Người đàn ông vớt hàng trăm thi thể ở Hà Nội

Ngày 23/03/2014 09:12 AM (GMT+7)

Trong hơn 30 năm gắn nghiệp với “duyên” với xác chết trôi sông, người đàn ông này đã tự tay vớt hàng trăm thi thể.

Mỗi lần vớt được xác trên sông, anh Dũng lại đánh dấu bằng một vạch ngang trên cột nhà. Đến giờ, những vết gạch ngang, gạch dọc chằng chịt ấy là minh chứng cho việc làm đầy nghĩa tình của người đàn ông này.

“Nghiệp vận vào thân từ bé”

“Hơn 30 năm vớt xác trên sông Hồng, đó là cái nghiệp vận vào tôi từ khi còn bé", người đàn ông gốc trai làng Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội mở đầu câu chuyện với giọng hóm hỉnh. Anh Nguyễn Văn Dũng cho hay, bản thân nổi tiếng bơi lội giỏi khi mới 13 tuổi. Một lần chăn trâu ngoài bãi, anh thấy vật gì đó lập lờ nổi trên mặt nước, nhìn kỹ hóa ra là hai xác người. Dũng lao xuống sông kéo hai cái xác lên bờ trong sự kinh hãi của nhiều người. “Ngồi chờ mãi không có người đến nhận, tôi đành cầm xẻng đào huyệt chôn cất luôn cho hai nhân mạng xấu số. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi bắt đầu tiếp xúc với xác người. Nhà vốn ở ven sông nên ngay từ khi còn nhỏ, tôi từng chứng kiến, tham gia phụ giúp cha và dân làng nhiều lần vớt xác nên không hề sợ. Cũng từ đó, nghiệp vớt xác gắn với tôi cho tới mãi tận bây giờ”, anh Dũng nói.

Người đàn ông vớt hàng trăm thi thể ở Hà Nội - 1

Ngoài việc vớt xác giúp người, anh Dũng còn được biết đến là một đại gia đào đất Nhật Tân. Ảnh: TG

Vốn từ bé không biết chữ, anh Dũng chỉ ký được mỗi tên của mình. Mỗi lần đưa một người lên bờ, anh lại lấy cục gạch vạch một đường kẻ ngang lên cột nhà đến khi kín chỗ. Hơn 30 năm qua, nếu đếm trên cột nhà thì anh đã vớt được tổng cộng 501 xác chết. "Sông Hồng nhiều người chết lắm. Toàn là những tai nạn đắm thuyền, tự tử... nhất là vào mùa nước lên vào khoảng tầm tháng 4, tháng 5 trở ra, có ngày tôi phải vớt tới 4 đến 5 cái xác", anh kể. “Chẳng ai gan dạ như chú Dũng. Chúng tôi cũng nhìn thấy xác trôi sông nhưng có dám động tay vào đâu. Cứ chạy lên gọi chú Dũng xuống giúp thôi”, anh Dương Đình Lợi, hàng xóm vườn đào nhà anh Dũng cho biết.

Rít điếu thuốc lào, anh Dũng ngồi trầm ngâm nhớ lại đã có lần anh đã vớt xác lần lượt 29 người trong một vụ chìm đò vào khoảng những năm 1990. “Hôm đó tầm 3h sáng, tôi dắt bò đi làm sớm để chuẩn bị cày bãi. Nhìn thấy đồ đạc,, bao thuốc lá, quang gánh nổi dọc bến sông, tôi rùng mình biết có chuyện chẳng lành. Đi thêm vài mét, tôi thấy nhiều xác nổi nên vội vàng lao xuống sông đưa họ lên bờ”. Khi đó, bãi Nhật Tân còn chưa được bồi đắp như bây giờ, lòng sông rộng, sóng đánh dạt các thi thể mắc vào bụi cây, lùm cỏ. Gần một ngày, mình anh với chiếc thuyền nan lần lượt đưa được 29 xác chết lên bờ. Đó là vụ chìm thuyền tang thương nhất mà anh Dũng biết, cũng là lần anh vớt được nhiều người nhất, ám ảnh anh mãi đến bây giờ.

Người đàn ông vớt hàng trăm thi thể ở Hà Nội - 2

Ngôi nhà nhỏ bé nhưng ấm cúng của gia đình anh Dũng. Ảnh: TG

Giờ đã thành quen, chỉ cần nhìn thấy có người chết trôi sông là mọi người lại gọi anh đi vớt. Có lần đang ở bãi ngô, nghe tiếng la hét cứu người chết đuối, anh Dũng vội vàng gọi thêm bạn rồi chạy ra, hai người lao xuống sông, ngụp lặn kéo người bị nạn lên. 5 sinh viên đại học được đưa lên bờ, không ai còn sống sót. Chờ cho công an và người nhà nạn nhân đến, anh thất thểu đi về vì quá mệt và nuối tiếc. Anh Dũng chia sẻ: “Mỗi lần vớt được người chết, đưa họ về với người thân hoặc chôn cất họ chu tất, tôi nhẹ nhõm và thanh thản lắm. Nếu thấy họ nguy kịch mà không cứu được, hoặc thấy xác mà không vớt ngay để trôi đi mất, tôi ăn năn, day dứt lương tâm, cảm thấy như bản thân mình vừa gây ra tội gì ghê gớm lắm”.

Ngủ cả đêm bên bờ sông để canh xác chết

“Đã có lần tôi vớt được hai xác chết trôi sông, tôi nhanh chóng đưa được họ vào bờ, khi cơ quan công an khám nghiệm xong đã 4h chiều. Vì người nhà đến ngày hôm sau mới kịp xuống nhận xác nên tôi đành phải ngủ ngay tại bờ sông để canh cho xác được nguyên vẹn. Bao nhiêu năm làm công việc này, thương nhất là những lần tôi vớt các cháu nhỏ, nhiều cháu vừa mới sinh ra đã bị ruồng bỏ, tôi vớt lên dây rốn vẫn còn dài loằng ngoằng. Nhiều đêm tôi về nằm ngủ mà cứ nghe tiếng trẻ nhỏ khóc văng vẳng bên tai, vì đói nên đòi sữa, tôi lại bật dậy thắp hương rồi cúng sữa cho các cháu. Có như vậy thì mới ngủ ngon giấc được”. Đã có nhiều người hỏi anh khi vớt xác, tiếp xúc với người chết có thấy sợ, thấy run tay không, anh cười xòa: “Nếu sợ tôi đã không làm được việc này. Mỗi người tôi cứu tôi đều coi như anh em, tôi còn vác xác họ trên vai như một người bạn”, anh Dũng kể.

Để kéo được xác trôi nổi lên bờ, anh Dũng phải dùng chiếu để bó, rồi buộc hai đầu lại và từ từ kéo. Có những lần, anh đi dọc sông hàng trăm mét mới nhặt hết tử thi vì bị phân hủy quá nặng. “Có lần, dù đã quen với địa hình của khúc sông, nhưng vì người ta hút cát nhiều quá nên tôi bị sụt xuống dưới hố cát. Tôi bị chìm nghỉm ngập đầu, đến khi ngẩng lên được khỏi mặt nước thì mỡ từ thi thể người chết phân hủy bị loang ra bám đầy đầu tóc và người. Cảm giác đó cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn thấy rùng mình, ớn lạnh. Hơn 500 xác tôi vớt được, lứa tuổi nào cũng có, nhưng chủ yếu là người tự tử. Rất dễ nhận dạng điều đó bởi họ thường mang theo giấy tờ tùy thân. Dù lìa xa cõi trần, họ vẫn muốn có người chăm lo hương khói", anh kể. Sau khi vớt xác vào bờ, anh Dũng báo lên chính quyền để xác định danh tính nạn nhân. Ai không có người đến nhận, anh mang lên miếu Cô Trôi chôn cất. Nghĩa địa ấy là “nơi chôn cất bà chúa sông chúa ngòi” của người dân nơi đây. Giờ nghĩa địa ngày một rộng ra, đến nay là nơi an nghỉ của 66 con người xấu số. Người dân giờ đây gọi nơi này là “miếu nhà chú Dũng”.

Người đàn ông vớt hàng trăm thi thể ở Hà Nội - 3

Miếu Cô Trôi đến nay đã trở thành nơi an nghỉ của 66 nấm mồ vô danh. Ảnh TG

Ngày trước, khi kinh tế gia đình còn khó khăn, anh Dũng chỉ cuốn cho người chết một manh chiếu an ủi rồi mang đi chôn. Bây giờ anh bỏ tiền túi ra mua quan tài, hương vàng để thắp cho hậu sự được chu đáo. Tường, am thờ quanh miếu Cô Trôi cũng là anh tự bỏ tiền ra xây. Những người dân xung quanh thấy vậy nên góp bao xi măng, xe cát, có người góp công để cùng anh làm việc thiện. Nhiều người đến nghĩa địa thắp hương, ngỏ ý biếu vài trăm nghìn đến tiền triệu nhưng anh không nhận. Đến lúc họ nài nỉ, bảo coi như góp tiền hương khói cho những vong hồn nằm đây thì anh Dũng mới xuôi. Nhiều lần được người thân nạn nhân nhờ đi tìm xác, anh lại bỏ việc nhà đi giúp họ. Xong việc, họ gửi tiền hậu tạ, có người tặng đến hàng chục triệu đồng nhưng anh không lấy.

Nhiều người chơi thân với anh cũng được rủ đi vớt xác. "Trước đây chỉ mình tôi làm việc này, nhưng giờ đây không đơn độc nữa rồi. Lúc tôi mang được xác lên bờ, chị Bích lo đi mua áo quan, lão Sỹ mang bát cơm quả trứng đến, những người khác lo đi mua hương vàng để thắp cho người xấu số", anh Dũng cho hay. Xác chết nào cũng thương tâm nhưng người vớt xác không bao giờ dám khóc. Anh bảo như thế sẽ làm yếu tinh thần, không tiếp tục được công việc này nữa. Vớt xác xong xuôi, anh lại cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người để vứt xuống sông, coi như thế mạng vì dám cướp cơm hà bá.

Lập gia đình từ năm 1991, vợ chồng anh Dũng đến nay đã có hai người con. Vợ con anh luôn trợ giúp và ủng hộ anh hết mình. Mỗi khi có người đến nhờ chồng đi tìm xác, chị Chu Thị Lan, vợ anh Dũng, lại lo vun vén cửa nhà để anh đi. Có lần anh Dũng đi ròng rã một tuần trời, chị cũng không lo lắng vì biết rõ tính khí và công việc chồng đang làm. Nhà có bốn người thì chồng và con gái đầu - hiện đang làm y tá - đều làm việc liên quan đến sinh mạng người nên chị rất tự hào. Anh Dũng vui vẻ: “Vợ tôi bạo lắm, trước khi cưới tôi đã “dọa” là tôi chuyên đi vớt xác trôi sông, bà ấy có sợ đâu. Giờ có hôm nửa đêm vẫn còn mang dây đi theo tôi vớt xác đấy”.

Cảm kích với việc làm của anh Dũng

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND phường Nhật Tân, cho biết: “Việc anh Dũng vớt xác đã diễn ra nhiều năm nay, người dân, chính quyền đều biết và rất cảm kích. Anh làm việc này hoàn toàn tự nguyện, giúp nhiều gia đình tìm được người thân bị thiệt mạng vì sông nước. Hàng năm, Hội chữ thập đỏ phường Nhật Tân và quận Tây Hồ đều có giấy khen và động viên tinh thần anh vì những đóng góp trong công tác từ thiện này”.

Theo Minh Khuê (Gia đình & Xã hội)

Tin liên quan