“Giờ thức ăn của đàn cá là xoài và rau cải, trong đó chủ yếu là xoài. Mỗi ngày chúng ăn tầm 6-8 tấn xoài. Tôi phải vận động bà con trong vùng hoặc thương lái buôn xoài giúp đỡ", chú Sáu nói.
Cách đây vài tháng, người dân miền Tây không khỏi ngỡ ngàng trước câu chuyện ly kỳ hàng trăm tấn cá ùa vào nhà người đàn ông hiền lành. Có người cho rằng đó chỉ đơn thuần là chuyện thêu dệt hoặc nói quá từ người dân vùng này. Song chú Sáu – nhân vật chính trong câu chuyện đã lên tiếng “kể một lần cho hết” và không ít người ở nơi xa đã kéo đến “mục sở thị” về đàn cá này.
Chú Sáu sở hữu một ngôi nhà nằm ở bờ rìa sông Vàm Nao (An Giang). Chú từng tiết lộ cứ đến mùa nước nổi là nhà ngập lưng chừng, hàng nghìn con cá lại trôi dạt vào “trú ẩn”. “Hồi trước là mùa nước nổi, nhà ngập sạch vì thế tôi phải “nhường” nơi ở cho đàn cá. Chúng cứ thản nhiên sống trong ngày đó, ăn đồ của tôi cung cấp.
Tôi đùa với chúng rằng: “Nước rút phải trả lại nhà cho tao ở, chứ không được ở mãi đâu”. Thế rồi giờ tôi ở trong căn nhà đó, phía dưới là nơi chúng tá túc. Nói chung tôi và chúng luôn gắn liền với nhau, chẳng thể tách rời được”.
Nơi đàn cá 120 tấn "đổ về" tá túc - ngôi nhà cua rgia đình ông Sáu.
Cơ duyên chú Sáu “gặp gỡ” đàn cá này rất tình cờ, không hề có sự sắp đặt hay tác động gì từ con người. Theo đó cách đây hai năm, chú thả rất nhiều cá ra sông. Sau đó chú thấy nước dưới nhà sâu với ngay cạnh ngã ba sông Vàm Nao nên đồ rằng có nhiều cá. Chú đã rải thức ăn xuống và bất ngờ thấy cá he, cá chim đổ về nhiều vô kể.
Chừng 2-3 tháng sau, cá về nhà chú Sáu nhiều đến độ chẳng thể đếm xuể. Hiện tổng các loại cá lên đến 120 tấn, đủ các loài khác nhau – chủ yếu là cá đặc trưng của vùng sông nước miền Tây, thậm chí cá trắm cỏ 15kg cũng ùa đến theo.
Chú Sáu từng hãnh diện rằng gia đình thuộc diện độc lạ nhất vùng, chung sống với hàng trăm tấn cá. Chú cho rằng đó là duyên số của bản thân với loài cá. “Có người đặt điều, nói tôi rào sẵn lưới rồi thả cá vào để thu hút khách gần xa ghé tới. Hồi đó tất cả đều thông thống, làm gì có cái rào nào chứ. Giờ cá nhiều tôi mới tự bỏ tiền ra làm rào ở phía trên mặt nước để cây lục bình không trôi đi. Tôi làm vậy để người đi ghe câu cá hoặc bắt trộm không bắt được, chứ không có mục đích gì khác. Tất cả tôi nói đều là sự thật 100%, có trời phật chứng giám”, người đàn ông đầu hai thứ tóc bộc bạch.
Thi thoảng chú Sáu có cho cá ăn cám.
Ngày trước – thời điểm đàn cá bắt đầu “nổi tiếng” khắp vùng, chú Sáu cho chúng ăn cám hoặc rau cải. Sau đó chú quyết định “hồi hướng” nuôi hàng trăm tấn cá theo kiểu ăn chay, tức là chỉ có quả và rau xanh.
“Giờ thức ăn của đàn cá là xoài và rau cải, trong đó chủ yếu là xoài. Mỗi ngày chúng ăn tầm 6-8 tấn xoài. Tôi phải vận động bà con trong vùng hoặc thương lái buôn xoài giúp đỡ. Họ bán xoài sang Trung Quốc, loại bỏ quả bị nứt rồi đem ủng hộ đàn cá.
Song không phải cứ ném quả xoài xuống sông là chúng ngấu nghiến ăn đâu. Tôi phải sáng chế máy bào để bào nhỏ xoài ra, chúng mới đớp liên tục được. Ví dụ như bữa nay, có tầm 3 tấn xoài, tôi sợ chẳng thể đủ cho chúng ăn. Lúc đó tôi sẽ cho chúng ăn thêm cám, chứ đói quá làm sao chịu được”, chú Sáu cho hay.
Nhắc đến chuyện có phải cho cá ăn chay để tiết kiệm chi phí nuôi chúng, chú Sáu thừa nhận: “Đàn cá vẫn khoái ăn đồ mặn, tức là cá thịt… nhưng nuôi kiểu này đỡ được rất nhiều tiền, chỉ cực ở chỗ phải đứng bào nhỏ. Từ ngày đàn cá về đây, tôi tốn tầm 1-2 tỷ đồng “đầu tư” vào đây rồi.
Nhìn đàn cá, nhiều người không khỏi thích thú.
Nhiều người nói ra nói vào chuyện tôi dở hơi mới nuôi đàn cá không công như thế. Tôi nghĩ thế này, mình là người có tuổi thọ rất cao, còn chúng thấp – chỉ vài năm là hết một đời cá. Do đó tôi muốn giúp đỡ nó. Vợ tôi hồi đầu nói hoài nhưng hiểu tâm tính của chồng nên dần dần chấp nhận với việc mà tôi làm.
Về gia cảnh của chú Sáu, chú tâm sự rằng trước kia làm ăn rất khấm khá. Người ta thuê chú chở cát bằng chiếc thuyền lớn – tài sản quý giá của gia đình. Song dịch bùng phát, chú phải ở nhà như bao người khác nên kinh tế dần cạn kiệt nhưng chú luôn quan niệm cuộc đời có lúc này lúc kia, có trầm sẽ có thành công.