Ông N sống cảnh vương giả chẳng được bao lâu thì tai hoạ ập tới khi bỗng nhiên trở thành kẻ bại liệt ngồi một chỗ nương nhờ vợ con chăm sóc.
Cách đây gần 15 năm, người dân xã Xuân Mỹ (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) không khỏi ngỡ ngàng trước việc ông N.V.N (SN 1958) đổi đời nhờ trúng độc đắc. Song cũng chính “tấm vé” may mắn ấy đã đẩy ông lâm vào bi kịch không ai có thể hiểu nổi.
Người đàn ông nghèo trúng số hàng trăm triệu đồng
Ông N sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khổ, có bố mẹ làm công nhân cạo mủ cao su cho nông trường. Ông học hết lớp 7 liền ở nhà phụ giúp bố mẹ chăm sóc vườn điều, kiếm thêm tiền nuôi các em ăn học. Sau đó ông cưới cô gái ở làng bên trước sự chúc phúc của quan viên hai họ.
Cuộc sống của cặp chồng son chỉ trông chờ vào những vụ thu hoạch điều và một số cây trái từ mảnh đất bố mẹ tặng. Họ đủ ăn đủ tiêu và cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi. Thế nhưng khi những đứa trẻ lần lượt chào đời, kinh tế gia đình ngày càng khốn khó hơn.
Ông N nai lưng cùng vợ đi làm mướn khắp nơi, chắt chiu từng đồng bạc để 4 đứa con không phải đói khát. Và tháng năm dần trôi đi, các con trưởng thành, lập gia đình cũng là lúc vợ chồng ông bước vào tuổi trung tuần.
5 tờ vé số đã thay đổi cuộc đời ông N.
Vợ chồng ông N vẫn quần quật làm lụng vì không muốn sống dựa vào con cái. Hơn cả họ luôn ước mong một ngày được chạm tới giàu có nên hay mua xổ số mỗi khi gặp chiêm bao. Cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với họ.
Hôm ấy, ông N thấy bà bán vé số đi ngang qua rồi hàng xóm rủ nhau mua lấy hên nên móc túi “góp vui” 3 tờ cùng một dãy số của đài TP.HCM. Sau đó ông mua tiếp 2 tờ với tâm trạng nao nao được đổi đời.
“Hôm sau niềm vui đã vỡ oà trong ngôi nhà nhỏ khi tôi chạy đến báo tin mừng. Cả 5 tờ vé số của ông ấy đều trúng giải nhất với tổng số tiền lên tới 500 triệu đồng – số tiền khủng tại thời điểm năm 2006”, chị T – người bán vé số cho ông N từng tiết lộ.
Bỗng dưng có số tiền lớn, người dân Xuân Mỹ ai cũng mừng cho cặp vợ chồng nghèo bao năm chẳng có nổi chục triệu đồng trong tay. Thậm chí họ còn lấy ông làm tấm gương, sống đàng hoàng và tử tế để được trời thương ban cho vận may… trúng số.
“Có tiền, ông N lập tức phá bỏ nhà cũ, dựng xây ngôi nhà mới khang trang với nhiều đồ dùng tiện nghi. Các con được ăn sung sướng, mặc đẹp và không phải nợ tiền học phí”, chị T nói.
Những tin đồn ác ý khi ngã bệnh sau trúng số
Ông N sống cảnh vương giả chẳng được bao lâu thì tai hoạ ập tới khi bỗng nhiên trở thành kẻ bại liệt ngồi một chỗ nương nhờ vợ con chăm sóc. Lúc này một số kẻ ghen ăn tức ở đã ác ý cho rằng: “Trời cho ông đổi đời nhưng đang lấy đi của ông đôi bàn chân khỏe mạnh”. Họ còn to nhỏ với nhau về việc ông giấu nhẹm hai tờ vé trúng số đã khiến ông lãnh hậu quả.
“Sau 2 năm trúng số, tôi bỗng dưng cảm thấy tê nhức đôi chân rồi có một sức nặng ghê gớm làm chùn chân ngã quỵ xuống nền nhà. Tôi đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu rồi phải nằm viện thời gian dài mà bệnh tình chẳng thể thuyên giảm. Cuối cùng bác sĩ đành trả tôi về trong tình trạng nằm liệt một chỗ”, ông N tâm sự.
Ông N ngã bệnh sống nhờ vợ con.
Ông N về nhà, vợ ông không cam tâm nên đi khắp nơi tìm cách chữa trị cho chồng với hi vọng một ngày nào đó ông khoẻ mạnh trở lại. Thậm chí hễ ai mách gì, bà đều làm theo, cúng bái mỗi lần lên tới hàng chục triệu đồng.
Dần dần số tiền trúng số cũng “đội nón ra đi” trong khi bệnh của ông N không hề thuyên giảm. Lúc này ông tiếp tục chịu sự đả kích lớn từ thiên hạ khiến bản thân dằn vặt, ước đừng bao giờ trúng số. Vợ con thấy ông như thế xót xa, chẳng thể giúp đỡ ngoài làm chỗ dựa cho ông vượt qua nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tưởng chừng cuộc đời ông N “chấm dứt” trên giường bệnh nhưng may mắn thay, người ăn ở tốt sẽ gặp điều tốt đẹp. Ông đã được một thầy lang ở làng bên cứu chữa, có thể ngồi dậy và tập một số động tác chân nhẹ nhàng. Sau đó ông kết hợp với việc luyện cơ chân và uống thuốc đều đặn nên chỉ một năm sau đã dần đi lại được trong niềm vui khôn xiết của vợ con. Từ đó bao lời đồn ác ý đã rơi vào dĩ vãng.
“Tôi đi lại được coi như hưởng lộc trời thứ hai trong cuộc đời. Tôi trúng số thì tôi chịu, may mà vợ con tôi không làm sao. Tôi sẽ không mua vé số nữa. Tiền thì quý thật, nhưng chỉ có tiền mồ hôi công sức mình làm ra mới bền chặt thôi”, ông N trải lòng.