Đi lại khó khăn là thế, anh Tuấn vẫn tự lo cho bản thân bằng việc chăn nuôi bò. Anh bảo rằng từ nhỏ đã có suy nghĩ lớn lên không thể thành người ăn bám bất cứ ai.
Ghé Châu Thành (Tây Ninh) hỏi thăm anh Tuấn “không chân” (47 tuổi) ai cũng hay biết, thậm chí có thể kể vanh vách về hoàn cảnh cũng như cuộc đời bi ai của anh. “Anh ấy sở hữu ngoại hình rất đặc biệt – chân bị khoèo, không có bánh chè nên đầu gối mềm oặt. Anh ấy di chuyển bằng chính đôi đầu gối ấy. Anh ấy nhìn tội nghiệp lắm”, một người hàng xóm của anh Tuấn cho biết.
Người này vừa dứt lời, chị bán nước ở đầu làng vội vàng khen ngợi: “Nhìn anh Tuấn tội nghiệp, đơn chiếc vậy thôi chứ nghị lực sống vô cùng mạnh mẽ đó. Anh tàn nhưng không phế, vẫn tự chăn nuôi bò kiếm sống. Anh chính là tấm gương sáng để chúng tôi lẫn đám thanh niên trong xã noi theo, biết vượt lên nghịch cảnh”.
Anh Tuấn là tấm gương sáng cho bao người dân ở xứ này noi theo.
Sau đó họ chỉ cho chúng tôi đường đến nhà của anh Tuấn. Căn nhà một tầng, lợp Fibro xi măng, rộng vài chục mét vuông khiến chúng tôi khá ngỡ ngàng bởi ở đời mấy ai tàn tật có nhà cửa đủ đầy như vậy. Song anh đã nhanh chóng giải thích: “Gia đình mình có 8 anh chị em, ai cũng lập gia đình hết cả rồi. Mình là con thứ 7 trong nhà, lại không bình thường nên được sống cùng cha mẹ trong căn nhà này. Song 2 năm trước, cha mẹ đã rời xa mình rồi.
Giờ mình ở một mình nhưng có đứa cháu ruột nhà sát cạnh, thi thoảng lại sang phụ giúp cái này cái kia. Nhờ vậy mình bớt cô đơn hơn phần nào”.
Đôi chân độc lạ của người đàn ông.
Từ lúc chào đời, anh Tuấn đã mang một hình hài khác biệt: đầu gối không có bánh chè. Vì thế anh không thể đứng thẳng như mọi người, muốn đi lại phải đi trong tư thế giống như quỳ lạy. Đặc biệt bàn chân của anh rất độc lạ, có tới tận 6 ngón.
“Mẹ đẻ mình ra đã như thế rồi! Xưa mẹ kể rằng đến tuổi tập đi, mình cứ đứng dậy là ngã vì làm gì có trụ bám cho đôi chân. Sau này mình đã tập đi bằng đầu gối, cứ lết từng bước… từng bước một. Dần dần mình đã có thể đi lại được, dù bị thương rất nhiều. Đến giờ mình đã quá đỗi quen thuộc với việc đi lại như thế, phần đầu gối cũng đã chai sạn hẳn”, anh Tuấn tâm sự.
Lúc này, chúng tôi liền hỏi: “Vậy anh có thể đi bằng đầu gối khắp mọi nơi?”, anh Tuấn cười: “Không! Ở những nơi nền bằng phẳng thì mình đi trần như thế này thôi, còn ra vườn ra đồng cắt cỏ cho bò ăn phải bó bằng vải vào chứ. Dù nó đã chai sạn nhưng gặp sỏi đá vẫn đau đớn lắm”.
Bò - chính là người bạn thân thiết của anh Tuấn.
Đi lại khó khăn là thế, anh Tuấn vẫn tự lo cho bản thân bằng việc chăn nuôi bò. Anh bảo rằng từ nhỏ đã có suy nghĩ lớn lên không thể thành người ăn bám bất cứ ai. Vì thế anh luôn chịu khó làm việc, có đồng ra đồng vào, để lúc ốm đau không phải nhờ cậy anh em hoặc con cháu. Anh rất sợ làm phiền quá nhiều đến họ hàng bởi ai cũng có cuộc sống riêng, hơn cả cuộc sống của họ chẳng mấy khá giả.
“Mình từng làm rất nhiều công việc, như trồng ớt bán cho thương lái. Ngờ đâu vụ đó mình thua lỗ quá trời nên đành dừng lại, tập trung cho công việc nuôi bò thôi. Nhiều người cứ ngỡ nuôi bò dễ nhưng với mình khó khăn muôn vàn đó.
Có bữa sáng sớm mình đã phải dắt bò ra đồng, chiều muộn lại ra đón về nhà. Hôm nào rảnh, mình tranh thủ đi cắt cỏ ngoài đồng và cỏ voi trong vườn nhà, tích trữ ở đó để khi bận không thả được lấy cho chúng ăn”, anh Tuấn cho hay.
Anh Tuấn cắt cỏ cho bò ăn.
Nhắc đến chuyện chăn nuôi bò có gặp khổ cực gì không, anh Tuấn khẳng định chắc nịch: “Có chứ”. Sau đó anh kể vì đi lại bằng đầu gối nên đôi khi con bò chạy nhanh quá, không thể đuổi kịp. Khi ấy anh đành gọi chúng quay trở lại vì “gắn bó” với nhau 6-7 năm, chủ - tớ cũng dần hiểu nhau hơn. “Mình cảm giác con bò thương mình lắm! Nó đẻ vài lứa, mình cũng mới bán con bê xong đó. Nhờ đó mình cũng tiết kiệm được ít tiền phòng thân.
Mỗi tháng mình nhận được 720.000 đồng từ trợ cấp của nhà nước. Số tiền ấy đủ để mình chi tiêu linh tinh trong tháng. Nói chung mình không có mưu cầu gì nhiều ngoài không ốm đau, bệnh tật. Và trời thương, có thể cho mình một người phụ nữ bầu bạn nốt quãng đời này”, người đàn ông tật nguyền bộc bạch.