Lĩnh số tiền “siêu khủng”, chị Lớn khiến cả xã ngỡ ngàng khi đột nhiên có ngoại hình khác lạ. Chị đã cạo trọc đầu mặc lời bàn ra tán vào của thiên hạ.
Người phụ nữ vá xe bất ngờ trúng số
Chị Nguyễn Thị Lớn (SN 1977, An Giang) sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh em. Chị từ nhỏ đã vất vả kiếm sống phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học nên một chữ bẻ đôi không biết.
Lớn lên, chị Lớn suốt ngày ngồi ngoài góc công viên hành nghề vá xe. Sau đó chị kết duyên với anh thợ hồ cùng hoàn cảnh rồi lần lượt sinh 2 đứa con. Lúc này gia đình càng khốn khó hơn khi có tới 4 miệng ăn. Chị đành bấm bụng gửi con cho chị chồng chăm sóc và nuôi dưỡng để cùng chồng lên thành phố kiếm tiền.
“Nắng cũng như mưa hoặc lúc ốm đau, tôi chẳng dám nghỉ làm vì sợ bị hụt tiền. Mọi chi phí của gia đình đều dựa vào thu nhập ít ỏi của tôi. Còn ông xã làm phụ hồ, đi theo công trình ngày được ngày không. Hơn cả, chúng tôi còn nợ người ta hơn 10 triệu đồng nữa, phải ki cóp để trả góp dần”, chị Lớn từng tâm sự.
Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng chị Lớn chưa bao giờ nản chí. Song chính những người bên gia đình chồng đã khiến chị mệt mỏi vô cùng. Chị cho biết, cứ dăm bữa nửa tháng, mẹ chồng lại qua phòng trọ kiếm chuyện mắng chửi chị. Em chồng khinh chị ra mặt vì ít học lại nhà nghèo. Chị uất hận nhưng không dám bộc lộ, cố gắng nén chịu để nhà cửa ấm êm, làm tròn đạo hiếu của một nàng dâu.
Chị Lớn làm nghề vá xe.
“Đã nghèo, tôi còn mắc bệnh sạm túi mật, nằm viện cả tháng chờ ngày phẫu thuật. Họ nội biết nhưng chẳng ai đến hỏi thăm, tôi buồn lắm nhưng biết làm sao. Khi ấy hàng xóm thấy tội đã gom tiền cho tôi mua thuốc. Nhờ sự cưu mang của họ mà tôi dần khoẻ lại”, người phụ nữ nghèo nhớ lại.
Chị Lớn còn bi kịch hơn khi cha ruột mắc bạo bệnh không tiền thuốc thang, mẹ đẻ phải chạy vạy khắp nơi vay nợ và hạn đến không thể trả nổi. Chị xót xa đứng nhìn cha mẹ già bị người ta uy hiếp, chỉ biết cầu trời thương cho trúng số để “giải quyết” mọi chuyện.
“Tôi thề rằng nếu trời cho trúng số sẽ cạo đầu và ăn chay 3 tháng, đồng thời theo nghề vá xe đến hết đời để trả ơn. Vì thế hễ đi làm về là tôi dành ra 10.000 đồng mua vé số, tạo cơ may cho chính mình”, chị Lớn trải lòng.
Một hôm, chị Lớn đi vá xe như mọi ngày thì thấy một bé gái ăn mặc rách nát tiến về phía chị nài nỉ mua vé số. Chị rút tiền mua ủng hộ 1 tờ của đài Vĩnh Long. Chiều đó chị nhờ một người quen dò số giùm. Họ vội vã mừng rỡ báo tin chị đã trúng giải đặc biệt trị giá 1.5 tỷ đồng. Chị lặng người hồi lâu rồi cám ơn, chạy một mạch về báo tin cho chồng biết.
“Phân phát” số tiền trúng số hợp lý đến ngỡ ngàng
Lĩnh số tiền “siêu khủng”, chị Lớn khiến cả xã ngỡ ngàng khi đột nhiên… có ngoại hình khác lạ. Chị đã cạo trọc đầu mặc lời bàn ra tán vào của thiên hạ. “Có người đoán già đoán non tôi trúng số nên định đi tu. Còn mẹ chồng mỉa mai có tiền muốn làm đàn chị xã hội đen. Lũ trẻ con cũng điếng người vì sợ tôi sẽ vào chùa ở. Tôi chỉ mỉm cười rồi động viên các con cứ yên tâm, tôi sẽ mãi ở bên chúng”, chị Lớn tâm sự.
Nhờ một tờ vé số, người phụ nữ nghèo đã đổi đời.
Điều chị Lớn trăn trở khi trúng số chính là sử dụng số tiền sao cho hợp lý. Chị quyết định gửi 300 triệu đồng vào ngân hàng dành tiền cho hai đứa con ăn học. Sau đó chị dùng tiền mời bác sĩ giỏi chữa trị cho cha và mua thuốc tốt nhất. Chị đưa một ít tiền cho mẹ để trả nợ và dưỡng già.
“Ngoài ra tôi đã mang trả nợ những người đã giúp đỡ mình trong thời gian khó khăn nhất. Tôi mua thêm một mảnh đất gần nhà đẻ trị giá 140 triệu đồng. Tiếp đó tôi thuê thợ dựng một căn nhà khang trang trị giá 260 triệu đồng, sắm sửa đồ dùng tiện nghi.
Về phía gia đình chồng, tôi biếu mẹ 10 triệu để dưỡng già và xây dựng nhà mồ cho cha để che nắng che mưa”, chị Lớn nói.
Không những thế, chị Lớn còn dùng đồng tiền mình trúng số mua gạo phân phát cho các trại trẻ mồ côi gần khu vực. Chị dò la trong xã những người có hoàn cảnh thật sự khó khăn, mang đến trao tận tay 1 – 2 triệu đồng. Số tiền còn lại, chị dành để trang trải các khoản chi phí về sau cho gia đình.
“Nhờ tiền trúng số mà tôi đã có được căn nhà mới của chính mình, không còn chịu cảnh ở trọ, nhà thuê; có một khoản tiền kha khá để trả nợ cho người ta. Nấm mồ của cha chồng cũng không còn phải dầm mưa dãi nắng. Tôi không còn phải trăn trở nỗi lo người ta đến đòi nợ mỗi tháng. Tôi thấy mình hạnh phúc lắm”, người phụ nữ miền Tây mãn nguyện với tất cả.