TP.HCM cho phép bán hàng mang về; người ở vùng xanh, vùng vàng tại Khánh Hòa được tập thể dục ngoài trời, đi chợ; nhiều tỉnh thành đã cho phép mở lại quán bia hơi, dịch vụ làm đẹp... là những thông tin được nhiều người quan tâm trong ngày;
TP.HCM cho phép cửa hàng ăn, uống bán mang đi từ 6 giờ đến 18 giờ
TPHCM đang dần nới lỏng các dịch vụ, hoạt động, nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường mới. Hàng quán ăn uống hiện đã được cho phép mở cửa bán mang về
UBND TP HCM vừa có công văn khẩn về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, UBND TP HCM chỉ đạo tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường của Công an TP HCM đã cấp trong thời gian giãn cách xã hội đến hết ngày 15/9 .
Trong trường hợp có nhu cầu cấp đổi giấy đi đường, các đơn vị chủ trì, quản lý đối tượng cấp giấy đi đường chịu trách nhiệm thu hồi giấy cũ; tổng hợp, cập nhật danh sách mới gửi Công an TP HCM để được cấp đổi.
Về các nhóm đối tượng được phép lưu thông và biện pháp kiểm soát, thực hiện theo hướng dẫn của Công an TP HCM tại thông báo số 3416.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.
UBND quận 7 và huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/lần; báo cáo UBND TP HCM trước ngày 11/9.
Ngoài ra, TP HCM mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng.
Đáng chú ý, UBND TP HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức để được cấp đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng, chống COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.
Người vùng xanh, vùng vàng tại Khánh Hòa được tập thể dục ngoài trời, quán mở bán mang về
Khánh Hòa cho phép người dân ở vùng xanh, vàng được đi tập thể dục ngoài trời.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa quyết định sẽ thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 tương ứng với từng mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố thay vì áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng trên phạm vi cả thành phố, huyện như trước. Thời gian thực hiện từ 0h ngày 8/9.
Tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các địa phương, việc thực hiện các biện pháp chống dịch và nới lỏng giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố cần được thực hiện thận trọng, có lộ trình, từng bước vững chắc; đi cùng là công tác tuyên truyền, chế tài xử lý những hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch.
Người dân cũng được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 2 m và thực hiện đúng nguyên tắc "5K" theo quy định. Đặc biệt, người dân không ra khỏi nhà từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau.
Đối với vùng xanh, vàng, Khánh Hòa cho phép người dân được đi tập thể dục ngoài trời, đi chợ, đi mua đồ ăn uống mang về trong địa giới hành chính cấp xã theo phạm vi, tần suất do Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc tương đương quyết định.
Khánh Hòa cũng tạo điều kiện để người dân tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, người đã điều trị khỏi COVID-19 được đi ra, vào vùng vàng.
Các hoạt động quán bar, pub, vũ trường, karaoke, phòng trà ca nhạc… sự kiện liên hoan ăn uống, tiệc cưới, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tắm biển tiếp tục tạm dừng.
Lào Cai mở lại quán ăn, bia hơi, dịch vụ làm đẹp
Các quán ăn, giải khát của tỉnh Lào Cai được đón khách từ ngày 10/9 nhưng phải tuân thủ phòng chống dịch COVID-19 theo quy định
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản về việc cho phép nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ 0h ngày 10/9.
Theo đó, từ 0h ngày 10/9, Lào Cai nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ, cụ thể như sau:
Đối với nhà hàng ăn uống, cà phê, giải khát, quán cơm, quán bia, ăn sáng, các dịch vụ ăn uống trong trung tâm thương mại được hoạt động phục vụ khách tại chỗ nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch như: đo thân nhiệt; bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại cửa ra vào và yêu cầu khách sát khuẩn tay ít nhất 2 lần (khi đến và trước khi về); khoảng cách giữa các bàn ít nhất 2 m, trong một phòng ăn không được bố trí quá 30 chỗ ngồi; chủ nhà hàng và nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ khách ăn uống.
Các quán cắt tóc, gội đầu, làm móng, cơ sở làm đẹp được mở cửa trở lại nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn phòng dịch theo quy định.
Các chợ được phép hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và không để người ngoại tỉnh đến giao thương, buôn bán tại chợ.
UBND tỉnh Lào Cai cũng lưu ý, chủ cơ sở các dịch vụ nêu trên phải tạo mã QR để khách quét mã, khai báo y tế điện tử mỗi khi đến sử dụng dịch vụ.
Lào Cai cho phép nhân dân tổ chức đám hỏi nhưng không quá 30 người, hạn chế tối đa mời khách ngoài tỉnh, tuyệt đối không mời khách từ các vùng đang có dịch.
Đối với lễ tang tại gia đình cần tổ chức gọn nhẹ và đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.
Công văn nêu trên của UBND tỉnh Lào Cai cũng quyết định tiếp tục tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, karaoke, massage, xông hơi, quán bar, vũ trường, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, Bi-a. Dừng tiệc cưới, các hoạt động liên hoan, gặp mặt, các lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, các giải đấu thể thao, hoạt động văn nghệ có tập trung từ 30 người trở lên, các phòng tập gym, yoga, dạy múa, bể bơi.
Nghiêm cấm tổ chức, tụ tập xem bóng đá tại các nhà hàng, nơi công cộng; hoạt động kinh doanh trên vỉa hè...
Phú Thọ mở lại hàng quán
Từ 0h ngày 10/9, nhà hàng, quán ăn, uống ở tỉnh Phú Thọ được phục vụ tại chỗ.
Ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vừa ký văn bản về thực hiện nới lỏng đối với một số hoạt động, loại hình kinh doanh dịch vụ khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh đã trải qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ phát trong cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị bám sát tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Cụ thể, tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu gồm karaoke, mát-xa, xông hơi, quán internet, trò chơi điện tử, bi-a, vũ trường, quán bar, bể bơi; các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, nghi lễ tôn giáo.
Các hoạt động thể dục - thể thao tại các địa điểm công cộng; các câu lạc bộ gym, yoga, dịch vụ spa chăm sóc sắc đẹp được phép hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện nghiêm quy định 5K và không quá 20 người/địa điểm.
Cho phép các nhà hàng, quán ăn, uống được phục vụ tại chỗ trở lại. Tuy nhiên, phải đảm bảo bố trí giãn cách chỗ ngồi, phục vụ tối đa không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm và không quá 20 người/1 phòng kín.
Thời gian thực hiện kể từ 0h ngày 10/9.