Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh 2 mảnh vỡ ở nam Ấn Độ Dương do Úc phát hiện.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 20-3, Thủ tướng Úc Tony Abbott thông báo Cơ quan An toàn hàng hải đã nhận được hình ảnh vệ tinh chụp hai vật thể ở nam Ấn Độ Dương có thể liên quan đến máy bay MH370 của Malaysia mất tích. Úc đã thông báo tin này cho Malaysia.
Hai vật thể dài 24 m và 5 m được phát hiện ở vùng biển cách TP Perth (Úc) 2.500 km. Đây là vùng biển có độ sâu hàng ngàn mét và tầm nhìn không tốt.
Tổng Giám đốc Cơ quan An toàn hàng hải Úc John Young cho biết: “Đây có thể là một đầu mối, nó có thể là chứng cứ tốt nhất mà chúng tôi có được vào thời điểm này. Nhưng chúng tôi cần phải đến đó và tìm thấy những vật thể này, nhìn thấy chúng, đánh giá chúng để xem chúng thực sự có ý nghĩa gì hay không”.
Năm máy bay gồm hai máy bay trinh sát P-3C Orion và một máy bay vận tải C-130 Hercules của Úc, một máy bay P-3C Orion của New Zealand và một máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ đã được điều động đến hiện trường nơi phát hiện hai mảnh vỡ nghi của MH370.
Sau khi Australia công bố hình ảnh vệ tinh về 2 vật thể lạ trên Ấn Độ Dương, các chuyên gia đã đặt ra cô số câu hỏi nghi vấn xung quanh sự việc này.
Australia vừa công bố hình ảnh vệ tinh hai vật thể nghi là mảnh vỡ của chuyến bay MH370
1. Khi nào chúng ta biết hai vật thể ở phía nam Ấn Độ Dương có phải là mảnh vỡ của phi cơ MH370 hay không?
Tổng Giám đốc Cơ quan An toàn hàng hải Úc John Young nói rằng vấn đề này phải mất một thời gian dài, 2-3 ngày để tìm và xác minh.
“Chúng tôi phải xác định chúng, xác nhận đó là mảnh vỡ máy bay, trục vớt và sau đó đưa về Austraila. Do vậy việc xác nhận sẽ mất nhiều thời gian”, ông Young nói.
2. Các mảnh vỡ của MH370 vẫn còn trôi nổi?
Steve Wallace, cựu quan chức về điều tra tai nạn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết, nếu máy bay bị rơi xuống biển, nhiều khả năng nó sẽ không trôi nổi trên mặt nước như bây giờ. Chỉ những đồ vật nhỏ như là chiếc áo phao hay ghế ngồi chứ không phải là khung máy bay mới có thể nổi lên được trên mặt biển.
3. MH370 có thể bay xa như vậy không?
Mitchell Casado, một chuyên gia về phi cơ Boeing 777-200, nói rằng máy bay MH370 có khả năng bay đến khu vực Australia đang tìm kiếm tại phía nam Ấn Độ Dương. Theo Casado, phi cơ mất tích có thể đã gặp nạn sau khi dùng hết nhiên liệu. Thông thường, một chiếc Boeing 777 có thể bay từ 16 đến 18 tiếng nếu được nạp đầy nhiên liệu. Tuy nhiên, người ta đã không nạp đầy nhiên liệu cho máy bay MH370.
Các chuyên gia dự đoán mất khoảng 48 tiếng để xác minh vật thể này có phải của máy bay mất tích hay không
4. Đội tìm kiếm ở Ấn Độ Dương đã tìm thấy những gì?
Australia cử 4 máy bay trinh sát và hai tàu tới khu vực để tìm kiếm vật thể. Bên cạnh đó, một máy bay Orion của không quân New Zealand và một chiếc P8 Poseidon của hải quân Mỹ cũng được điều tới hiện trường nhưng không phát hiện được gì đáng kể.
Một tàu chở hàng của Na Uy cũng tham gia tìm kiếm vào chiều 20/3 cho đến tận tối nhưng không tìm thấy gì.
Công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu, mây, mưa làm cho tầm nhìn bị hạn chế. Ngoài ra, khu vực này là nơi hẻo lánh và ít tàu buôn, máy bay qua lại. Được biết, Trung Quốc và Malaysia cũng sẽ gửi tàu đến khu vực Nam Ấn Độ Dương.
5. Nếu 2 mảnh vỡ này không phải của MH370 thì nó là cái gì?
Peter Marosszky, chuyên gia hàng không thuộc Đại học New South Wales ở Sydney, cho hay, những vật thể trên có thể là "một vài trong số hàng nghìn mảnh vỡ container trôi nổi trên Ấn Độ Dương".
Cũng cùng quan điểm trên, ông John Blaxland, từ Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại Đại học quốc gia Úc nói với CBC News rằng ông cũng nghi ngờ các vật thể chỉ là mảnh vỡ container.
Sẽ rất khó tìm dù chúng là gì đi nữa. Blaxland cho biết thêm: "Bức ảnh này đã được chụp bằng vệ tinh đã 4 ngày, điều đó có nghĩa là các vật thể này đã có thể bị trôi đi theo dòng chảy. Chúng có thể đã trôi xa khỏi đó hoặc đã bị nhấn chìm".
Australia cử 4 máy bay trinh sát hàng hải đường dài P-3 Orion tới khu vực trên để kiểm tra.
6. Nếu MH370 đã bay đến Ấn Độ Dương, điều gì đã xảy ra đối với chuyến bay đó?
Robert Goyer, tổng biên tập của tạp chí Flying và từng là phi công máy bay thương mại, cho biết, nếu đó thực sự là mảnh vỡ của chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines, vị trí của những mảnh vỡ chụp từ vệ tinh do Úc phát hiện sẽ cung cấp những bằng chứng quý giá cho các nhà điều tra trong việc tìm ra sự cố khiến MH370 gặp nạn.
“Vị trí mảnh vỡ sẽ cung cấp một vài thông số quan trọng, hy vọng có thể tìm thấy được chiếc máy bay ở khoảng cách khoảng 6.400 km từ nơi chiếc máy bay bất ngờ chuyển hướng sang phía Tây trong đó manh mối rõ ràng nhất là phi cơ đã bay trong nhiều giờ”, Goyer nói.
7. Hình ảnh trên vệ tinh do Úc phát hiện cho thấy điều gì?
Ông John Young, lãnh đạo Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA), cho hay hình dáng vật thể tương đối không rõ ràng trên ảnh vệ tinh, nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng chúng "cho thấy đáng tin cậy".
Mảnh vỡ lớn nhất được xác định dài tới 24 m, ông nói trong cuộc họp báo trưa nay. "Các dấu hiệu cho thấy các vật thể có kích cỡ đáng kể và có thể đang trôi dạt, nước trồi lên sụp xuống trên bề mặt của chúng".
Kích cỡ vật thể, cũng như việc có một số vật cùng hiện diện tại một khu vực tạo cơ sở cho giả thiết rằng chúng có thể là mảnh vỡ của MH370. Vùng biển tại khu vực tìm kiếm "sâu vài nghìn mét" và tầm nhìn kém trong khu vực sẽ cản trở cuộc tìm kiếm, dù thời tiết ôn hòa, ông Young nói.
Ông Young cho biết: “Đây có thể là một đầu mối, nó có thể là chứng cứ tốt nhất mà chúng tôi có được vào thời điểm này. Nhưng chúng tôi cần phải đến đó và tìm thấy những vật thể này, nhìn thấy chúng, đánh giá chúng để xem chúng thực sự có ý nghĩa gì hay không”.
Khu vực phát hiện các vật thể được cho là có liên quan đến MH370
8. Những hình ảnh vệ tinh này được chụp từ khi nào?
Những hình ảnh vệ tinh về 2 mảnh vỡ đáng nghi được công ty DigitalGlobe chụp được vào ngày 16/3.
9. Tại sao đến 20/3 mới công bố các hình ảnh này?
Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) hôm qua đưa ra thông báo giải thích về việc tại sao nhà chức trách mất nhiều thời gian mới có hành động cụ thể đối với những bức ảnh vệ tinh, dù chúng được chụp từ hôm 16/3.
"Do khối lượng hình ảnh cần tìm kiếm và quá trình phân tích các chi tiết, AMSA mới nhận được thông tin đáng chú ý vào sáng 20/3", thông báo cho hay.
10. Làm thế nào để phỏng đoán được khu vực tìm kiếm?
Khu vực phía nam là nơi các nhà tìm kiếm tin có khả năng nhất tìm thấy máy bay mất tích. Các quan chức của Mỹ cũng cho rằng, hành lang phía nam là nơi khả dĩ nhất.
Ngoài ra, các nhà tìm kiếm còn sử dụng một số thuật toán để thu hẹp diện tích tìm kiếm và đó là lý do tại sao hình ảnh vệ tinh phát hiện hai vật thể khả nghi.
Màu vàng trên bản đồ, khu vực Australia đang tìm kiếm 2 vật thể lạ nghi là mảnh vỡ của MH370 (Ảnh: AMSA)
11. Ai đang dẫn đầu công cuộc tìm kiếm ở Ấn Độ Dương?
Australia đang dẫn đầu trong cuộc tìm kiếm tại khu vực Ấn Độ Dương mà vệ tinh chụp lại 2 vật thể đáng nghi trôi nổi trên biển.
Giới chức Malaysia vẫn đang bao quát tổng thể cuộc tìm kiếm này.
12. Đến khi nào mới nối được tín hiệu với hộp đen MH370?
Ông Michael Daniel, một chuyên gia về hưu của Cục hàng không liên bang Mỹ nói với The Straits Times: "Nếu hộp đen của chiếc máy bay mất tích vẫn còn, sóng siêu âm sẽ dò ra tín hiệu. Điều này sẽ cần đến khoảng 48 giờ nhưng tất cả phụ thuộc vào khoảng cách từ các tàu tìm kiếm tới vật thể xa hay gần".
Pin của hộp đen thông thường có thể chạy trong 30 ngày.