Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ Mai hàng ngày vẫn phải chăm sóc chồng và 3 đứa con bị bệnh tâm thần phân liệt.
Trong lần nói chuyện với bạn bè, tôi có nghe kể về một gia đình được mệnh danh là nghèo, khổ nhất ở giữa lòng Thủ đô. Câu chuyện đó khi tôi nghe được chỉ là, có một người mẹ già đã hơn 80 tuổi, vẫn phải nuôi 3 đứa “con thơ” năm này đều đã “ngoại tứ tuần”.
Gia đình khó khăn, diện tích sinh hoạt chật hẹp, chỉ ở trong một căn phòng khoảng 15 m2…Thế rồi, tò mò trước câu chuyện bạn tôi kể, tôi quyết định tìm đến địa chỉ mà bạn tôi ghi vội ra tờ giấy, đó là ngôi nhà số 11, ngõ 135, đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình – Hà Nội).
Bà Mai và người chồng mắc bệnh hiểm nghèo không thể đi lại được nhiều năm nay.
Ngày chỉ ăn 1 bữa cơm
Quả thật, khi đến đầu ngõ 135, dừng xe lại hỏi vào nhà bà Đỗ Nguyệt Mai (sinh năm 1934) và ông Nguyễn Ngọc Tuấn (sinh năm 1933), người dân ở cả khu phố đều nói vanh vách về tiểu sử gia đình, có lẽ cái nghèo, cái đói của một gia đình có hơn 50 sống ở trong lòng thủ đô đã khiến cho gia đình bà Mai “nổi tiếng”.
Được dẫn vào tận nơi ở của vợ chồng bà Mai, đây chẳng thể gọi là một mái nhà, vì diện tích chỉ vọn vẹn có khoảng 12m2, với những đồ dùng cũ kỹ, tường vôi bong tróc và bên trong có mùi “đặc trưng” khi lâu ngày không được dọn dẹp.
Bước vào căn nhà, người đầu tiên tôi gặp và nói chuyện đó chính ông Nguyễn Ngọc Tuấn (chồng bà Mai), mặc dù đầu óc vẫn còn tỉnh táo, nhưng do phải dùng thuốc liều nặng trong thời gian dài, nên việc nói năng và ăn uống của ông Tuấn không còn hoạt bát.
Người con trai cả sinh năm 1953 bị bệnh tâm thần ở trong căn phòng vài m2 đã gần 50 năm.
“Trời đày tôi như thế, tôi khổ quá chú ạ. Tôi bị bệnh phổi nhiều năm nay, nằm đâu nằm đấy không tự sinh hoạt được, một mình bà nhà tôi lo tất đấy, mà đâu phải lo cho mình tôi, còn 3 cái miệng ăn đang chờ nữa”, ông Tuấn nói.
Nghe ông Tuấn nói chuyện, tôi cảm thấy nể phục người “vợ hiền” của ông và nghĩ chắc vợ ông Tuấn phải là người tháo vát, khỏe mạnh… Nhưng chỉ 10 phút sau khi hỏi chuyện ông Tuấn, một bà lão xuất hiện trước mắt tôi, ông Tuấn giới thiệu: “Vợ tôi đây chú ạ”.
Trong tay bà Mai lúc này đang cầm chiếc bánh mỳ, ông Tuấn giải thích ngay: “Bữa tối của tôi đấy, nhà toàn người bệnh tật, ngày chỉ ăn một bữa cơm, tối ăn bánh mỳ cho tiện, chứ cơm nấu ra cũng chẳng có thức ăn, để nguội, bỏ đi thì phí lắm”.
Sau lời giới thiệu đó, tôi đã lặng im và lòng đầy cảm phục người phụ nữ này hơn, bởi ngần ấy tuổi, cái tuổi mà đáng ra bà Mai phải được chăm sóc bởi con, bởi cháu, nhưng giờ bà lão ấy lại là nhân lực chính để chăm sóc một gia đình bệnh tật.
Khu nấu nướng, vệ sinh ngay tại căn phòng nơi chồng bà Mai ở.
Nghẹn lòng khi kể về những đứa con
Trực tiếp gặp người “vợ thảo” của ông Tuấn, tôi đã ngồi nói chuyện và tâm sự với bà lão như một người cháu, nói chuyện với bà chứ không còn khoảng cách phóng viên đi lấy tư liệu viết bài.
Chia sẻ về cuộc đời mình, bà Mai nói: “Tôi và chồng tôi là công nhân nhà máy xe điện Hà Nội, căn phòng này là nhà máy cho gia đình từ mấy chục năm trước, mặc dù có sổ đỏ, nhưng gia đình chẳng có tiền để đi lấy, bây giờ mọi thứ trong gia đình đều dựa vào hơn 2 triệu đồng lương hưu, ngoài tôi và chồng tôi ra, thì tôi còn 3 đưa “con nhỏ”.
Nghe bà cụ nói, trong đầu tôi mường tượng, những đứa con của cụ chắc vẫn còn thơ dại, nhưng câu chuyện lại hoàn toàn khác. “Hiện ngoài ông nhà tôi ốm đau nằm một chỗ, tôi có 3 đứa con bị bệnh tâm thần, thằng cả là cháu Nguyễn Ngọc Tâm (sinh năm 1953) bị tâm thần 50 năm nay, đang ở phòng bên. Còn thằng út sinh năm 1971, do gia đình khó khăn, chẳng có chỗ ở nên phải cho nó vào bệnh viện bên Sài Đồng – Long Biên ở đó. Còn một đứa nữa là thằng Giang, cũng bị tâm thần không ổn, đang làm bơm xe ngoài đầu ngõ”, bà Mai nghẹn ngào kể lại.
Căn nhà đã quá cũ nát và xập xệ.
Ngoài 3 người con bị bệnh, bà mai còn có 1 con trai đang làm lái xe mà một người con gái đi lấy chồng xa, nhưng gia đình cũng gặp khó khăn. Bởi vậy, mấy chục năm nay một mình bà Mai vẫn lầm lũi nuôi chồng và 3 đứa “con thơ”.
Bà Mai cũng không quên giới thiệu về nơi ở của người con trai cả: “Đây là chỗ cậu Tâm ở gần 50 năm rồi, tôi không dám bỏ khóa ra vì nó đi không biết đường nào mà tìm. Lúc ngủ thì không sao, nhưng lúc thức nó “hành” tôi lắm. Cũng may hàng xóm thông cảm, không thì tôi chẳng biết phải ăn nói với mọi người thế nào”.
Khi tiếp xúc với gia đình bà Mai, tôi tin chắc rắng bất cứ ai cũng không khỏi động lòng. Vẫn biết rằng, trong cuộc sống còn rất nhiều trường hợp khó khăn, những giữa lòng Hà Nội mà vẫn còn gia đình ăn lần từng bữa và hơn thế nữa là sự hy sinh của một người phụ nữ hơn 80 tuổi dành cho chồng con là quá lớn lao, không gì có thể so sánh nổi.
Mọi sự giúp đỡ của độc giả đối với gia đình bà Đỗ Nguyệt Mai xin liên hệ theo địa chỉ: - Bà Đỗ Nguyệt Mai - Sinh năm 1934 - Địa chỉ: Số 11 – Ngõ 135 – đường Hoàng Hoa Thám – Ba Đình – Hà Nội - Số điện thoại: 04 3722 2274 |