Suốt 43 năm qua, bà đã tận tình chăm sóc, nuôi nấng các em chồng của mình; phụng dưỡng người già trong gia đình một cách chu đáo.
Người phụ nữ ấy đã dùng lòng hiếu thảo của mình để những người lớn tuổi trong gia đình có chỗ nương tựa khi về già và sự chăm sóc khi đau ốm. Bà đã dùng lòng kiên nhẫn để giúp đỡ các em chồng lớn lên, trưởng thành và không ngại bất cứ điều gì để hỗ trợ họ cũng như các cháu. Suốt 43 năm qua, bà đã dùng đôi vai gầy của mình để gồng gánh mái nhà này. Bà là Liu Baoqin, một người dân sống ở Song Liêu, Tứ Bình, Cát Lâm, Trung Quốc.
Chị dâu thay mẹ chăm sóc các em chồng
Năm 1981, khi Liu Baoqin lập gia đình, mẹ chồng bà đã qua đời. Ở nhà chồng, bà có 2 người em trai chồng 18 và 8 tuổi, một em gái chồng 16 tuổi, cả 3 đều còn đang đi học. Nhà chồng bà khi đó rất nghèo nhưng Liu Baoqin không một lời ca thán, hết lòng chăm sóc các em như một người mẹ.
Người em gái chồng của bà học rất giỏi. Để không lỡ việc học của em, bà Liu Baoqin đã tiết kiệm từng đồng, chắt chiu từng chút một. Giờ đây, người em đó đã là một giáo viên gạo cội. Nhắc về chị dâu, bà luôn nói với đầy sự biết ơn:
"Kể từ khi có chị dâu, anh chị em chúng tôi không bao giờ phải đi chân đất nữa. Nhà tôi khi đó rất khó khăn, chị sẵn sàng vay tiền mua vải cho chúng tôi may quần áo mặc, nhưng bản thân mình lại không mua dù chỉ một bộ đồ.
Tôi đã có lúc muốn từ bỏ và chị dâu là người luôn ở bên động viên tôi cố gắng và sau đó thi đỗ đại học. Một anh của chúng tôi đã được anh chị giúp xây nhà và cưới vợ. Nếu không có sự chăm sóc, dìu dắt tận tình của chị dâu, chúng tôi sẽ không có được ngày hôm nay!"
Người phụ nữ đã chăm sóc, nuôi nấng các em chồng như con của mình.
Người em chồng 8 tuổi năm đó của bà Liu Baoqin mắc chứng động kinh từ nhỏ. Biết điều đó, bà luôn dành riêng cho người em này sự quan tâm đặc biệt. Có lần, thấy em đi học về, toàn thân lấm lem bùn đất, khóc nức nở, bà xót xa nói:
"Em trai, có phải ai bắt nạt em không? Hãy nói với chị dâu, chị dâu sẽ đi tìm họ".
Người em lúc ấy vừa lau nước mắt vừa tủi thân nói: "Bạn bè bắt nạt em, nói em là đứa trẻ không mẹ".
Bà Liu nghe xong rất tức giận. Không ngại bụng khi này chửa 8 tháng đã to vượt mặt, bà dắt em đi thẳng đến nhà bạn học kia, tìm phụ huynh họ để nói chuyện phải trái. Từ đó về sau, không ai dám bắt nạt em chồng bà nữa.
Khi người em chồng này học lớp 4, câu chuyện năm nào đã được viết vào bài văn về mẹ. Cuối bài văn, ông viết: "Đó là chị dâu của tôi. Chị không phải mẹ nhưng hơn cả một người mẹ". Liu Baoqin đọc bài văn xong đã nghẹn ngào mà nói: "Chị nào có tốt thế, nào có tốt thế..."
Tuy nhiên, số phận trớ trêu, đến năm 16 tuổi, bệnh động kinh của người em chồng này trở nên nghiêm trọng hơn. Bà Liu và chồng đi khắp nơi cầu thầy khấn bái, đưa em đi khám khắp các bệnh viện lớn nhỏ gần xa nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Em chồng ngày càng chậm chạp hơn, thậm chí thường xuyên tiểu tiện, đại tiện không tự chủ; ăn uống, vệ sinh cá nhân đều cần người chăm sóc. Bà Liu không nề hà bất cứ việc gì, năm này qua năm khác chăm sóc em như người con của mình. Dọn dẹp nhà cửa, cơm nước chu toàn, lo cho em chồng no đủ, sạch sẽ. Tháng 7 năm 2023, em chồng bà đã ra đi thanh thản ở tuổi 50.
Kính trọng, phụng dưỡng cha chồng và chú bằng lòng hiếu thảo
Cha chồng của bà Liu tuy không mắc bệnh nan y nhưng không thể làm việc nặng nhọc. Càng lớn tuổi, trí óc của ông càng rối loạn, không còn giao tiếp được với mọi người bình thường và không thể đi ra ngoài. Cũng chính bà Liu đã chăm sóc chu đáo cha chồng, trước miếng ăn ngon luôn nghĩ phần cha trước. Năm 2008, người cha chồng 86 tuổi trước khi qua đời đã nắm chặt tay con dâu không buông. Ông biết người con dâu này đã hy sinh biết bao cho gia đình mình trong 27 năm qua.
Mùa đông năm 2010, chú 3 của bà Liu Baoqin xách vali đến thăm gia đình họ. Ông nói bản thân mình đã ngoài 60 tuổi, không con cái, quanh năm đi làm thuê. Giờ ông bị gãy tay lại từng bị đột quỵ nhẹ, không ai nhận làm, không có nơi nào để đi và không có tiền tiết kiệm.
Mọi người đều khuyên bà Liu nên đưa chú vào viện dưỡng lão. Có người trong làng còn nói với bà rằng: "Bấy nhiêu năm nay bà đã quá mệt mỏi rồi, nhận thêm một người già sẽ là thêm gánh nặng".
Tuy nhiên, bà kiên quyết để chú ở lại. Bà nói: "Bây giờ chú ấy bị gãy tay, lại không có người thân nào để đi, chỉ vì không có tiền đi viện dưỡng lão mới đến chỗ tôi. Cứ để chú ấy ở lại, tôi sẽ chăm sóc chú ấy". Chỉ với một câu nói đơn giản, Liu Baoqin đã kiên trì 14 năm nay phụng dưỡng chú.
43 năm qua, bà Liu đã không quản nắng mưa, chăm sóc chu đáo từng thành viên trong gia đình mình. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, bà đã cùng gia đình vượt qua biết bao khó khăn, viết nên câu chuyện đầy cảm động và ý nghĩa.