Trái ngược với những hình ảnh hào nhoáng trên sân golf, nghề caddy đòi hỏi người trong nghề phải lao động nghiêm túc, có trách nhiệm cũng như sẵn sàng tinh thần cho những khó khăn, mệt mỏi hằng ngày.
Nghề làm dâu trăm họ
Caddy, caddie, nhân viên kéo bao gậy hay làm “két” là những nhân viên phục vụ được thuê để kéo, bảo quản những bao đựng gậy đánh golf cho khách chơi golf trên sân. Tại các sân golf, hầu hết những người đảm nhận công việc này là phụ nữ. (Theo Wkipedia)
Những người làm caddy có nhiệm vụ kéo xe chở bộ gây golf theo người chơi đi từ hố golf đầu tiên đến hố thứ 18. Bộ gậy golf có trọng lượng không hề nhẹ, từ 12 đến 15kg, đòi hỏi caddy phải có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Trời nắng phải cầm dù che cho người chơi, tay không quên cầm theo bộ gậy. Trời mưa phải mặc áo mưa chạy hết sân từ tùm cây cho tới bãi đất trống để tìm bóng.
Ngoài ra, caddy cũng cần có kiến thức về bộ môn thể thao thượng lưu này: sửa lại điểm phát bóng để khách thuận lợi khi chơi, lau chùi gậy và bóng khi cần thiết, theo dõi đường bóng, ghi điểm, đánh dấu khi bóng vào lỗ… Đảm bảo theo sát mọi hoạt động để hỗ trợ người chơi khi cần thiết. Caddy làm việc theo ca, từ 4 đến 5 tiếng/ca, những lúc vắng khách thì làm các công việc khác như làm cỏ, tưới cây, phục vụ nước uống…
Để trở thành một caddy, không phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại hình mà cần phải trải qua quá trình thi tuyển, học việc rất khắt khe. Hiện nay, đa phần các sân golf yêu cầu caddy có trình độ ngoại ngữ để làm việc với khách quốc tế. Không chỉ là những bài học lý thuyết mà còn học cả địa hình sân, học cách đoán hướng gió, nhìn hướng bóng…
Chính vì phải làm việc trên sân bất kể trời nắng hay mưa, nên nghề này đòi hỏi sức khỏe cực kì tốt, di chuyển nhiều và liên tục, mỗi ngày từ vài km đến vài chục km là chuyện bình thường. Tuổi nghề này cũng chỉ kéo dài từ 3 đến 5 năm vì phải đi và đứng nhiều nên caddy thường bị các vấn đề về khớp gối, đau chân.
Dù làm việc trực tiếp với nhiều doanh nhân, người nổi tiếng, những người giàu có nhưng caddy cũng chỉ được xem là người làm nghề dịch vụ, đối diện trực tiếp với vui buồn, sự hài lòng hoặc tức giận của người chơi. Nếu may mắn gặp người chơi có tính cách dễ chịu thì caddy cũng thoải mái hơn và ngược lại, không ít trường hợp người chơi mất bình tĩnh khi đánh bóng hỏng, thua trận và sẵn sàng trút cơn giận dữ lên caddy (?!).
Để đạt mức chuyên nghiệp, caddy phải vượt qua được cảm xúc cá nhân để hoàn thành tốt công việc, đem đến sự hài lòng cho các khách chơi golf.
Thu nhập tốt nhưng nhiều thị phi
Hiện nay, tại Việt Nam, đa phần chỉ có nữ tham gia làm công việc này. Làm việc trong môi trường hằng ngày tiếp xúc với nhiều nam giới thuộc tầng lớp thượng lưu, không ít những cô gái làm nghề này bị gièm pha, dị nghị đủ điều. Không ít người cho rằng, làm caddy để có thu nhập thì ít mà để mồi chài, kiếm chồng đại gia thì nhiều. Suy nghĩ tiêu cực này khiến cho một bộ phận caddy có mặc cảm khi nhắc về công việc đang làm.
Thông thường, thu nhập của caddy cao hay thấp phụ thuộc vào tiền hoa hồng của người chơi, cộng với mức lương cứng cố định, trung bình dao động từ 12 đến 20 triệu đồng/tháng, nếu caddy giỏi và gặp được khách “sộp”, thu nhập có thể hơn 30 triệu/tháng. Để có được thu nhập tốt như vậy đòi hỏi caddy phải chuyên nghiệp và có kiến thức, không chỉ nhờ vào ăn may.
Không phải chỉ có những người xinh đẹp mới trở thành caddy.
“Thu nhập ổn định nhưng cũng phải đầu tư thời gian và công sức, nắng hay mưa chỉ cần khách còn chơi trên sân golf là caddy còn phải làm việc. Những người làm nghề này không chỉ có các cô gái trẻ độc thân thôi đâu, rất nhiều người đã có gia đình, họ làm công việc này vài năm kiếm chút ít vốn rồi chuyển sang công việc khác đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe hơn”, Hồng Anh, một caddy đang làm việc tai sân golf Sông Bé (Thuận An, Bình Dương) chia sẻ.
“Nghề này đã cực rồi còn thị phi, ai cũng nghĩ mình vào đó mồi chài đại gia mong ước đổi đời. Nhiều khi mình nói làm việc trong sân golf lại cứ bị hỏi có cặp được anh nào giàu chưa. Lùm xùm vừa rồi trên mạng liên quan đến một ca sĩ thường xuyên đi chơi golf lại càng làm cho nghề nghiệp của tụi mình bị phán xét và đánh giá”, cô cho biết thêm.
Caddy như một người bạn đồng hành cùng khách chơi golf
Cũng theo Hồng Anh, tại sân golf cô đang làm việc các caddy đều có chiều cao và ngoại hình khá bình thường, không hề hào nhoáng sang chảnh như cư dân mạng thấy. “Dãi nắng dầm mưa suốt ngày, muốn giữ vẻ đẹp cũng khó, nhiều khi còn đi bới đất, cào hố cát có khác gì nông dân đâu. Và điều quan trọng là khách chơi golf gần như chỉ tập trung vào trận đấu, cú đánh và bạn chơi cùng. Chẳng ai đi chơi golf lại chỉ để “tia” caddy cả.
Nhưng cô cũng không phủ nhận, tình trạng phát sinh mối quan hệ giữa khách và caddy không phải là chuyện hiếm có, có thể là mối quan hệ tình tiền sau mỗi trận golf. Những mối quan hệ dạng như vậy không chỉ xảy ra trong giới caddy mà cũng có thể xảy ra ở trong bất kì ngành nghề nào khác trong xã hội.