Không chỉ riêng mình chị Bùi Thúy, 17 người khác cùng sinh sống tại Bắc Ninh cũng “sập bẫy” của T.Trang. Tất cả đều đặt mua combo du lịch, gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn với tổng số tiền hơn 480.000.000 đồng.
Hiện trên các trang mạng xã hội, chúng ta không khó để tìm thấy cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Thậm chí để thu hút khách hàng, cá nhân hoặc đơn vị còn tung ra các gói khuyến mại như ở khách sạn 5* nhưng giá chỉ như 3*, có bể bơi xịn, miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón ra sân bay và về khách sạn… Thế rồi với mong ước đi du lịch giá rẻ, không ít người đã nhận về cái kết “đắng chưa từng thấy” khi bị kẻ lừa đảo cuỗm hết số tiền.
Hè vừa qua, chị Bùi Thúy (SN 1992, Bắc Ninh) có nhu cầu cùng gia đình đi Phú Quốc nghỉ dưỡng nên đã tìm kiếm các combo du lịch phù hợp với túi tiền. Thông qua sự giới thiệu của người quen, chị đã đặt mua gói vé máy bay của cô gái cùng quê tên T.Trang. Gồm: 11 vé máy bay khứ hồi người lớn với giá: 2.700.000 đồng/người; 02 vé máy bay khứ hồi trẻ em 9 tuổi với giá 1.700.000 đồng/người và 03 vé máy bay khứ hồi trẻ nhỏ giá 1.200.000 đồng/người. Tất cả đều đi từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến sân bay Phú Quốc (Kiên Giang), nghỉ dưỡng trong vòng 3 ngày, từ 15 đến 18/7/2022.
“Mình không thành thạo khoản đặt vé máy bay, lại thấy combo của Trang khá rẻ so với đại lý bán, cộng thêm người quen giới thiệu nên thấy tin tưởng. Mình quyết định mua gói của cô này với tổng số tiền là 36.700.000 đồng.
Khi giao dịch, Trang nói rõ mình chỉ phải chuyển cho cô ấy gần 3/4 số tiền, tức 29.000.000 đồng đặt cọc. Số còn lại cô ấy cho nhóm của mình “nợ” đến khi nào kết thúc chuyến nghỉ dưỡng thì thanh toán nốt. Song khi mình chuyển khoản số tiền như đã cam kết, cô ấy không hề xuất vé máy bay cho mình.
Cuộc hội thoại giữa chị Bùi Thúy và T.Trang về việc đặt vé máy bay.
Mình nhiều lần yêu cầu Trang xuất vé để nhóm tiếp tục đặt khách sạn, xe đưa đón. Cô ấy hứa hẹn rất nhiều lần nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa thực hiện xuất vé máy bay. Nhiều lần mình đề nghị nếu không xuất vé thì hoàn lại số tiền mình đã chuyển khoản. Cô ấy tuyệt nhiên không mảy may, không có ý định trả lại số tiền trên cho mình”, chị Bùi Thúy bức xúc.
Thông tin về việc chị Bùi Thúy chuyển khoản đặt cọc cho T.Trang.
Không chỉ riêng mình chị Bùi Thúy, 17 người khác cùng sinh sống tại Bắc Ninh cũng “sập bẫy” của T.Trang. Tất cả đều đặt mua combo du lịch, gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn với tổng số tiền hơn 480.000.000 đồng. Anh Danh Đông – một trong 17 nạn nhân trên phẫn nộ: “Hồi tháng 5, gia đình tôi và 3 gia đình khác có ý định đi du lịch Phú Quốc. Chúng tôi đã góp tiền nhờ người quen đặt tour giúp vì chị ấy bảo quen Trang – chuyên đặt cho đoàn với giá combo nhiều ưu đãi.
Gần đến ngày đi, chị ấy thông báo đã bị Trang lừa đảo. Khi ấy có nhiều nhóm rơi vào tình cảnh giống như nhóm của tôi. Chúng tôi đã lập nhóm và thống kê số tiền cô ta lừa đảo với mong muốn có thể tố cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chị Bùi Thúy cho biết thêm: “Mình và mọi người nhận thấy đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Vì thế chúng mình đã làm đơn gửi đến cơ quan Công an huyện Tiên Du – nơi ở của Trang để tố giác hành vi vi phạm pháp luật của cô ấy. Mình không hi vọng lấy lại số tiền đã mất, chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và làm rõ hành vi phạm tội.
Hơn cả mình muốn mọi người cảnh giác với việc lừa đảo của Trang. Bởi hiện cô ta vẫn sống ngoài vòng pháp luật, có thể tiếp tục đi lừa đảo, lấy lòng tin của mọi người bằng việc bán combo du lịch giá rẻ”.
Hiện trên các trang mạng xã hội, chúng ta không khó để tìm thấy cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ.
Hiện tại, cơ quan Công an huyện Tiên Du đã tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của chị Bùi Thúy cũng như nhóm nạn nhân. Họ đang chờ đợi vụ việc được giải quyết rõ ràng, đối tượng T.Trang phải chịu trách nhiệm với hành vi phạm tội của mình.
Nhiều nhà lãnh đạo trong lĩnh vực lữ hành cho biết, combo du lịch cũng giống như nhiều mặt hàng, sản phẩm, có loại tốt, có loại không tốt. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải thông minh và tỉnh táo trước khi lựa chọn.
Trước hết, mọi người cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua combo du lịch giá rẻ, bởi loại kém chất lượng có thể khiến du khách mất thời gian và "mua bực vào người". Hơn nữa, để có chuyến đi chất lượng, trước khi đặt vé, người tiêu dùng cần phải xem xét kỹ về thông tin của người bán, phản hồi của khách hàng từng đặt tour du lịch của các đơn vị này.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: "Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản". |