Dù sở hữu khối tài sản đáng nể ở vùng quê Hưng Yên, nhưng bà Vừng vẫn luôn giữ được phong cách chân chất, giản dị của một người nông dân.
Dù đã 65 tuổi nhưng bà Đỗ Thị Vừng (ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên) vẫn rất khỏe mạnh, bà không lúc nào để chân tay ngơi nghỉ. Ban ngày, thời gian bà ở các vườn cây ướm giống còn nhiều hơn ở nhà. Tại đó, ngoài trực tiếp hướng dẫn nhân viên thực hiện cắt ghép, bà còn nghiên cứu, chăm lo cho những loại cây mới được ươm trồng.
Với bản chất thật thà, hiếu khách, khi được hỏi bà Mừng chẳng hề giấu giếm về số tài sản mà mình có được. “Tôi đang có trong tay hơn 10 mẫu đất trồng cây giống, mỗi năm thu được hàng tỷ đồng, nhưng tôi không để “tiền chết” mà tiếp tục mở rộng đầu tư vào sản xuất. Ví dụ một năm lãi 200 triệu thì mình chỉ cất đi 100 triệu thôi, còn 100 triệu mình phải đầu tư, nếu có thua lỗ thì cũng không sao”, bà Vừng nói.
Ngôi nhà bề thế của bà Vừng sau nhiều năm "ăn nằm" cùng cây giống.
Có lẽ vì doanh thu và số tài sản hiện đang sở hữu như vậy mà người dân khắp vùng Tân Châu thường hay gọi bà với cái tên thân mật là “bà Vừng đại gia cây giống” hay “người phụ nữ cứ đụng vào cây là có tiền”. Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết rằng bà đã trả qua biết bao khổ cực, có lúc còn nghĩ đến cái chết vì thất bại.
Bà Vừng kể rằng, vùng đất nơi bà sinh ra và lớn lên xưa nay đều sống bằng nông nghiệp chứ không có nghề truyền thống gì khác. Trước những năm 1990, nhà đông con (bà Vừng có 5 người con), kinh tế khó khăn nên bà phải đi làm đủ nghề kiếm sống, từ bốc vác thuê, đến trông giữ trẻ. Tiền công cho một ngày làm việc thời đó chỉ được chục nghìn đồng, đủ lo cho con bữa rau, bữa cháo qua ngày.
Trước khi có thành công, bà Vừng đã gặp không ít gian truân.
Sống trong cái đói, cái nghèo nên ai cũng ham làm giàu và được nhanh giàu có, bà Vừng cũng nằm trong số đó. “Ngày đó, tôi vét sạch tài sản trong nhà đi làm tín dụng, đi vay lãi hộ, lúc đầu công việc thuận lợi, có thu nhập nên ham lắm. Sau đó bị vỡ nợ, số tiền vay mượn, cầm cố rất lớn nên không biết lấy gì để trả. Thời gian này tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng nghĩ đến 5 đứa con nheo nhóc nên đành cố gắng làm lại từ đầu”, bà Vừng kể lại.
Sau sự cố ấy, bà Vừng đi trồng chuối thuê trên ngoại thành Hà Nội, từ đó nhờ quen biết bà được giới thiệu vào làm cây giống trong viện nghiên cứu rau quả. Kể từ đó đến nay, cuộc đời bà gắn liền với cây giống. Khi học được các kiến thức cơ bản về cây giống, về quê thấy có tiềm năng mà địa phương chưa ai làm, bà Vừng mạo hiểm bỏ 3 sào ruộng của gia đình để trồng cây.
Bà Vừng chỉ về phía trại cây giống của mình.
Loại cây đầu tiên bà Vừng trồng đó là cam đường, nhưng sản lượng cho rất thấp. Từ đó bà trăn trở và học hỏi thêm kỹ thuật ghép mắt cho cam và một số loại cây khác. Sau khi thành thục kỹ thuật ghép mắt cây, bà nghĩ rằng Hưng Yên có thế mạnh là cây nhãn, tại sao mình không bắt đầu từ đó?
Nghĩ là làm, bà Vừng lặn lội đi xin giống từ cây nhãn tổ của tỉnh về trồng và mở rộng, không ngờ cho năng suất rất cao, chất lượng tốt và được nhiều người biết đến. Kể từ đó, danh tiếng của bà cứ thế vang xa, cây giống liên tục ở trong tình trạng “cháy hàng”.
Sau nhãn, bà tiếp tục nhân giống các loại cây khác và cứ đụng vào ghép loại cây nào là cho doanh thu có lãi cây đó. Bắt đầu từ 3 sào ruộng, đến nay bà Vừng đã có trên 10 mẫu đất, với 20 vạn cây, tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 người với nhiều công việc khác nhau.
Người phụ nữ 65 tuổi có biệt danh cứ đụng vào cây là có tiền.
Không chỉ giỏi kinh doanh, phát triển giống cây trồng, bà Vừng còn không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những người có đam mê cây giống. Thực tế, bà đã giúp được nhiều người ở các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Sơn La…trong việc ghép cây giống và hiện tất cả đều thành công ngoài mong đợi.
“Mình chia sẻ không vì cái gì cả, đã từng được giúp đỡ nên bây giờ giúp lại mọi người thôi. Mỗi khi có đi đến đâu được mời ăn bữa cơm, cảm thấy được quý mến là vui lắm rồi”, bà Vừng tươi cười chia sẻ.
Với những nỗ lực của bản thân, bà Vừng đã được tuyên dương trong hội nghị người cao tuổi làm kinh tế giỏi.
Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Châu, cho biết bà Đỗ Thị Vừng là người đầu tiên đem nghề làm cây giống về xã, giúp bộ mặt kinh tế của địa phương khởi sắc hơn. “Chúng tôi đánh giá cao những gì bà Vừng đóng góp cho địa phương. Cũng mong rằng bà Vừng tiếp tục phát huy tinh thần này”, ông Việt chia sẻ.