Trước nguy cơ COVID-19 có thể bùng phát đợt 4, Hà Nội và TP.HCM cùng nhiều địa phương khác đã bắt đầu có những động thái nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Chiều 26/4, ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 UBND TP Cần Thơ. Tại đây, Bộ trưởng cho biết, diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác đi chỉ đạo đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương vùng Tây Nam. Đặc biệt, Bộ Y tế cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4.
Lực lượng chức năng tại các tỉnh biên giới, Hà Nội, TP. HCM, TP. Cần Thơ cùng nhiều địa phương khác đã có những động thái ngằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong dịp 30/4 - 1/5.
Dịch bệnh căng thẳng từ các nước: Thắt chặt an ninh biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép
Trước tình trạng nhập cảnh trái phép gia tăng thời điểm gần dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, lực lượng chức năng các tỉnh biên giới đã phải căng mình bám trụ tại các "điểm nóng" để phòng, chống đại dịch COVID-19...
Tiếp tục cắm chốt, thực hiện "nhiệm vụ kép"
Sáng 25/4, trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực mốc số 1 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Tổ tuần tra Đồn Biên phòng APa Chải (Điện Biên) đã phát hiện nhóm người (cùng trú tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) có hành vi nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam (gồm 4 người lớn và 3 trẻ nhỏ).
Bước đầu, các trường hợp trên khai nhận là 2 gia đình đã cùng nhau vượt biên sang Trung Quốc làm thuê từ tháng 6/2019, do có việc gấp cần về nhà nhưng lo sợ bị xử phạt và cách ly nên đã tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Bộ đội biên phòng đã đưa 7 người này đi cách ly theo quy định. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cũng tổ chức bàn giao 20 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cho lực lượng chức năng nước bạn.
Tỉnh Điện Biên có 455,573 km biên giới, trong đó, tuyến Việt Nam - Lào dài 414,712km và tuyến Việt Nam - Trung Quốc dài 40,861 km. Với đặc thù có đến 111 thôn, bản giáp biên, đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số nên việc phòng, chống dịch và bảo vệ biên giới của những người lính "quân hàm xanh" gặp không ít khó khăn. Những lều bạt dã chiến được dựng khắp lối mở giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nhiều chốt gác không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại, xa các bản làng và khu dân cư, thậm chí không có cả nước sạch sinh hoạt...
Mới đây, khi Bộ Y tế công bố một số ca nhập cảnh trái phép qua biên giới dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến nhiều người càng thêm lo ngại "làn sóng" nhập cảnh trái phép về Việt Nam, nhất là thời điểm gần nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tại các tỉnh biên giới “ăn lán, ngủ rừng” thay nhau bám chốt ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép.
Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công "mục tiêu kép", đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Quốc phòng, Công an, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới Tây Nam.
Mới đây, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh tại tỉnh Đồng Tháp. Theo báo cáo, nhiều trường hợp lợi dụng đêm tối đi đường sông hoặc đường mòn để nhập cảnh trái phép. Hiện nay công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh ở Đồng Tháp đang gặp một số khó khăn do địa bàn biên giới quá rộng trong khi lực lượng mỏng, cơ sở vật chất ở một số khu cách ly tập trung chưa đủ điều kiện.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý hiện nay, dịch bệnh tại các nước láng giềng đang rất phức tạp, số ca bệnh tăng cao mỗi ngày, do vậy các biện pháp cần được triển khai tốt hơn. Cụ thể, cần kiểm soát thật chặt biên giới đường sông, đường bộ, đường mòn lối mở, phát hiện thật sớm và kiên quyết cách ly xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép.
Tăng cường "tai mắt" trong dân
Đồn Biên phòng A Pa Chải làm thủ tục phòng, chống dịch COVID-19 với 7 trường hợp nhập cảnh trái phép. Ảnh S.A - Báo Lao Động.
Ở An Giang - nơi có đường biên giới gần 100 km giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia) theo kiểu sông giáp sông, vườn giáp vườn, nhà giáp nhà, dân sát dân, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã lập 187 chốt kiểm soát dịch với 1.530 cán bộ, chiến sỹ thường trực canh giữ, kiểm soát. Đồng thời tuyên truyền bằng cách thông báo ở các cửa khẩu, các khu dân cư; phát tờ rơi, vận động bà con cam kết không tiếp tay nhập cảnh trái phép. Từ nhận thức và nắm bắt đầy đủ thông tin, người dân khi phát hiện trường hợp, đường dây, tổ chức nghi ngờ sẽ kịp thời báo ngay cho các lực lượng tại các tổ, chốt.
Ngoài ra, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng triển khai dự báo từ sớm, từ xa các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, phối hợp với các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn, siết chặt khép kín biên giới. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia để trao đổi tình hình, chia sẻ thông tin về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19...
Cũng theo ghi nhận của phóng viên tại điểm nóng cánh rừng biên giới Việt Nam và nước bạn Campuchia thuộc tỉnh Bình Phước, các lực lượng biên phòng, công an, y tế… luôn bám chốt 24/24. Đây đã là mùa mưa thứ hai và đã hơn một năm trời họ phải ăn lán ngủ rừng, bám chốt bảo vệ biên giới, phòng chống dịch COVD-19.
Song song với hoạt động giám sát cộng đồng, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân trở về từ nước ngoài hoặc từ vùng dịch phải chủ động khai báo, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định và thực hiện tốt các giải pháp để phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách…
Hà Nội nâng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 lên mức độ cao
Ngày 26/4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội tổ chức phiên họp trực tuyến với các Sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 19 đến 25/4/2021, Hà Nội ghi nhận thêm ba ca mắc mới là người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trong tuần, phát sinh ba trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia có về qua sân bay Nội Bài.
Cả ba người này nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam qua đường tiểu ngạch gần cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh). Ngày 21/4, ba người đi trên chuyến bay VJ134 từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Nội Bài. Sau đó bắt taxi từ sân bay Nội Bài đi thẳng về Thái Nguyên và Bắc Ninh, không lưu trú tại Hà Nội. Hiện tại, cả ba trường hợp đã được cách ly y tế, xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1.
Quang cảnh hội nghị phiên họp trực tuyến với các Sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Ban Chỉ đạo, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ vẫn ở mức cao. Lý do, tình hình dịch bệnh được khống chế, dẫn đến một số nơi có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, dự báo lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng, nguy cơ dịch bệnh sẽ cao hơn.
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhận định, trước tình hình trên thế giới, các chuyên gia nước ngoài tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam và Hà Nội; ý thức người dân còn chủ quan; vị trí của Thủ đô là nơi giao thương… thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Do đó, các cấp, các ngành của thành phố phải tiếp tục thực hiện nghiêm, siết chặt công tác phòng chống, dịch và sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19. Đồng thời, nâng cao mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao.
Các đoàn kiểm tra của thành phố tăng cường kiểm tra, xử phạt việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có ca dương tính, sẵn sàng ở mức độ cao nhất ứng phó với dịch bệnh. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.
Ông Chử Xuân Dũng đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương quyết liệt chỉ đạo và giám sát nghiêm các biện pháp như: khai báo mã QR-Code; thông điệp "5K" của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá về an toàn phòng, chống dịch. Đối với các cơ sở y tế, chợ, siêu thị, sân bay... các sở, ban ngành và đoàn kiểm tra vào cuộc một cách nghiêm túc để phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống dịch, theo đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Khi phát hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly ngay, không để lây lan diện rộng và tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Thành phố hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động đông người; tiếp tục triển khai tiêm vaccine đợt hai bảo đảm an toàn, hiệu quả; tăng cường giám sát về nhập cảnh, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh; bảo đảm an toàn tại các cơ sở cách ly…
(Theo Báo Giao Thông)
TP.HCM ra văn bản khẩn về tăng cường chống dịch COVID-19
Chiều 26-4, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn gửi các sở ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Văn bản khẩn về tăng cường chống dịch COVID-19 của UBND TP.HCM.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế, trong đó chú trọng việc bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, các khu vui chơi, giải trí, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Các trường hợp không chấp hành đeo khẩu trang tại nơi công cộng cần xử phạt nghiêm.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn mình quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phòng chống dịch bệnh. Chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh.
Đối với trường hợp phát hiện ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, các đơn vị phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly. Kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo đúng phương châm thiết thực, hiệu quả. Phải bảo đảm an toàn nhưng không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết, hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết tiếp tục được hạn chế. Riêng các nội dung đã được UBND TP cho phép tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh.
UBND TP giao Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; phân bổ và tổ chức tiêm vaccine theo đúng hướng dẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vaccine bị quá hạn.
Cùng đó là tăng cường thực hiện tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
UBND TP giao Công an TP chủ động phối hợp với các tỉnh bạn nhằm cung cấp thông tin về các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép; kịp thời thông tin và phối hợp tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp tổ chức, tiếp tay đưa người nhập cảnh trái phép vào TP.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Gấp rút thiết lập bệnh viện dã chiến vùng 800 giường tại Cần Thơ
Bộ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh các cơ sở y tế như BVĐK TƯ Cần Thơ, Đại học Y dược Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cùng phối hợp để thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ với quy mô 800 giường bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với UBND TP Cần Thơ. Ảnh: Báo Gia đình Xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ, việc thành lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP Cần Thơ mà còn để điều trị các ca bệnh nặng của cả khu vực.
Đề nghị chính quyền TP Cần Thơ quan tâm đến việc xây dựng bệnh viện dã chiến, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với BVĐK T.Ư Cần Thơ triển khai ngay việc thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ với quy mô tăng dần để sẵn sàng ứng phó với tình huống có dịch. Lúc đó sẽ không phải chuyển bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Người đứng đầu ngành Y tế giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp ngay với các địa phương như An Giang, Đồng Tháp… trao đổi và hỗ trợ về kỹ thuật trong việc thiết lập các bệnh viện dã chiến tại địa phương này.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên - Kiên Giang. Hiện nay, bệnh viện này sắp đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, với đặc thù của khu vực có nguy cơ cao, bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ sẽ là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất, phải xử lý được các ca bệnh nặng, nguy cấp và thực hiện công tác chỉ đạo điều trị cho các địa phương khác.
"Bệnh viện dã chiến vùng này sẽ là "cánh tay nối dài" của Bộ Y tế, của Bệnh viện Chợ Rẫy trong điều trị" - PGS Khuê nói.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Bộ Xây dựng hỗ trợ Kiên Giang xây dựng bệnh viện dã chiến
Ngày 23-4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Xây dựng làm việc với tỉnh Kiên Giang, trong đó có việc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng BV dã chiến tại TP Hà Tiên để ứng phó dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, ông Lê Quốc Anh, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết đã được khởi công xây dựng và hiện nay tập trung khẩn trương xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4-2021.
BV được xây dựng tại phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên với qui mô 300 giường bệnh. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu thu dung, sàn lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nhẹ và trung bình, nhằm giúp giảm tải cho các cơ sở y tế tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Xây dựng bệnh viện dã chiến ở Kiên Giang.
BV này sẽ chủ động ngăn chặn, kiểm soát, phát hiện sớm, cách ly triệt để, khoanh vùng xử lý kịp thời, hạn chế dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng.
Theo ông Lê Quốc Anh, đến nay BV dã chiến được thực hiện đúng quy trình xây dựng theo Quyết định số 212/QĐ-BXD Ban hành Hướng dẫn xây dựng bệnh dã chiến điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, TP Hà Tiên đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục đầu tư xây dựng công trình này theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng.
Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Xây dựng tháo gỡ, hướng dẫn công tác đầu tư xây dựng BV dã chiến, để rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ đưa vào phục vụ điều trị kịp thời bệnh nhân COVID-19.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Phú Quốc lập 3 vòng “lá chắn” ngăn nhập cảnh trái phép
Ngày 26/4, đồng chí Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang chủ trì cuộc họp khẩn với UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang) để bàn các giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép từ Campuchia bằng đường biển vào Việt Nam.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Campuchia và tình trạng nhập cảnh trái phép vào địa bàn Phú Quốc được dự báo sẽ gia tăng vào những ngày tới.
Đồng chí Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc nhấn mạnh, nếu Phú Quốc không kiểm soát chặt chẽ thì rất nguy hiểm cho toàn cộng đồng. Vì vậy, Phú Quốc sẽ huy động tối đa lực lượng trực sẵn sàng. Cần thiết sẽ cho dừng hoạt động của tất cả các phương tiện khai thác đánh bắt và các phương tiện đánh bắt khi vào bờ phải khai báo y tế, kiểm soát chặt chẽ ngay từ bây giờ. UBND TP Phú Quốc đã chỉ đạo tất cả các xã phải thành lập các đội xung kích bảo vệ tuyến đầu và tăng cường thêm lực lượng Dân quân tự vệ cho các tổ, chốt Biên phòng.
“Trong trường hợp lực lượng tại chỗ không đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố sẽ đề nghị tỉnh Kiên Giang điều động lực lượng từ đất liền ra tăng cường cho Phú Quốc” - Đồng chí Huỳnh Quang Hưng khẳng định.
Tại cuộc họp, đồng chí Mai Văn Huỳnh chỉ đạo TP Phú Quốc phải nhanh chóng triệu tập tất cả lực lượng, đặt trong tình huống khẩn cấp, tác chiến để siết chặt, quản lý khép kín tuyến biên giới. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm như tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép. Đồng thời rà soát lại các kế hoạch và nâng lên cấp độ cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là công tác truy vết, kích hoạt lại toàn bộ các khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị kiều bào Việt Nam đăng ký nhập cảnh về nước hợp pháp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu Phú Quốc nâng cao cảnh giác và tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị, cao điểm trong 15-30 ngày tới canh phòng an toàn trong phòng chống dịch.
“Đề nghị UBND TP Phú Quốc cùng các đơn vị chức năng phải thiết lập 3 vòng “lá chắn” đồng bộ. Một là tai mắt của người dân là vòng lá chắn tổng hợp. Hai là chỉ huy các lực lượng thống nhất, hiệp đồng tác chiến rõ ràng. Vòng ba là hệ thống chính trị và lực lượng dân quân tự vệ là “lá chắn” nội địa, kịp thời phát hiện người lạ mặt và quản lý từng hộ, từng khẩu chặt chẽ”, đồng chí Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh.
(Theo Công an nhân dân)
Nâng mức an ninh hàng không trong dịp lễ 30/4-1/5
Tin từ Cục Hàng không cho hay, cơ quan này vừa ban hành quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay, đài không lưu, các chuyến bay đi/đến sân bay trong nước. Thời gian áp dụng trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Giải pháp này nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo an toàn giao thông và phòng chống dịch COVID-19. Qua đó cũng phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn hoạt động bay.
Biện pháp an ninh hàng không tăng cường được chia theo các cấp độ 1, 2 và 3. Trong đó, cấp độ 1 được áp dụng trong các trường hợp: Có sự kiện chính trị, xã hội trọng đại của đất nước; Có tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội phức tạp.
Cũng theo Cục Hàng không, qua giám sát các sân bay thời gian gần đây phát hiện tình trạng lơ là, thiếu cảnh giác trong phòng chống dịch COVID-19. Các biểu hiện cụ thể: hành khách khi vào khu vực cách ly, người thân đưa/đón, tài xế taxi, xe hợp đồng, xe đưa đón khách trong khu vực nhà ga… không đeo khẩu trang theo quy định.
Do đó, Cục Hàng không đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, các sân bay, hãng hàng không... tăng cường giám sát, nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành khách, người vào sân bay không chấp hành quy định phòng chống dịch (đặc biệt dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm hè).
Để đảm bảo việc đi lại trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và hè sắp tới, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp vận tải đều khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện yêu cầu khai báo y tế bắt buộc trước chuyến đi. Việc chủ động khai báo y tế sẽ giúp giảm tải cho các nhà ga, sân bay, đồng thời không ảnh hưởng tới lịch trình đi lại của hành khách.
(Theo Tiền phong)