Tại vùng đất cằn cỗi, nghèo khó, để gây dựng được vườn sầu riêng như hôm nay, ít ai biết rằng ông Sâm đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt.
Trồng sầu riêng trên vùng đất khó
Tại Tp.Pleiku (tỉnh Gia Lai), nhiều người biết đến vườn sầu riêng giống Musang King tại xã Ia Ly nức tiếng thơm ngon.
Vườn sầu riêng nổi tiếng nói trên là của ông Nguyễn Chất Sâm (SN 1968, ngụ tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Dù vườn sầu riêng nằm sâu tít bên trong của khu vực có công trình thủy điện Ia Ly, nhưng vẫn tấp nập người đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Sâm gây dựng nên vườn sầu riêng tiền tỷ trên mảnh đất cằn cỗi.
Theo quan sát của chúng tôi, thực khách không chỉ là người địa phương mà có nhiều đoàn khách là người nước ngoài cũng đến tham quan và trải nghiệm.
Dù bận rộn tiếp khách và hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây nhưng ông Sâm vẫn dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi.
Chia sẻ với chúng tôi ông Sâm kể, trước đây, ông sống và làm việc tại Tp.HCM. Tuy nhiên, trước vòng quay ngột ngạt của cuộc sống, khí hậu ói bức khiến ông không còn thích cuộc sống của thành thị. Nhớ về thời trai trẻ khoảng 6 năm sống và làm việc tại xã Ia Ly, ông thấy nơi đây khí hậu trong lành, mát mẻ "dễ thở" hơn.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, ông quyết tâm bán hết gia sản về chốn cũ lập nghiệp. Sau quyết định của ông, nhiều người thân bạn bè đều can ngăn, cho rằng ông là đồ "dở hơi" mò về nơi "khỉ ho cò gáy" bao giờ mới khấm khá được.
Những trái sầu riêng chín rụng dưới gốc để phục vụ các "tín đồ" sầu riêng.
Bỏ ngoài tai tất cả, ông Sâm về xã Ia Ly mua đất, lên mạng internet tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng sầu riêng. Sau đó, ông sang Malaysia mua giống sầu riêng Musang King về, bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ cây sầu riêng.
Ông Sâm nhớ lại: "Quả thật, không có giai đoạn nào gian nan vất vả bằng giai đoạn khởi nghiệp. Bởi nếu như mình thất bại coi như trắng tay, người thân bạn bè coi thường. Ngày ấy, cái khó nhất mà tôi trăn trở, là không biết giống sầu riêng này có hợp với khí hậu thổ nhưỡng nơi này không, đất đai cằn cỗi toàn đá sỏi, nước thì cực khan hiếm. Tôi thuê người khoan tới 3 cái giếng nhưng không có nước. Đặc biệt, vùng đất Tây Nguyên này hạn hán khốc liệt lắm. Làm nông nghiệp mà không có nước cho cây trồng thì tôi nghĩ mình thua rồi".
"Sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ, tôi lặn lội lên rừng khảo sát, nhận thấy quả đồi đối diện thuộc tỉnh Kon Tum có 2 thác nước lớn, nước chảy rất mạnh. Trong đầu lóe lên suy nghĩ, tôi liền mua ống chắp nối lại, dẫn nước từ thác gần 4km về đến hồ chứa tại rẫy. Vậy là vấn đề quan trọng nhất là nguồn nước được giải quyết, tôi bắt tay áp dụng kỹ thuật chăm bón 100% bằng phương pháp hữu cơ, cây trồng phát triển tốt", ông Sâm nhớ lại.
Theo ông Sâm, một trở ngại lớn mà hầu hết những người trồng sầu riêng đều gặp phải đó là thời tiết Tây Nguyên mưa triền miên ngày này khiến trái sầu riêng gặp phải tình trạng sượng múi, tích nước làm giá thành giảm, thậm chí phải đổ bỏ. Tuy nhiên, quá trình học tập nghiên cứu ông đã tìm được cách khắc phục, để múi sầu riêng thơm ngon, dẻo dai, không bị sượng, không tích nước.
Sầu riêng cho quả ngọt
Hiện tại, ông Sâm có 15ha sầu riêng Musang Kinh, năm nay là năm thu hoạch đầu tiên. Với sản lượng khoảng 70-80 tấn, giá bán trung bình là 130 nghìn/kg, ông thu lãi khoảng 6 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, trên thị trường giống sầu riêng Musang Kinh rất được thực khách ưa chuộng. Dù ông chỉ mới thu bói vụ đầu tiền nhưng có rất nhiều thương lái lớn ở các nước như Trung Quốc, Ấn độ, Malaysia tìm đến ngỏ ý được làm đối tác thu mua sản phẩm tại vườn. Tuy nhiên, do năm đầu sản lượng chưa được nhiều, ông chủ yếu bán trong nước mà vẫn không đáp ứng đủ nguồn hàng.
Du khách nước ngoài thích thú thưởng thức sầu riêng chín ngay tại vườn.
Ông Sâm chia sẻ thêm: "Với 15ha sầu riêng của mình, hàng năm tôi cũng tạo điều kiện được cho hàng chục lao động là người địa phương. Bên cạnh đó, các công nhân làm vườn được tôi hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cây từ công đoạn xuống giống đến khi thu hoạch. Có nhiều người làm cho tôi thành thạo kỹ thuật về áp dụng trồng trên diện tích của gia đình, cũng cho năng suất hiệu quả cao. Với giá ổn định như hiện nay, sang năm vườn cây của tôi sẽ cho năng suất khoảng 100 tấn, ước tính tôi thu được 10 tỷ/ năm".
Đang dở dang câu chuyện với chúng tôi, lại có đoàn khách từ Ấn Độ đến, ông Sâm vội chạy ra dẫn đoàn đi tham quan vườn cây. Có mặt tại vườn, chúng tôi thấy nơi đây có mô hình kinh doanh rất hay. Du khách ngoài tham quan học hỏi kinh nghiệm, thì còn có thể nhặt những trái sầu riêng chín rụng tại gốc, thưởng thức ngay tại chỗ khiến nhiều người thích thú.
Trò chuyện với chúng tôi chị Trần Thị Yến (ngụ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) trầm trồ: "Nhà tôi cũng trồng sầu riêng, nhưng so với vườn sầu riêng của ông chủ này quá thua kém, về cả chất lượng, lẫn số lượng. Đi trong vườn còn nhặt được những quả chín rụng, ăn ngay dưới gốc cây. Đây là điểm đến hấp dẫn du khách, nhất là với những "tín đồ" của sầu riêng như tôi. Hy vọng thông qua sản phẩm này, du khách biết đến vùng đất này nhiều hơn cũng như du lịch, nông nghiệp Gia Lai".
Sầu riêng trồng và chăm sóc hưu cơ của ông Sâm được người dùng ưa thích.
Nuôi con "đặc sản" giúp nam thanh niên thu lợi hàng tỷ đồng mỗi nămLoại hoa nhìn như cỏ dại mọc đầy ở quê, từng là đặc sản 1,5 triệu đồng/kg nay ít ai "ngó"Đặc sản "đáng sợ" xưa ít người ăn nay dân thành phố săn lùng, giá 200.000 đồng/kg
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Păh cho biết: "Phải nói tính đến thời điểm hiện tại, mô hình vườn sầu riêng của anh Sâm là lớn nhất trên địa bàn huyện. Đây là mô hình điểm, nhiều người dân cần phải học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Với diện tích trồng lớn, anh Sâm tạo được điều kiện cho nhiều lao động địa phương có việc làm, tăng thêm thu nhập. Vừa rồi, qua phiên chợ nông sản, sầu riêng của anh Sâm giúp nhiều người biết đến địa phương. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản chủ chốt của địa phương được quảng bá đến đông đảo người dân. Đây là việc làm ý nghĩa".