách hàng của SCTV, TP Vũng Tàu yêu cầu các phường ban hành quyết định cách ly tại nhà, thực hiện giám sát chặt chẽ và xét nghiệm theo quy định. Kết quả xét nghiệm ban đầu của các khách hàng đều âm tính.

(Theo Người lao động)

Cắt tóc khi đang giãn cách xã hội, 4 người ở Cà Mau "mất" 30 triệu đồng

Tối 9/9, theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường 8 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã lập biên bản vi phạm hành chính, đề xuất Chủ tịch UBND TP Cà Mau ban hành quyết định xử phat vi phạm hành chính 4 người, với tổng số tiền 30 triệu đồng (mỗi người 7,5 triệu đồng).

Tiệm cắt tóc M.H.3 hoạt động bất chấp lệnh cấm trong thời gian giãn cách xã hội

Tiệm cắt tóc M.H.3 hoạt động bất chấp lệnh cấm trong thời gian giãn cách xã hội

Theo đó, vào trưa cùng ngày, nhận được tin báo từ người dân, tại tiệm cắt tóc M.H. 3 ở đường Cao Thắng (phường 8, TP Cà Mau) vẫn đang cắt tóc cho khách trong thời gian giãn cách xã hội, nên lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 của UBND phường 8 nhanh chóng đến kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện tiệm hớt tóc này có 4 khách đến cắt tóc. Chủ tiệm khai nhận tên Nguyễn Văn H. (SN 1997, tạm trú cùng địa chỉ nêu trên).

Qua làm việc với cơ quan chức năng, những người này đã thừa nhận vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch Covid - 19 theo Chỉ thị 15 tỉnh Cà Mau đang áp dụng.

(Theo Báo Giao Thông)

Hỗ trợ tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề xuất chính sách gì?

Ngày 9/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có các phụ cấp đặc thù chuyên môn cũng như chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, lực lượng y tế vẫn gặp không ít khó khăn, phải chịu sự hy sinh, mất mát, đối mặt với các nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Nhân viên y tế căng mình chống dịch (ảnh minh họa)

Nhân viên y tế căng mình chống dịch (ảnh minh họa)

Để bù đắp phần nào những khó khăn và động viên các lực lượng, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; các phụ cấp đặc thù chuyên môn cũng như chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế...

Trước đó, theo kiến nghị của Bộ Y tế, tại Nghị quyết số 58/NĐ-CP ngày 8/6/2021, Chính phủ đã phê duyệt các chính sách phụ cấp đặc thù đối với cán bộ tham gia công tác tiêm chủng vaccine Covid-19; áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành y dược, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách, gồm chế độ bồi dưỡng chống dịch và chế độ tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian ở lại nơi tình nguyện.

Đề xuất này của Bộ Y tế được đưa ra trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhân viên y tế đang phải làm việc quá tải, không bảo đảm sức khỏe và tinh thần trong cuộc chiến Covid-19.

Trước đó, ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, thực tế ghi nhận có nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện dã chiến của TP. HCM phải chăm sóc cho hơn 100 bệnh nhân, thời gian làm việc kéo dài 10-12 giờ/ngày; chế độ ăn uống của nhân viên y tế, đặc biệt là đội ngũ chi viện cho miền Nam chưa đảm bảo, không phù hợp với khẩu vị... Theo đó, đề xuất lãnh đạo TP. HCM cần sớm có giải pháp để hỗ trợ nhân viên y tế trong quá trình chống dịch.

(Theo Báo Giao Thông)

Xảy ra ùn ứ khi tiêm vaccine Covid-19, phường Khương Thượng nói gì?

Vừa qua báo chí phản ánh hiện tượng người dân đứng chen chúc, không đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch diễn ra ở điểm tiêm phòng Covid-19 tại phường Khương Thượng (quận Đống Đa, TP Hà Nội).

Cá biệt, theo phản ánh có hiện tượng xếp hàng đến 2 buổi nhưng vẫn không được tiêm vaccine Covid-19. Điều này đã khiến một số người có mặt tại điểm tiêm này bức xúc.

Người dân chen chúc xếp hàng chờ đến lượt tiêm vaccine Covid-19 ở phường Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội)

Người dân chen chúc xếp hàng chờ đến lượt tiêm vaccine Covid-19 ở phường Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội)

Sáng nay (10/9), trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Trí Luyện, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) đã có những lý giải về nguyên nhân của sự chen chúc tại điểm tiêm này.

"Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dân. Chúng tôi thông báo tiêm vaccine đến tổ này thì tổ khác lại ra tập trung tại chỗ tiêm nên đã xảy ra hiện tượng ùn ứ", ông Luyện lý giải.

Về thông tin "có giấy mời nhưng không được tiêm phải đợi đến ngày hôm sau, nhưng đến hôm sau vẫn không được tiêm", ông Luyện cho biết, thông tin này không chính xác.

"Giấy mời phân chia theo tổ, theo giờ, không có chuyện có giấy mời nhưng xếp hàng 2 ngày không được tiêm. Người dân chưa đến giờ, đến tổ được tiêm, nhưng muốn nhanh được tiêm nên ra sớm. Từ đầu giờ sáng, chưa đến giờ làm việc người dân đã đến xếp hàng, khi đến thì không đứng vào vị trí theo tổ của mình. Những điều đó đã tạo ra hiện tượng ùn ứ", Phó Chủ tịch phường Khương Thượng cho hay.

Theo ông Phan Trí Luyện, đến cuối giờ chiều hôm qua và sáng nay thì tình trạng ùn tắc, chen lấn đã không xảy ra tại điểm tiêm ở phường Khương Thượng.

(Theo Báo Giao Thông)

Hà Nội chuẩn bị phương án đáp ứng 40.000 giường điều trị F0, 100.000 giường cách ly F1

Cùng với thần tốc trong truy vết, khoanh vùng và xét nghiệm, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng chuẩn bị các khu cách ly tập trung các trường hợp F1 nhằm bóc tách, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Bệnh viện dã chiến tại Hoàng Mai (Hà Nội) với các công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động - Ảnh: Ngô Nhung

Bệnh viện dã chiến tại Hoàng Mai (Hà Nội) với các công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động - Ảnh: Ngô Nhung

Hiện nay, toàn TP Hà Nội có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập, có khả năng tiếp nhận cách ly 42.982 người và sẵn sàng chuẩn bị phương án đáp ứng 100.000 giường cách ly các đối tượng F1. Trong khi đó, toàn TP hiện đang cách ly hơn 3.846 người, mới chỉ sử dụng hết gần 9% "công suất" trên tổng số 42.982 giường đã có.

Ngay từ đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xuyên suốt là phải chủ động chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung. Theo đó, ngoài các khu cách ly của TP, các quận, huyện, thị xã cũng phải chủ động, chuẩn bị các khu cách ly tập trung trên địa bàn mình.

Các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã trong việc chuẩn bị khu cách ly tập trung. Từ đó, các đơn vị đã tăng cường rà soát, tận dụng cơ sở vật chất như các khu nhà chung cư chưa đưa vào sử dụng, các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn... để thiết lập khu cách ly tập trung; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly các trường hợp F1.

Với việc chủ động chuẩn bị từ sớm, xây dựng các kịch bản ứng phó đi trước và cao hơn diễn biến tình hình dịch bệnh, các khu cách ly trên địa bàn TP trong thời gian qua luôn được quản lý và vận hành hiệu quả, an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Đặc biệt, trước thực trạng một số trường hợp F1 cách ly tập trung đủ 14 ngày nhưng khi về cách ly tại gia đình vẫn dương tính SARS-CoV-2; trong khi năng lực tiếp nhận của các khu cách ly trên địa bàn TP hiện vẫn đang còn rất lớn, Hà Nội đã quyết định nâng thời gian cách ly tập trung các đối tượng F1 từ 14 ngày lên 21 ngày để đảm bảo kiểm soát đối đa nguồn lây nhiễm, không để dịch lây trong cộng đồng và bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định chơi golf giữa lệnh cấm xuống làm chuyên viên

Sáng 10-9, nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết đến thời điểm này, Sở Nội vụ Bình Định vẫn chưa bố trí công tác khác cho ông Nguyễn Văn Dũng, người vừa bị UBND tỉnh Bình Định kỷ luật cảnh cáo và miễn nhiệm chức danh Giám đốc Sở Du lịch vì vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Dũng khi còn đương chức Giám đốc Sở Du lịch Bình Định

Ông Nguyễn Văn Dũng khi còn đương chức Giám đốc Sở Du lịch Bình Định

Sau khi bị kỷ luật cảnh cáo và miễn nhiệm chức danh Giám đốc Sở Du lịch, ông Nguyễn Văn Dũng hiện giờ là công chức, chuyên viên bình thường, do Sở Nội vụ quản lý. 

"Nếu không có chuyện gì xảy ra (không dính vụ chơi golf), tháng 11-2021 sắp tới, ông Nguyễn Văn Dũng sẽ được tái bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Du lịch cho đến tuổi nghỉ hưu (tháng 3-2023). Tuy nhiên, vì vừa bị kỷ luật và miễn nhiệm chức Giám đốc Sở Du lịch nên ông Dũng không thể bổ nhiệm lại chức vụ này theo lộ trình đã định sẵn. Không chỉ vậy, do không còn đủ điều kiện về thời gian công tác để bổ nhiệm các chức danh khác thấp hơn nên ông Dũng chỉ có thể làm chuyên viên cho đến lúc nghỉ hưu theo chế độ", nguồn tin cho biết.

Trong khi đó, nguồn tin từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định cho biết dù bị mất chức và không được tái bổ nhiệm các chức vụ khác theo quy định, nhưng sau này ông Nguyễn Văn Dũng vẫn được gọi là nguyên Giám đốc Sở Du lịch.

Số ca COVID-19 tử vong ở TP.HCM thấp nhất trong hơn 1 tháng qua 

Chiều 10-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Phạm Đức Hải phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Phạm Đức Hải phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Mở đầu buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã thông báo số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại TP.HCM giai đoạn gần đây “giảm rất đáng kể”.

Theo ông Hải, tính đến 18 giờ ngày 9-9, TP.HCM có 279.223 ca mắc COVID-19. Hiện TP đang điều trị cho hơn 39.000 bệnh nhân, trong đó có 2.664 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.783 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Riêng trong ngày 9-9, toàn TP.HCM có 195 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số người tử vong cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 11.604 người.

Ông Hải lấy số liệu so sánh, theo đó, trước khi TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội, vào ngày 22-8 TP có 350 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nhưng đến ngày 9-9 chỉ còn 195 ca.

Liên quan đến tiêm trộn vaccine, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, cho biết với các trường hợp thiếu vaccine thì Bộ Y tế hướng dẫn tiêm trộn mũi 2 Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca.

“Thời gian gần đây, Bộ Y tế đã thống nhất cho phép tiêm trộn Pfizer mũi 1 và Moderna mũi 2 hoặc ngược lại, cũng như AstraZeneca mũi 1 và Moderna mũi 2” - ông Nam nói.

Theo đó, Sở Y tế đã có hướng dẫn, yêu cầu đảm bảo an toàn từ sàng lọc trước, theo dõi sau tiêm và giám sát sự cố sau tiêm, quy trình hồi sức cấp cứu.

Liên quan đến người nước ngoài tại TP.HCM tiêm vaccine, quan điểm của TP là không phân biệt. Trong tất cả kế hoạch, TP luôn nhấn mạnh việc tiêm vaccine cho tất cả người trên 18 tuổi tại thành phố và thực hiện trong thực tế.

(Theo Pháp luật TPHCM)

Lãnh đạo Đà Nẵng chỉ đạo gì khi vừa chống dịch, vừa chống bão số 5?

Chiều 10/9, cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng mở rộng cho cả việc phòng chống bão số 5 (bão Conson) trong thời điểm thành phố đang phải chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, yêu cầu Bộ chỉ huy BĐBP thành phố kêu gọi các tàu thuyền vào lánh nạn, phối hợp với các cơ quan chức năng và trú ẩn an toàn.

Dân phòng, dân quân tự vệ giúp ngư dân đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão số 5 sáng 10/9

Dân phòng, dân quân tự vệ giúp ngư dân đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão số 5 sáng 10/9

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở Y tế rà soát các khu phong tỏa, các khu cách ly để đảm bảo các điều kiện về phòng chống lụt bão. Phải đảm bảo ăn uống hàng ngày tại các khu này; đảm bảo việc xét nghiệm người dân sơ tán.

"Mỗi xã phường thành lập đội xung kích cơ động mà lực lượng ở đây là công an, quân đội, biên phòng, thanh niên… hỗ trợ cho những hộ dân gặp khó khăn, thiếu người, đi cách ly hoặc những khu phong tỏa", ông Chinh nói.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân trong vấn đề phòng chống lụt, bão như cấp giấy đi đường, mở các cửa hàng điện nước…

Ngoài ra, Công an thành phố rà soát các điều kiện đảm bảo cho các chốt kiểm soát cửa ngõ, đề xuất phương án cụ thể, đảm bảo an toàn giao thông và an ninh, trật tự trước trong vào sau bão.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, việc vừa phải chống bão, vừa chống dịch tại thành phố là chưa có tiền lệ.

"Cái khó lần này là vừa chống bão nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để lây nhiễm dịch bệnh trong lúc chống bão. Việc tổ chức lực lượng và quá trình di dân là vấn đề lớn, tôi đề nghị các sở ngành, địa phương và các lực lượng đặt tâm thế và phương án trong điều kiện vừa chống bão và chống dịch", ông Quảng nói.

(Theo Báo Giao Thông)

Đà Nẵng sẽ gia hạn giấy đi đường QR Code đến ngày 18-9

Ngày 10-9, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã có hướng dẫn tiếp tục triển khai giấy đi đường QR Code.

Theo đó, đối với các giấy đi đường đã được cấp sẽ hết hiệu lực sử dụng từ 8 giờ ngày 12-9. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được phê duyệt, cấp giấy và không thay đổi thông tin, nhân viên thì tiếp tục sử dụng tài khoản đã cấp, đăng nhập vào ứng dụng (tại địa chỉ https://giaydiduong.danang.gov.vn) để lấy giấy đi đường mới. Ứng dụng đã tự động cấp giấy mới, có hiệu lực từ ngày 12 đến ngày 18-9. 

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được phê duyệt, cấp giấy và có thay đổi thông tin, nhân viên thì sử dụng tài khoản đã cấp, đăng nhập ứng dụng để thu hồi các giấy đi đường cũ. Sau khi cơ quan phê duyệt xác nhận hủy; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện cập nhật danh sách mới lên hệ thống theo đúng số lượng được cấp; in, phát hành cho nhân viên sử dụng. 

Đà Nẵng gia hạn giấy đi đường QR Code của người được cấp thêm 1 tuần kể từ ngày 12 đến 18-9

Đà Nẵng gia hạn giấy đi đường QR Code của người được cấp thêm 1 tuần kể từ ngày 12 đến 18-9

Chiều 10-9, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết quận Ngũ Hành Sơn đã nhiều ngày không có trường hợp mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Theo ông Chinh, nếu tiếp tục không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng trong vài ngày tới thì có thể xem xét để người dân của quận này được giao lưu, đi lại giữa các phường trên địa bàn quận. 

Ông Chinh cũng cho biết, quan điểm của lãnh đạo TP là nếu các vùng xanh liên phường được mở rộng, TP sẽ xem xét để địa phương đó nới lỏng một số hoạt động, người dân có thể thuận tiện đi lại, kinh doanh, buôn bán trong khu vực.

(Theo Người Lao Động)

Người phụ nữ 37 năm không được khai sinh mừng rơi nước mắt khi tiêm vaccine ngừa COVID-19
Không có giấy khai sinh, 37 năm qua chị Huyền gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng đợt dịch này chị đã được tạo điều kiện tiêm vaccine phòng...

Tin tức 24h

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19