Ngày 1/9 là ngày đầu đến trường của học sinh sau kỳ nghỉ hè nhưng cũng là ngày tồi tệ nhất Nhật Bản khi số học sinh tự tử gia tăng.
Nanae Munemasa, 17 tuổi bị bạn bè bắt nạt từ hồi học tiểu học. Cô từng bị một nam sinh cầm cán chổi đánh, các nữ sinh khác thì tát cô trong phòng tắm và thậm chí cuộc tấn công xảy ra trong buổi học bơi.
"Tôi là người cuối cùng bước ra khỏi hồ bơi. Tôi bị một chiếc bàn chải ném vào trán khi ở dưới nước và tôi choáng đến mức gần như chết đuối", Nanae Munemasa kể lại.
Nanae bắt đầu trốn học và nghĩ đến việc sống cuộc sống chỉ có riêng mình. Nanae không phải là trường hợp hiếm hoi. Nhiều học sinh trung học ở Nhật Bản tự tử vào ngày 1/9, ngày tựu trường sau kỳ nghỉ hè hơn bất kỳ ngày khác trong năm, theo số liệu tổng hợp của Văn phòng phòng chống tự tử Nhật Bản hơn 40 năm qua.
Nanae Munemasa
"Kỳ nghỉ dài cho phép bạn ở nhà và đây là thiên đường cho những người bị bắt nạt. Khi mùa hè kết thúc, bạn phải quay lại trường và lo lắng mọi việc. Tự tử là điều có thể xảy ra", Nanae chia sẻ.
Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới và đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong độ tuổi 15-39. Số liệu của chính phủ cho thấy, có 18.048 trường hợp dưới 18 tuổi tự tử từ năm 1972- 2013.
Nanae cho biết, cô trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt khi cô chuyển trường, nghĩa là bị gắn mác là học sinh... trốn học. Khi cuộc bắt nạt trở nên nghiêm trọng, Nanae đã nghĩ đến tự tử. Rất may cô đã không thực hiện.
"Tôi nghĩ đến hành động như cắt cổ tay sẽ gây ra rắc rối cho cha mẹ và tự tử sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Cuối cùng tôi quyết định nghỉ học và ở nhà gần 1 năm nay", Nanae bày tỏ.
Mẹ của Nanae, cô Mina Munemasa, đã ủng hộ quyết định của con gái mình: "Nanae đã nói những điều như 'Nếu con nhảy xuống từ tháp Tokyo, con nghĩ là con có thể bay', vì vậy tôi không nghĩ rằng trường học là một nơi mà bạn phải mạo hiểm cuộc sống của mình".
Nanae cho rằng hệ thống giáo dục Nhật Bản với tư duy tập thể là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề: "Tại Nhật Bản, bạn phải hòa mình với người khác. Nếu bạn không làm được điều đó thì bạn đang bị bỏ qua hoặc bị bắt nạt".
Tiến sĩ tâm lý trẻ em Ken Takaoka cho biết, tỷ lệ tự tử gia tăng trong ngày trở lại trường vì các trường ưu tiên hoạt động tập thể. Trẻ em nào không cùng một nhóm sẽ sống vô cùng khó khăn.
Để nâng cao nhận thức về vấn đề này, một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản còn in một tờ báo dành cho trẻ em ở nhà để tránh bị bắt nạt. Keiko Okuchi, đại diện tổ chức khẳng định, vấn đề càng trầm trọng hơn khi nền văn hóa ở đây cho rằng đi học là lựa chọn duy nhất. "Nó là địa ngục trần gian cho con người khi biết rằng các em sẽ bị bắt nạt ở trường nhưng lại không có sự lựa chọn nào khác là phải đi", cô Okuchi nói.
Hiện tại, Nanae theo đuổi đam mê của mình là ca hát và cô tham gia trong ban nhạc pop cùng với anh trai mình. Nanae hi vọng rằng vào một ngày nào đó ban nhạc sẽ có nhiều người hâm mộ và nổi tiếng trên đấu trường Budokan, Tokyo, thậm chí cả nước ngoài.
Bên cạnh đó, cô cũng cố gắng giúp đỡ người bị bắt nạt bằng cách viết blog về những gì cô đã trải qua. "Nó sẽ tuyệt vời nếu như giúp ít nhất 1 người ngừng suy nghĩ về tự tử", cô nói.
Mẹ Nanae cho biết, thời gian con gái mình trên mạng Internet là một yếu tố quan trọng trong việc giúp cô thoát khỏi sự bắt nạt. Cô đã tạo kết nối với bạn bè trong nước cũng như nước ngoài để lấy lại sự tự tin. Người lớn nói rằng internet là nguy hiểm nhưng chắc chắn một điều rằng một số trẻ em lại được cứu bởi nó.