Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sau khi bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo, liệu có phải chịu kỷ luật về chính quyền (hành chính)?.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đã nêu rõ nguyên tắc, đó là:
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Tổ chức Đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.
Sau kỷ luật Đảng, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ bị Thủ tướng xử lý kỷ luật về chính quyền?. Ảnh Quochoi.vn
Chiểu theo quy định trên, trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Tiến mắc các vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 nên sau khi bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật về Đảng sẽ phải chịu kỷ luật về chính quyền.
Việc thi hành kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó đã có những trường hợp nguyên là Thành viên Chính phủ, do có vi phạm, khuyết điểm sau khi bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật Đảng đã bị Thủ tướng thi hành kỷ luật về chính quyền, như trường hợp ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng, sau khi bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, ông bị Thủ tướng thi hành kỷ luật về chính quyền cũng bằng hình thức cảnh cáo (tháng 11/2019); trường hợp ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, sau đó ông bị Thủ tướng thi hành kỷ luật về chính quyền bằng hình thức cảnh cáo (tháng 8/2017).
Theo Bộ Chính trị, bà Nguyễn Thị Kim Tiến phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, ngành Y tế và cá nhân bà.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 2011 đến năm 2019. Bà được Bộ Chính trị bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương vào tháng 7/2019. Ngày 18/11, ngoài việc bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo, bà Tiến cũng bị miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. |