Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là phụ nữ đang mang thai phải hết sức chú ý để bảo vệ sức khỏe.
Theo các chuyên gia, đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất khi thời tiết nắng nóng. Chủ yếu các bệnh thường mắc phải là do thói quen sinh hoạt hàng ngày của mọi người.
Người già dễ đột quỵ
Chia sẻ với phóng viên về tình hình bệnh nhân tới khám và điều trị bệnh trong những ngày nắng nóng, TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền – Phó trưởng khoa Khám bệnh (BV Lão khoa Trung ương) cho biết, tình trạng nắng nóng kéo dài trong thời gian qua khiến bệnh nhân đến khám gia tăng đáng kể, điều này tiềm ẩn nguy cơ tai biến mạch máu não rất cao đối với người cao tuổi.
“Trong những ngày này, bệnh nhân đến khám chủ yếu là các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch …vì thế chúng tôi vừa khám vừa phải tư vấn cho bệnh nhân, đặc biệt là trong các thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Người cao tuổi đến khám bệnh tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương gia tăng trong những ngày nắng nóng.
Thông thường, những người cao tuổi trong khi sử dụng điều hòa thường hay quên, điều này là hết sức nguy hiểm. Đối với những người lớn tuổi, để an toàn cho sức khỏe, tốt nhất nên tắt điều hòa trước khi ra khỏi phòng ít nhất 15 phút, để tránh tai biến vì thay đổi môi trường đột ngột”, BS Huyền khuyến cáo.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong thời tiết nóng nực như hiện nay, người già nên uống đủ nước (1,5-2 lít), không đợi khát mới uống và không nên uống nước có gas, có cồn. Ngoài ra, người già chú ý chế độ ăn uống đầy đủ với nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bữa ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng để phòng bệnh.
Đặc biệt, khi gặp sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm, bệnh tai biến mạch máu não thường xảy ra vì thế, người già khi ra đường cần phải đội mũ, nón rộng vành, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân. Các hoạt động thể dục ngoài trời cần được điều chỉnh thời gian hợp lý để tránh những cú “sốc” về nhiệt độ, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Đề phòng cảm lạnh, viêm đường hô hấp ở trẻ
Đó là cảnh báo của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai). Theo PGS Dũng, nhiều người cho rằng bị cảm lạnh trong mùa hè là vô lý. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng này, số trẻ nhập viện do bị cảm lạnh tăng khá mạnh.
Theo giải thích của PGS Dũng, sở dĩ trẻ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp là do phụ huynh cho trẻ ngủ ở nơi lộng gió, sử dụng quạt thốc thẳng vào mặt hoặc nằm ngủ trong phòng có điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Nắng nóng khiến trẻ ra nhiều mồ hôi hơn trong khi người lớn sợ trẻ lạnh lại trùm kín quá mức, nhất là với trẻ sơ sinh, gây đổ mồ hôi ngấm ngược vào cơ thể.
Phụ huynh lấy phiếu khám bệnh cho con tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Phương.
Ngoài ra, sai lầm thường hay gặp nhất đó chính là sử dụng quạt hơi nước, phun sương cho trẻ. Hoặc nhiều nhà sử dụng điều hòa nhưng vẫn để thêm một chậu nước trong phòng. Điều này rất nguy hiểm vì đang nóng lại cho hơi nước vào, hơi nước sẽ thu hút các bụi bẩn, vi trùng gây bệnh.
Để đề phòng cảm lạnh cho trẻ trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh khi lắp điều hòa cần phải có quạt thông gió để tốc độ gió luân chuyển tốt. Nhiệt độ trong phòng điều hòa để không cách biệt quá 5oC đối với nhiệt độ ngoài trời. Thường xuyên mở cửa sổ đổi gió để đảm bảo trao đổi đối lưu giữa không khí trong và ngoài.
Thường xuyên cho trẻ uống nước để vừa giảm nóng vừa bù lượng nước bị mất do tiết mồ hôi. Nên cho trẻ uống nước lọc, đặc biệt uống thêm nước trái cây tươi để bổ sung vitamin, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể…
Nguy cơ tiền sản giật ở phụ nữ mang thai
Theo các chuyên gia, với thời tiết nắng nóng như hiện này, phụ nữ mang thai phải đối diện với nguy cơ tiền sản giật rất cao. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này đó chính là tình trạng thiếu nước trong cơ thể.
Ths.BS Trần Danh Cường - Phó trưởng khoa Sản I - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, nhiệt độ môi trường thay đổi làm thay đổi sự chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, cơ thể bị mất nước qua mồ hôi, qua hơi thở mà không được bồi phụ đủ dẫn đến rối loạn chuyển hóa muối và nước ở những phụ nữ bị bệnh thận, tăng huyết áp mang thai làm cho mạch máu bánh rau co lại, dẫn đến thiếu máu bánh rau, tiền sản giật và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi.
Khu vực khám bệnh tại BV Phụ sản Trung ương trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Lê Phương.
Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở phụ nữ có thai cũng được cảnh báo rất rõ do cơ thể không được bồi phụ đủ nước dẫn đến không bài tiết được nước tiểu gây ra hậu quả dọa đẻ non và đẻ non. Uống ít nước còn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiểu ối ở phụ nữ mang thai.
Để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ có thai trong những ngày nắng nóng, BS. Cường khuyến cáo, vấn đề quan trọng nhất là uống đủ nước mỗi ngày nhằm bù vào lượng nước đã mất đi, tránh được những hậu quả do rối loạn chuyển hóa muối - nước gây ra vì đây là nguồn gốc gây ra tất cả những rối loạn ảnh hưởng đến bà mẹ và em bé.
Ngoài việc uống nhiều nước, khoảng 1,8 đến 2 lít nước/ngày, phụ nữ có thai cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân như chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý đảm bảo sức khỏe, không nên đi ra đường vào thời điểm nhiệt độ tăng cao như giữa trưa.