Những điều cần lưu ý khi đi tảo mộ tiết Thanh minh để tránh bị phạm!

Ngày 05/04/2022 21:00 PM (GMT+7)

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, năm nay Tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 05/3 âm đến ngày 20/3 âm và sang ngày 21/3 âm là ngày đầu của Tiết Cốc Vũ. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi đi tảo mộ theo quan niệm phong thủy và tâm linh.

Nghe audio
0:00
0:00

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà - Tổng Giám đốc tại Công Ty Phong Thuỷ VNN cho biết, mỗi dịp Thanh Minh, mọi người luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận. Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong "đạo thờ ông bà" của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống.

Tiết Thanh Minh thường bắt đầu từ ngày 5/4 dương và kết thúc ngày cuối là 19/4 dương, ngày 20/4 dương đã chuyển sang tiết Cốc Vũ vì thế năm nay tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 05/3 âm đến ngày 20/3 âm và sang ngày 21/3 âm là ngày đầu của tiết Cốc Vũ.

Năm nay tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 5/3 âm đến ngày 20/3 âm. Ảnh minh họa

Năm nay tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 5/3 âm đến ngày 20/3 âm. Ảnh minh họa

Thường thì sau ngày Tảo mộ trong tiết Thanh Minh mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó. Nhưng khi đi tảo mộ cần chú ý:

1. Không nên đi cúng tế ở nơi hẻo lánh, tốt nhất nên đi những đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm nhất là người yếu bóng vía, người huyết áp thấp. Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm tà khí, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.

2. Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành, trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

3. Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi, đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. Khi làm mới lại diện mạo của mộ phần, trong lòng nhất thiết phải thật cung kính.

4. Khi tảo mộ, không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Đặc biệt là những trẻ vị thành niên lại càng cần phải chú ý.

5. Nếu như con gái đi tảo mộ, tốt nhất là tránh trong thời kỳ hành kinh. Phụ nữ có thai cũng không nên đi tảo mộ. Người đang bị nhiễm phong hàn, đau nhức xương khớp không nên ra mộ, nên vái vọng.

6. Những bạn có khí chất yếu, tốt nhất là về nhà bước qua chậu lửa nam 7 lần và nữ 9 lần hoặc rắc nước lá bưởi để xóa bỏ năng lượng xấu, hàn khí. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta rất hay thấy có người đi tảo mộ về bị sốt hoặc cảm thấy không khỏe, cũng có thể dùng cách này để tránh.

7. Bởi vì tảo mộ cũng thường là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.

8. Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ. Theo phong thủy, nếu như xung quanh mộ có nước (nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ) sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau.

9. Bệnh nhân mới khỏi Covid chưa được 7 ngày hoặc người vừa sinh con chưa đủ 3 tháng tuyệt đối không nên trực tiếp ra mộ cúng tảo mộ Thanh Minh vì làm như vậy rất không tốt cho sức khỏe cá nhân về lâu về dài. Khi cơ thể còn yếu như vậy ra mộ sẽ gây hại phế và hại thận gây di chứng lâu dài về sau.

Công việc trong lễ tảo mộ là dọn dẹp sạch sẽ cho phong quang, thoáng đãng mộ phần của người mất. Là mộ đất có thể đắp lại nấm cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng là cách giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ. Các cụ già thì lo việc cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ.

Theo tâm linh thì "phương tiện" để con cháu tưởng nhớ, kết nối với gia tiên là bàn thờ và mộ phần. Bàn thờ và mộ phần tổ tiên được chăm sóc tốt và đúng cách con cháu sẽ được phù hộ. Nếu không con cháu có thể bị ảnh hưởng, bởi "âm siêu, dương thái" – nghĩa là phần âm có nhẹ nhàng siêu thoát thì các cụ mới phù hộ được cho con cháu.

Lễ tảo mộ không chỉ tạ các cụ nhà mình, mà nên hiểu đủ là tạ ơn quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó. Con cháu không chỉ quan tâm tới các cụ gần đời mình (như cha mẹ, ông bà tới tam đại, tứ đại), mà ỉ cho trưởng họ, trưởng chi lo cho các cụ cao hơn (gọi là cao tằng tổ tỉ), bởi đó là một thiếu sót lớn vì không có các cụ lớn thì sao có các cụ gần.

Do đó khi đi tảo mộ hãy lưu tâm đến tất cả các cụ trong dòng họ. Cũng cần lưu ý không nên chỉ thắp hương mỗi mộ nhà mình mà các ngôi mộ bên cạnh các cụ cũng nên "thăm hỏi". Nếu có những ngôi mộ vô chủ cũng cần thắp cho "họ" nén hương.

Ở nghĩa trang có nơi thờ thần linh, thổ địa riêng thì phải bày lễ hai nơi và tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh thích ứng. Khi tảo mộ nên dâng mâm cỗ ở miếu thần linh, trong đó có xôi, gà (giò hoặc trống thiến nguyên con bày trên xôi). Lễ tảo mộ truyền thống, cần sắm lễ hoa quả đơn giản (hương, nước, hoa tươi, trầu cau, hoa quả, thuốc lá, chè, rượu trắng (kèm chén đựng rượu 5 cái), nến cốc màu đỏ. Có thể dùng vàng mã, hoặc tùy vong linh mà dùng áo quần mã phù hợp cúng tiến. Nhưng không nên dùng nhiều vàng mã.

Điều quan trọng trong việc tảo mộ là thể hiện lòng quý kính, tưởng nhớ người đã khuất và nguyện làm những điều thiện lành, hồi hướng công đức cho họ. Bởi vậy, nghi lễ tảo cũng không cần làm quá linh đình, tốn kém. Cũng không nặng về hình thức, đốt vàng mã nhiều gây lãng phí.

Những lưu ý với người đi tảo mộ

Các nhà tâm linh cho rằng, việc tảo mộ là điều cần thiết nhưng không phải ai cũng nên đi. Ai muốn đi tảo mộ trước hết hãy chú ý tới tình trạng sức khỏe của mình. Những phụ nữ có thai, người ốm yếu, đau bệnh, phụ nữ đang kỳ "đèn đỏ", trẻ em dưới 10 tuổi… không nên tới mộ phần, nghĩa trang. Bởi những đối tượng này rất dễ bị nhiễm âm khí, phong hàn, hoặc một số bệnh thời khí…

Khi đi tảo mộ cần lưu ý không nên nô đùa, ngồi lên những ngôi mộ vì bị coi là bất kính. Đặc biệt không tranh thủ ngồi thiền, tập dưỡng sinh, thể dục ở đó vì uế khí dễ xâm nhập vào cơ thể. Mọi người cần lưu ý không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang, vì có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, lạnh bụng, chưa kể đến vấn đề tần số tâm linh. Tốt nhất là khi đi tảo mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các khí và âm khí bám vào người và quần áo…

8 điều kiêng kị tuyệt đối không làm vào Tết Thanh minh theo quan niệm xưa
Tết Thanh minh đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Theo quan niệm xưa, ngày lễ này có một số điều kiêng kị mà bạn nên...

Tin tức 24h

Theo PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h