Để ứng phó với siêu bão Yagi sắp đổ bộ vào miền Bắc, người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã chuẩn bị nhiều loại thuyền trong nhà, đồng thời cắt tỉa, chặt bớt những cành cây có nguy cơ gãy, đổ cao.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, người dân tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị ứng phó với siêu bão Yagi (dự kiến sẽ gây ảnh hưởng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm ngày 6/9).
Tại các vùng được coi là trũng nhất của “rốn lũ” Chương Mỹ như các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thuỷ Xuân Tiên…, nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn thuyền để di chuyển nếu lũ đổ về lần nữa.
Thuyền của người dân Chương Mỹ khá đa dạng về chủng loại: Thuyền nan tre, thuyền nhựa, thuyền tôn… Hầu hết các thuyền giống nhau về kích cỡ, đủ cho 2 người trưởng thành ngồi lên. Hầu như nhà nào cũng có một cái, gia đình nào có điều kiện thì “thủ” sẵn tận 4, 5 cái trong nhà.
"Bộ sưu tập" thuyền của anh Nguyễn Huy Phương.
Chẳng hạn như gia đình anh Nguyễn Huy Phương sống ở xã Tân Tiến đang sở hữu tới 7 chiếc thuyền đủ các loại trong nhà. Trong “bộ sưu tập” thuyền của gia đình anh Phương là một chiếc thuyền tôn chạy bằng động cơ. “Tiền mua vật liệu và thuê thợ đóng thuyền là vài triệu đồng, tiền mua động cơ cũng tốn vài triệu đồng nữa. Tổng giá trị là gần chục triệu đồng. Làm dư thuyền ra để khi nào có người cần dùng thì mình cho mượn”, anh Phương nói.
Tại xã Nam Phương Tiến, gia đình ông Nguyễn Dương Tuấn và bà Nguyễn Thị Oanh đang cất dần đồ đạc lên khu vực gác xép “tự chế” bằng gỗ và tôn. “Quanh khu này, nhà nào cũng phải làm một cái gác xép như thế để cất đồ đạc. Vì mỗi khi lũ về, nước dâng cao đến 1,6 m là ít”, bà Oanh nói. Hai ông bà cũng luôn có sẵn một chiếc thuyền nhựa để dùng khi cần thiết.
Gia đình bà Nguyễn Thị Loan và ông Đinh Văn Phúc ở xã Nam Phương Tiến chỉ có một chiếc thuyền nan tre. Thỉnh thoảng, hai ông bà phải quét vôi vào lòng thuyền để tránh ẩm mốc. Hai ông bà không để thuyền trong nhà, mà để ngay ngoài ngõ để ai cũng có thể dùng được khi khẩn cấp.
Ở xã Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội), tình hình ngập lụt lâu nay không nghiêm trọng như các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến hay Thuỷ Xuân Tiên. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chủ động cắt, tỉa, chặt các cành cây xanh có nguy cơ gãy, đổ cao xung quanh nhà.
Bên cạnh ngôi nhà của ông Vương Danh Sai và bà Nguyễn Thị Thu là một cây sấu lớn cao hơn 30 mét. Những lúc mưa bão, những cành cây to bị gió thổi nghiêng ngả làm hai ông bà rất bất an. Vì vậy, chiều 5/9, ông Sai và bà Thu phải cắt tỉa, chặt bớt những cành to để phòng ngừa biến cố. “Mấy cái cành cây nặng vài trăm cân mà rơi xuống từ độ cao mấy chục mét thì nguy hiểm lắm, sập nhà chết người như chơi”, bà Thu nói.
Bà Oanh đặt bàn tay vào điểm nước lũ chạm đến trong đợt lũ lụt vừa rồi tại Chương Mỹ.
Ông Nguyễn Dương Tuấn bên cạnh con thuyền bằng nhựa của gia đình.
Một con thuyền nan tre tại xã Nam Phương Tiến được đặt ngoài ngõ để người dân tiện sử dụng khi có lũ.
Ông Vương Danh Sai đang giữ dây thừng cho người hàng xóm là ông Tống Nguyên Thế leo lên cây sấu để cắt, tỉa, chặt những cành có nguy cơ gãy, đổ cao.
Ông Tống Nguyên Thế đang cắt, tỉa, chặt cành cây trên độ cao hơn 30 mét.
Tại Trường tiểu học Nam Phương Tiến A (Chương Mỹ, Hà Nội), sau khi vừa tổ chức xong lễ khai giảng, các cán bộ, giáo viên đã tất bật chuẩn bị ứng phó với siêu bão số 3 sắp đổ bộ vào miền Bắc.
Theo bà Kiều Thị Minh Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Phương Tiến A. xã Nam Phương Tiến được coi là vùng trũng nhất của "rốn lũ" Chương Mỹ. Vì vậy, trong những đợt lụt đã qua, khuôn viên trường luôn nằm trong mực nước sâu gần 2 mét tính từ mặt đường vào. Hoạt động dạy và học gặp rất nhiều khó khăn vì phương tiện di chuyển duy nhất của giáo viên và học sinh là thuyền. Không chỉ vậy, nhiều trang thiết bị học tập cũng bị hỏng do ngâm nước lâu ngày. Trong đợt lụt vừa qua, trường đã bị hỏng 1 bộ loa đài phục vụ cho hoạt động ngoài trời, 1 tivi, 4 bộ máy vi tính và một số trang thiết bị học tập khác.
Vì vậy, trước cơn bão số 3 sắp tới, các cán bộ, giáo viên của nhà trường đã có nhiều biện pháp ứng phó như cất các trang thiết bị học tập lên tầng cao; cắt tỉa những cành cây già, yếu, có nguy cơ gãy đổ cao, gây nguy hiểm cho học sinh; chuẩn bị áo phao cho học sinh...
Bà Kiều Thị Kim Hoa cho biết, hiện Trường tiểu học Nam Phương Tiến A không có một chiếc thuyền nào nên phải mượn thuyền của người dân mỗi khi lũ về. Bà Hoa rất mong trong thời gian tới, sẽ có các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ cho trường vài chiếc thuyền để học sinh và giáo viên có thể di chuyển an toàn hơn trong mùa lũ. |
"Sáng mùng 5/9, nhà trường tổ chức lễ khai giảng. 15h cùng ngày, chúng tôi nhận được thông báo về việc chủ động ứng phó với siêu bão số 3.
Ngay sau đó, nhà trường đã huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyển bàn, ghế, máy tính lên tầng cao, chuẩn bị áo phao cho học sinh. Sau khi nước rút, nhà trường cũng sẽ thực hiện dọn vệ sinh, khử khuẩn để đảm bảo môi trường học tập cho các em", bà Kiều Thị Kim Hoa nói.
Cán bộ, nhân viên của trường và người dân xã Nam Phương Tiến di chuyển bàn ghế lên tầng cao.
Bảo vệ của Trường tiểu học Nam Phương Tiến A cắt những cành cây già, có nguy cơ gãy đổ cao.
Trên các bức tường của Trường tiểu học Nam Phương Tiến A vẫn còn những vết sẫm màu, đánh dấu mực nước lũ trong đợt lụt gần đây nhất tại Chương Mỹ. Mực nước có thể lên cao gần 2 mét tính từ mặt đường vào.
Nhà trường chuẩn bị áo phao cho học sinh.