Trao đổi với Báo Người Lao Động, Phó Tổng Tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn nhận định nhiều khả năng 2 máy bay Su-22 va quệt vào nhau khiến các phi công bị choáng, không tự chủ được nên tai nạn xảy ra.
Sáng nay 21-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết khả năng sống sót của 2 phi công máy bay tiêm kích bom Su-22 gặp nạn khi đang huấn luyện tại vùng trời gần đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) trưa ngày 16-4 vừa qua là không còn, có thể họ đã hy sinh.
Theo nhận định của Trung tướng Võ Văn Tuấn, nếu phi công nhảy dù được thì ghế lái bắn ra ngoài phải còn nguyên (vì cái ghế đã phóng khỏi buồng lái ra ngoài theo phi công). Tuy nhiên, các lực lượng cứu hộ tìm thấy một phần ghế lái của phi công đã bị vỡ. Ngoài ra đến nay (21-4), là ngày thứ 6 kể từ khi máy bay bị nạn, nếu phi công có nhảy ra ngoài được thì khả năng sống sót cũng không còn.
Song trung tướng Tuấn khẳng định: "Hiện nay các lực lượng vẫn tiếp tục tổ chức tìm kiếm, nếu các quân nhân hy sinh thì cũng phải tìm được thi thể của anh em. Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức và huy động các lực lượng với khả năng cao nhất để tìm kiếm và hy vọng thi thể anh em vẫn còn nguyên vẹn”. Phó Tổng Tham mưu trưởng cho biết các lực lượng cũng phải tìm kiếm hộp đencủa 2 máy bay bị nạn để phân tích nguyên nhân của vụ tai nạn.
Người nhái đặc công nước cùng các lực lượng phối hợp tích cực tìm kiếm. Ảnh: Hoàng Văn
Trả lời về nhận định ban đầu nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho rằng phải phân tích hộp đen mới có thể đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân của vụ tai nạn.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm, Trung tướng Tuấn cho rằng có thể có những phương án có thể xảy ra khiến 2 chiếc máy bay Su-22 gặp nạn. Phương án cả 2 chiếc máy bay Su-22 hỏng máy móc cùng một lúc là rất khó xảy ra. “Nhiều khả năng là 2 máy bay va quệt vào nhau tạo ra va đập mạnh khiến các phi công bị choáng và không tự chủ được nên tai nạn đã xảy ra” - tướngTuấn nói.
Sáng nay 21-4, việc tìm kiếm 2 chiếc Su-22 và 2 phi công bị nạn tiếp tục được tiến hành khẩn trương. Đến gần 10 giờ, qua dò tìm, lực lượng đặc công nước vớt thêm được một số mảnh vỡ, trong đó có mảnh lớn hơn 1m2. Hiện các lực lượng phối hợp gồm không quân, hải quân, đặc công nước, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư đang dồn sức nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy 2 phi công của 2 chiếc Su-22 gặp nạn. |
Trả lời về việc ở độ cao nào thì phi công có thể phóng ghế để thoát hiểm ra ngoài và có thể nhảy dù, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết thậm chí ngay cả khi máy bay đang chạy ở dưới mặt đất thì phi công cũng có thể phóng ghế ra ngoài, với độ cao 45 m là đủ để nhảy dù. “Vì vậy, độ cao của máy bay không quan trọng, theo giả thuyết ở đây có lẽ là lúc đó anh em phi công bị va đập mạnh và choáng nên không thể thực hiện được” - tướng Tuấn nói.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, 2 chiếc máy bay tiêm kích bom Su-22 mang các số hiệu 5857 và 5863 của Sư đoàn Không quân 370 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện trên vùng trời gần đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) vào khoảng 11 giờ 45 ngày 16-4.
2 máy bay Su-22 gặp nạn khi đang bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, cách đảo Phú Quý khoảng 12 km về phía Bắc thì mất liên lạc với Sở Chỉ huy.
Hai phi công gặp nạn gồm: Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Ngay sau khi 2 máy bay Su-22 mất liên lạc, Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn. Đến 14 giờ 50 phút ngày 16-4, máy bay tìm kiếm đã phát hiện tại vùng biển có tọa độ 10 độ, 36 phút, 36 giây vĩ Bắc; 108 độ, 51 phút, 30 giây kinh Đông có 4 bình dầu phụ trôi nổi và vết dầu loang trên biển.
Những ngày sau đó, các lực lượng được huy động tham gia tìm kiếm 2 chiếc máy bay Su-22 bị nạn, gồm có: Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 918 và Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân), Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công), ngư dân tỉnh Bình Thuận cùng các thợ lặn chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, sau 6 ngày khẩn trương tìm kiếm, các lực lượng mới phát hiện được 4 thùng dầu phụ, 1 động cơ máy bay, khung kính buồng lái cùng nhiều mảnh vỡ máy bay Su-22 song chưa có dấu vết gì về 2 phi công gặp nạn.