Người đàn ông sửa xe 'nghiện' làm việc thiện

Ngày 06/12/2015 00:09 AM (GMT+7)

Ban đầu, những việc làm nho nhỏ chỉ là thùng trà đá miễn phí giữa trưa hè, tủ thuốc nhân ái, bữa cơm từ thiện được phát vào các ngày trong tuần, lớp học xóa mù chữ cho trẻ em nghèo hay tỉ mỉ dạy cho các em khuyết tật sửa xe để có một cái nghề...

Chúng tôi đến tiệm sửa xe Phúc Mập trên đường Phạm Hùng (Q. 8, TP.HCM), điều làm chúng tôi ngạc nhiên là hình ảnh những anh thợ sửa xe khiếm khuyết đi một phần cơ thể đang nhảy lò cò trong tiệm, phía sau lưng là một người đàn ông trung niên, ân cần chỉ bảo từng chút một. Qua tìm hiểu mới biết đó là anh Nguyễn Văn Phúc (44 tuổi, ngụ Q. 8, TP.HCM), người thợ sửa xe được nhiều người quý mến, gọi anh bằng cái tên thân mật là “Phúc Mập”.

Vượt lên khó khăn

Anh Phúc quê ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, cuộc sống khó khăn, anh Phúc sớm phải rời xa mái trường, để đi làm thuê kiếm sống. Anh Phúc làm đủ thứ việc, từ hái dừa thuê, nhổ cỏ, cắt lúa, cắm câu, bắt ốc,… việc gì anh cũng làm để có tiền phụ cha mẹ trang trải hằng ngày.

Người đàn ông sửa xe #039;nghiện#039; làm việc thiện - 1

Tủ thuốc nhân ái của anh Phúc lúc nào cũng đầy ấp các loại thuốc

Năm 14 tuổi, làm hoài mà cái nghèo cứ đeo bám, không đủ ăn, đủ mặc cho các anh em trong gia đình, nên mỗi người trong gia đình, chia nhau đi lập nghiệp phương xa. Anh Phúc lên TP. Hồ Chí Minh từ một chuyến xe đò tha phương cầu thực.

Uống ly nước trà, lâu vội giọt mồ hôi trên mặt anh Phúc chia sẻ: “Lúc đó, tôi cũng không biết đi đâu, lên Sài Gòn với 1 bộ đồ và không có tiền. Tôi làm đủ thứ việc để kiếm sống qua ngày, nhưng làm được mấy ngày là người ta lại đuổi, vì làm không được việc. Có những ngày, không có tiền ăn cơm tôi xin vào rửa bát đĩa, để được ăn cơm. Đêm tối, tôi ngủ ở hiên nhà người ta, trong một lần gặp được chủ nhà tốt bụng, thấy hoàn cảnh thương tâm, chủ nhà cho tôi vào nhà ngủ, sắp xếp cho tôi làm giúp việc và họ hứa sẽ cho tôi đi học nghề sửa xe. Lúc ấy, tôi rất mừng, cũng từ đó tôi cố gắng làm việc và được họ cho đi học nghề sửa xe tại một tiệm ở Gò Vấp”.

Sau 3 năm học nghề sửa xe, anh Phúc đi lập sự nghiệp riêng cho mình. Hàng ngày, với bộ đồ nghề của mình anh Phúc ngồi bên vỉa hè sửa xe. Là người tiết kiệm biết lo cho cuộc sống, không lâu sau anh Phúc đã mở được một tiệm sửa xe. Công việc cũng từ đó ổn định, làm ăn có thu nhập, anh Phúc quay sang giúp lại những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Người đàn ông sửa xe #039;nghiện#039; làm việc thiện - 2

Những cậu học trò khuyết tật của anh Phúc

“Vì bà con nơi đây, toàn là dân lao động nghèo. Khát nước, cũng không dám mua uống, thấy vậy tôi mua một thùng nước, pha nước trà thêm đá lạnh để mọi người cùng uống. Thấy mấy em khuyết tật, tôi kêu vào dạy nghề cho các em… Lúc ấy tôi cũng nghĩ, ngày xưa mình khó khăn, giờ mình cũng không khá giả gì, san sẻ chút công sức mà trong lòng thấy vui”, anh Phúc cho biết.

Rồi từ đó, anh thợ sửa xe bắt đầu hành trình làm việc thiện để tri ân cuộc đời của mình. Tiệm sửa xe của anh Phúc là nơi đào tạo sửa xe cho các em khuyết tật không có nơi nương tựa. Mỗi học viên khi tay nghề cứng cáp, được anh Phúc mua cho một bộ đồ nghề, để đi làm tự nuôi sống bản thân.

“Nghiện” làm từ thiện

Một ngày làm việc của anh Phúc, bắt đầu với tiếng đánh vần ê a tập đọc, phát ra từ lớp học tình thương trên gác tiệm sửa xe. “Nói là lớp học, chứ thực ra chỉ là cái phòng nhỏ trên gác, tôi nhờ người đóng vài cái bàn và tấm bảng đen, để dạy cho các cháu học cho biết đọc biết viết thôi. Các em đến đây học đều có hoàn cảnh khó khăn, đứa thì bán vé số, đứa thì nhặt ve chai… học xong các em lại đi làm việc giúp cha mẹ”, anh Phúc chia sẻ.

Tiếp tục công việc chính của mình, anh Phúc cùng các học viên khuyết tật sửa xe cho khách. Việc học sửa xe đối với người bình thường đã khó, nhưng đối với các em khuyết tật lại càng khó hơn rất nhiều.

Người đàn ông sửa xe #039;nghiện#039; làm việc thiện - 3

Một học viên đang được anh Phúc chỉ dạy nhiệt tình

Anh Phúc cho biết: “Những việc đơn giản, thì tôi tập trung các em lại với nhau chỉ một lần, sau đó các em tự tập sửa và chỉ bảo lẫn nhau. Các em học viên ở đây học nghề rất nhanh và rất siêng năng và chịu khó, một thời gian sau, các em học viên đã tự sửa xe khách hàng”.

Việc làm của anh Phúc không dừng lại ở đó, các ngày trong tuần, anh Phúc còn phụ người vợ của mình nấu 60 suất cơm để phát cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, người neo đơn, khuyết tận trong phường. Thấy trong nhà còn chổ trống, anh Phúc mua cái tủ rồi mua đủ loại thuốc, băng gạc, dầu gió… để phòng người đi đường bị cảm sốt, say nắng có mà sơ cứu… Cứ vào chủ nhật hàng tuần, anh lại mời bác sĩ về khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo.

Người đàn ông sửa xe #039;nghiện#039; làm việc thiện - 4

Tấm bảng và bình trà đá miễn phí trước tiệm sửa xe

Học viên Lê Văn Nhiêu (21 tuổi, quê An Giang) cho biết: "Tôi không may bị tai nạn, phải cắt đi một chân nên kiếm sống đã khó huống hồ là học nghề. May mắn tôi được chú Phúc đưa về đây học nghề miễn phí, lo cả chỗ ăn ở, đến tháng còn trả lương cho chúng tôi từng tháng nữa. Anh em chúng tôi biết chú Phúc nhiều lắm”.

Ban ngày anh Phúc dành cả thời gian cho việc từ thiện, tối cũng là lúc anh Phúc lái xe taxi để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp vợ nuôi 2 con ăn học. Nhiều bệnh nhân nghèo cần đi cấp cứu, anh liền chở miễn phí đến bệnh viện. Cũng từ ấy anh mở thêm dịch vụ xe cấp cứu miễn phí.

Dành gần nửa cuộc đời mình làm từ thiện, nhưng anh Phúc cảm thấy việc làm đó vẫn chưa đủ, vì anh cho rằng: “vẫn còn nhiều lắm những nỗi bất hạnh, cần giúp đỡ. Được làm việc giúp ích cho mọi người là niềm vui của tôi, khi nào tôi hết sức thì mới thôi làm việc thiện”, anh Phúc cho biết thêm.

Thanh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế