Sau cuộc trở về khá ly kỳ của “liệt sĩ” Được ở Tiên Lãng, lại thêm một sự kiện làm rung động lòng người. Đó là cuộc “trở về” từ rừng thẳm của cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang, dân tộc Kor ở Tây Trà, Quảng Ngãi.
Sự kiện ông Thanh được “về nhà” tiếp ngay sau sự kiện “liệt sĩ” Được như nốt nhạc buồn cuối cùng kết thúc bản nhạc bi tráng của chiến tranh và thân phận con người. Cha con ông Thanh không phải là liệt sĩ, cũng không có công trạng gì trong chiến tranh như ông Được. Nhưng họ là hai nạn nhân của “một tiếng nổ làm chết 3 người trong nhà”, đơn giản vậy thôi. Tiếng nổ ấy đã biến ông thành “người rừng” 40 năm.
Cả hai là nhân chứng sống động nhất cho thân phận con người trong chiến tranh, trong những cuộc dịch chuyển kinh thiên động địa ngoài sức tưởng tượng và khả năng chấp nhận, chịu đựng được của con người vốn mong manh và nhỏ bé.
Cha con ông Hồ Văn Thanh được tìm thấy sau 40 lưu lạc trong rừng
Ông Thanh và con là biểu tượng của sức sống hầu như không có giới hạn của thứ “sinh vật mong manh” ấy. Hãy chịu khó tưởng tượng ngày đầu tiên ông hoảng loạn, bỏ chạy khỏi ngôi nhà đang bốc cháy với xác người thân chưa kịp chôn cất, đứa con còn bú mẹ trên tay, không một tấc sắt, một hạt gạo, củ khoai. Lúc đó, người đàn ông dân tộc ngoài 40 tuổi đã phải đối mặt với cả một thế giới thù địch mà ông không thể nào lý giải nổi. Bom đạn xua ông vào rừng. Rừng đe dọa ông bằng sấm sét, rắn độc, thú dữ.
Nhưng ông đã đứng vững. Nhờ sức sống của bản năng sinh tồn, tiềm năng vô tận của mọi sinh linh. Nhờ tình phụ tử, trách nhiệm làm cha. Nhờ truyền thống đứng thẳng mà tồn tại như cây cao bóng cả trong rừng của dân tộc ông, chắc chắn cũng không khác gì truyền thống của nhiều dân tộc khác. Ông không được học để biết những điều đó, cũng không đọc sách để chiêm nghiệm. Nó nằm trong bộ gen của chính ông, không thay thế, không biến đổi được. Hãy nhìn tuổi thọ của ông, những dụng cụ, đồ đạc, “tiện nghi” do ông sáng tạo ra bằng bàn tay trắng để biết bộ gen ấy quý giá biết chừng nào!
Một chiếc quần vải của ông, chiếc áo nhỏ của con trai như cố tình được giữ gìn nguyên vẹn làm kỷ niệm. Những cái khố, chiếc áo vỏ cây, cái “nóp” được đan lát cẩn thận, con dao, cái rìu, cái búa… Bản hùng ca của lao động sáng tạo âm thầm và bất khuất. Xin đừng gọi ông là “người rừng” nữa.
Xin hãy bảo trọng, hãy nâng niu, giữ gìn tất cả. Xin nhà nước và cộng đồng hãy chăm sóc hai con người từng nếm trải đau thương, khổ cực vô bờ ấy. Tôi chưa muốn nói ông sẽ là vốn quý cho những nghiên cứu dân tộc học, xã hội học nghiêm túc hay là cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật như tiểu thuyết, phim ảnh. Tôi chỉ muốn một điều đơn giản: Hãy cho con em chúng ta, những cậu ấm cô chiêu được chiều chuộng hết mực nhìn được, sờ mó được hai con người và những gì họ sáng tạo được trong 40 năm xa lánh xã hội loài người đang có nhiều biểu hiện thoái hóa cả vật chất lẫn tinh thần này. Xin đừng tò mò, cũng đừng hờ hững. Hãy coi đây là một vốn quý đáng được xã hội nâng niu và trân trọng.