Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, ghi tên cha mẹ lên mẫu CMND mới, quan tài không được dùng nắp kính... là những quy định gây nhiều phản ứng từ phía dư luận trong năm qua.
Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm
Ngày 28/2, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an đã xây dựng dự thảo thông tư liên tỉnh quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy.
Theo đó người điều khiển các phương tiện trên đội mũ bảo hiểm thời trang, mũ nhái mà không có tem CR hợp chuẩn cũng sẽ bị xử phạt như mức không đội mũ bảo hiểm. Quyết định này nếu thực hiện nghiêm sẽ có tác dụng lớn đối với người dân cũng như xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất ngang nhiên mũ bảo hiểm rởm.
Mức phạt với người đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Mũ bảo hiểm giả bày bán tràn lan và một số người thường sử dụng vì giá rẻ và thời trang (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, sau khi có ý kiến nhiều chiều từ dư luận và các chuyên gia, Bộ Tư pháp đã lên tiếng khẳng định, Thông tư 06 phải tạm dừng và chưa thể có hiệu lực từ ngày 15/4 như dự kiến vì căn cứ xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là thiếu thuyết phục. Hiện việc quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm chưa tốt. Nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn... người dân rất khó phát hiện, phân biệt, thậm chí là rất khó đối với cả lực lượng cảnh sát giao thông.
Mẫu CMND mới có khai tên cha mẹ ở mặt sau
Theo ngành công an, việc công khai danh tính cha, mẹ nhằm giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng, quy định ghi tên cha mẹ sẽ gây ra phiền toái. Theo ông Lộc, có nhiều người do hoàn cảnh gia đình, thiếu bố hoặc mẹ, thì sẽ phải bỏ trống, có những trường hợp bố mẹ là tội phạm sẽ tạo cho họ sự mặc cảm. “Có những người 60-70 tuổi nay đổi chứng minh nhân dân (CMND) thì cũng phải khai cả tên cha mẹ, dù cha mẹ họ đã mất từ rất lâu rồi thì không rõ việc này có tác dụng gì”, ông Lộc băn khoăn.
Mẫu CMND mới có khai tên cha mẹ ở mặt sau.
Theo cơ quan công an cho biết, đối với các trường hợp nhạy cảm như không rõ bố mẹ, bố mẹ đã mất hoặc không nhớ tên thì không nhất thiết phải khai trên CMND.
Nhưng chính vì lẽ đó mà rất nhiều người băn khoăn: đối với những trường hợp đặc biệt như con ngoài giá thú, trẻ mồ côi, con sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm... hay vì bất kỳ một lý do gì mà không thể khai tên cha mẹ, bình thường đã tự ti, thêm một tấm CMND trống vắng nữa lại đang khiến họ tư ti hơn nhiều lần.
Thu phí hạn chế phương tiện cá nhân
Đầu tháng 1/2012, cho rằng sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm tại các thành phố trên. Lý giải cho đề xuất trên, đơn vị đầu ngành giao thông cho rằng, làm vậy là để lấy quỹ để đầu tư lại xây dựng đường bộ.
Theo phương án thu phí lưu hành phương tiện được Bộ Giao thông trình Chính phủ lúc đó, chủ sở hữu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng), có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống mức phí 20 triệu đồng/năm. Dung tích trên 2.000 - 3.000 cm3 mức phí 30 triệu đồng/năm, dung tích trên 3.000 cm3 mức phí 50 triệu đồng/năm.
Với xe máy Bộ Giao thông cũng đề xuất thu loại xe có dung tích dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm, loại dung tích từ 175 cm3 trở lên mức phí 1 triệu đồng/năm. Đề xuất thu phí này cùng với Quỹ Bảo trì đường bộ đã được trình Chính phủ để thu vào đầu tháng 1/2013 đã thật sự gây bức xúc cho dư luận. Trong suốt một thời gian dài nhiều ý kiến bạn đọc, các chuyên gia, thậm chí đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng phản ứng về “đòi” hỏi này của Bộ Giao thông vận tải. Sau đó, đến giữa tháng 10 đề xuất này mới bị “để lại” do chủ một phương tiện ô tô, xe máy đã phải gánh đến cả 9-10 loại thuế.
Quan tài không được dùng nắp kính
Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức mà Bộ VH,TT&DL chủ trì soạn thảo là “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” với lập luận “để tránh việc nhìn vào thi thể đã để mấy ngày, tránh ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dự tang lễ”.
Song, ngay lập tức, quy định này đã bị dư luận phản đối bởi một việc làm rất riêng tư, truyền thống và thiêng liêng liên quan đến quyền được nhìn mặt lần cuối người đã khuất, lại được đưa vào khuôn khổ pháp luật. Và rốt cục, văn bản này cũng bị cơ quan chức năng kiến nghị hủy bỏ.
Cấm quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông
Ngày 23/8, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường bộ, đường sắt (C67, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội – Bộ Công an) đã có Công văn hủy điểm 2 Công văn số 1042/C67-P3 ngày 26/4/2013 liên quan đến việc ‘cấm công dân và nhà báo quay phim chụp ảnh khi CSGT đang làm nhiệm vụ’.
Trong văn bản này có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Pháp luật không cấm việc quay phim chụp ảnh CSGT “hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm”. (Ảnh: Tiền Phong)
Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Mặc dù văn bản nêu trên mục đích nhằm “xử lý” hành vi giả danh nhà báo tuy nhiên, ngôn ngữ trong văn bản thiếu rõ ràng gây khó hiểu hoặc khiến dư luận hiểu nhầm là C67 "cấm công dân và nhà báo chụp ảnh, quay phim CSGT làm nhiệm vụ nếu không được sự cho phép".
Sau khi nội dung văn bản được công bố, dư luận đã có phản ứng quyết liệt với nội dung này. Ngay sau đó, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đã vào cuộc và khẳng định văn bản trên "có dấu hiệu trái luật".
Phạt đến 1 triệu đồng nếu bán thuốc lá mà không đăng ký
Điều 26 của Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 15/08/2013 quy định, muốn kinh doanh, bán lẻ thuốc lá, phải đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 03 m2 trở lên.
Thêm vào đó, cơ sở bán lẻ thuốc lá phải có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phạt 200.000 đến 1 triệu đồng nếu bán thuốc lá mà không đăng ký
Dễ thấy, với quy định trên, những quán hàng lưu động như quán trà đá, xe bán hàng rong, …sẽ không được bán thuốc lá. Nếu chiếu theo quy định về giấy phép kinh doanh theo nghị định 06/2009, những người xe hàng rong sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Quy định nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại vô lý với thực tiễn đặt ra. Đến nay, chính quyền vẫn bất lực trong việc xử phạt những người bán thuốc lá lưu động.
Xem thêm bài Top sự kiện nóng 2013: Top 5 sự kiện quốc tế đáng chú ý trong năm 2013 Những tai biến sản khoa chấn động năm 2013 Những vụ bạo hành trẻ gây phẫn nộ năm 2013 |