Nữ biên đạo múa hài hước nói: “Người lao động chân tay thì đầu óc chẳng cần nghĩ gì, ngược lại ai lao động trí óc sẽ được “nghỉ ngơi” chân tay. Chúng mình phải cân hết".
Biên đạo múa là một nghề thuộc lĩnh vực trong nghệ thuật biểu diễn, tập trung vào việc sáng tạo và dàn dựng các tiết mục múa cho các chương trình biểu diễn như sân khấu, phim ảnh, truyền hình hoặc các sự kiện văn hóa, thể thao... Nó đòi hỏi người biên đạo phải có kiến thức về các phong cách múa, thiết kế động tác, khả năng dàn dựng, lên kịch bản, sắp đặt ánh sáng và âm thanh, đồng thời có khả năng chỉ đạo vũ công thể hiện tiết mục phù hợp với nội dung của bài nhạc.
Nhà biên đạo múa được coi như người truyền lửa, mang đến sự sống động cho các bài nhạc và giúp khán giả dễ dàng hiểu được ý nghĩa âm nhạc. Và khi nhắc đến nghề này, người ta sẽ nghĩ ngay đến công việc chỉ cần năng khiếu là làm dược… Song thực tế nó có vô vàn khó khăn cũng như áp lực.
My My (Hà Nội) – dày dặn kinh nghiệm trong nghề biên đạo múa tâm sự: “Mình nghĩ nghề nào cũng có khó khăn, vất vả riêng theo đặc thù từng công việc. Vậy mà nghề biên đạo múa lại thường được nhiều người đánh giá là… nhàn. Người làm nghề chỉ cần chỉ chỏ một tí, đi đi lại lại rồi uốn éo, đứng lên ngồi xuống là “ăn tiền”.
Song thực chất nghề múa cực vất vả! Chúng mình thường nói đơn giản với nhau kiểu cô giáo dạy văn hoá phải dùng kiến thức để giảng bài; chú thợ xây sử dụng tay chân để bê vác và nghề biên đạo múa là sự cộng hưởng của cả lao động chân tay lẫn trí óc”.
Thường những người làm nghề như My My phải dùng đầu để nghĩ các động tác, tổ hợp, đội hình, chạy tuyến… sao cho phù hợp với nội dung bài hát, gây ấn tượng thật mạnh với người xem. Còn chân tay hoạt động liên tục để thị phạm cho diễn viên, miệng hò hét không ngừng.
Nữ biên đạo múa hài hước nói: “Người lao động chân tay thì đầu óc chẳng cần nghĩ gì, ngược lại ai lao động trí óc sẽ được “nghỉ ngơi” chân tay. Chúng mình phải cân hết!
Nghề này còn có khó khăn nhất định mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu và cảm thông. Điển hình xưa nay chúng mình không mấy được coi trọng, thường bị gán cho cái mác “xướng ca vô loài” – chỉ đơn thuần là múa máy mua vui cho người đời. Vì thế mình làm nghề gặp người trân trọng rất vui, chứ ai khó tính lại không biết cảm thông là cười ra nước mắt”.
Nhắc đến chuyện có bao giờ gặp tình huống “dở khóc dở cười” khi làm nghề hay không, nữ biên đạo múa thẳng thắn cho biết cô thường xuyên bị khách đẩy vào các tình huống bản thân không thể ngờ đến. Thậm chí cô phải thốt lên: “Nghề này thật bạc bẽo”.
My My kể mới đây vừa gặp trường hợp khách gọi điện, đồng ý nhờ cô biên đạo múa cho đội nhóm trong cuộc thi ở công ty. Cô đã xếp lịch, tư vấn kỹ càng và gửi luôn nhạc nhảy. “Chúng mình có nhiều nhạc quý, có bản chỉ lưu hành nội bộ hoặc mua lại bản quyền. Sau đó chúng mình tự cắt ghép, lọc tạp âm để trở thành “nhạc sạch”, không vi phạm bản quyền.
Mình gửi nhạc cho họ chừng 24 tiếng mới nhận được câu trả lời đã nhờ được người quen dạy miễn phí. Khi đó mình không thể thu hồi được file nhạc, đành ngậm ngùi huỷ hợp đồng do chủ quan không yêu cầu đặt cọc trước.
Nhiều lần khách nhắn tin khảo giá, đặt lịch như thật. Hôm đi dạy mình đến tận nơi mới được thông báo đã gọi người khác vì giá rẻ hơn”, My My thở dài ngao ngán.
Tuy nhiên, đối với My My, “khó nhằn” nhất là dựng múa cho trẻ nhỏ - cần sự cảm thông từ phía phụ huynh. Ví dụ có trường hợp khi tập bé không chịu múa, cô dỗ dành và nịnh như thế nào cũng vẫn đứng im. Cô đành cho bé ra ngoài đội hình. Và đến hôm biểu diễn, bé thấy các bạn được mặc váy đẹp, lên sân khấu trình diễn đã oà khóc nức nở, đòi lên. Cuối cùng, bà và mẹ của bé đã trách, chất vấn vì sao cô không cho bé lên biểu diễn.
“Hay có trường hợp học sinh nghỉ nhiều, không thuộc bài. Hôm diễn mình xếp đứng hàng sau. Vậy là mình cũng bị phụ huynh “kiện” con không được đứng đầu, đứng tít sau không ai thấy.
Mình rất hiểu tâm lý phụ huynh, ai cũng muốn con mình được nổi bật, là trung tâm. Song trong một tiết mục tập thể, không thể ai cũng được đứng vị trí trên, sẽ có bạn múa tốt được đứng đầu làm “leader”, bạn chưa ổn đứng sau. Khi nào con cứng cáp hơn vẫn có cơ hội toả sáng. Thậm chí có động tác bê đỡ, có bạn phải bê bạn khác, bị bạn khác giẫm lên cưng, phụ huynh xót con cũng ý kiến. Thế nên để có được một tiết mục hay, ấn tượng còn phải có sự đồng thuận từ phía phụ huynh, nếu không sẽ “vỡ bài”, nữ biên đạo chia sẻ.
My My cho biết thêm, đôi lúc dựng xong bài, gần đến ngày diễn vẫn có thể bị “bùng” do phụ huynh không hài lòng liền rút con ra, bạn về quê, bạn nghỉ ốm… Khi đó cô phải tìm bạn khác thay chỗ, mất thời gian tập luyện. “Mọi người cứ ngỡ người làm biên đạo múa ngày ngày nhảy nhót yêu đời chứ thực tế nhiều tâm tư và trăn trở lắm”, cô nói.
Chia sẻ thu nhập, My My cho biết nghề này tuỳ theo năng lực và danh tiếng của từng biên đạo. Theo đó vào mùa chạy show sẽ kiếm được 20 – 25 triệu đồng/tháng, còn đợt COVID-19 là 0 đồng. “Mình ước tính tình trạng chung biên đạo 1 bài giá rẻ nhất chừng 2-5 triệu đồng cho học sinh hoặc khu vực ngoại thành. Biên bài khó cho các đơn vị, yêu cầu độ hoành tráng có thể lên tới 15-20 triệu/bài. Còn riêng thu nhập cá nhân, mình xin phép giữ bí mật”, nữ biên đạo múa tâm sự.