Theo các chuyên gia, các món ăn từ thịt lợn, gan lợn, trâu, bò chưa nấu chín và các thực phẩm khác như: nem thính, nem chua, thịt lợn tái, gan tái, thịt trâu bò tái...chứa rất nhiều sán gây nên các bệnh nguy hiểm.
Bệnh truyền nhiễm là bệnh thường gặp ở tất cả các châu lục nhưng phát triển mạnh ở các nước có khí hậu nóng ẩm (nhiệt đới). Bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và nhiều khi trở thành các vụ dịch với số lượng người mắc lớn. Tuy nhiên, để phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh cần phải có những kiến thức cơ bản nhất để phát hiện ra mình đang mắc hoặc có nguy cơ mắc căn bệnh truyền nhiễm nào.
Để giải đáp những thắc mắc về vấn đề này, cũng như cập nhật những công nghệ mới nhất về chẩn đoán, theo dõi, điều trị các bệnh truyền nhiễm, mới đây Bệnh viện Medlatec đã tổ chức Hội nghị: “Ứng dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lí chuyên khoa Truyền nhiễm".
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã trao đổi về các nguyên tắc điều trị, cách phòng tránh các bệnh liên quan đến sán lợn, sán lá gan. TS.BS Hồ Sỹ Triều (Trưởng khoa Điều trị - Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương) cho biết, do thói quen ăn uống chưa bảo đảm vệ sinh, ô nhiễm môi trường… là những nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân nước ta nhiễm bệnh giun sán tăng cao.
Các chuyên gia tư vấn về các phòng tránh và điều trị các bệnh truyền nhiễm tại Hội nghị.
Theo đó, sán lá gan kí sinh chủ yếu ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, chó, mèo, cừu và gây xơ hóa gan, cổ trướng, thoái hóa mỡ ở gan, dần dần sẽ dẫn đến ung thư gan…Ấu trùng sán lợn sống ký sinh ở lợn và ở người. Sán lợn gây nhức đầu, động kinh, nôn ói, rối loạn tâm thần, chèn ép tuỷ sống,…
Để đề phòng các bệnh do sán lớn, sán lán gây ra, TS Triều khuyến cáo, người dân không ăn thịt lợn, gan lợn, trâu, bò chưa nấu chín và các thực phẩm khác như: nem thính, nem chua, thịt lợn tái, gan tái, thịt trâu bò tái....
Kiểm tra chặt chẽ các lò mổ lợn, trâu, bò và loại bỏ những con vật mang ấu trùng sán. Không ăn rau sống, không uống nước lã; không nuôi lợn, trâu, bò thả rong…
Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Nguyên trưởng Bộ môn Hóa sinh - Đại học Y Hà Nội, Trưởng Ban cố vấn Cận lâm sàng - Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xác định và chẩn đoán bệnh viêm gan B.
Theo đó, để xác định người mang HBV không hoạt động, người ta chỉ dựa vào tải lượng virus thấp (HBV DNA <104 coppies/mL, ALT bình thường và HBeAg (-) tính). Nhưng gần đây, giá trị qHBsAg định lượng đã được bổ sung thêm để chẩn đoán người mang virus không hoạt động thật đối với genotype B và C (gặp chủ yếu ở Việt Nam) là < 100 IU/mL.
PGS Luật cho rằng: “Nếu không đánh giá đúng được trạng thái người mang virus không hoạt động thật trong số những người viêm gan B mạn chưa điều trị hoặc đã được điều trị được xem là mang HBV không hoạt động mà không có biện pháp can thiệp thì nguy cơ tái phát, nguy cơ xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan sẽ còn rất cao”.