Theo các chuyên gia bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm COVID-19, tuy nhiên một số ngành nghề đặc thù nguy cơ nhiễm bệnh sẽ cao hơn.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện tại, điểm nóng của dịch bệnh này đang là một số quốc gia ở châu Âu, đặc biệt là Ý. Tại Việt Nam đã ghi nhận 35 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 16 ca đã được điều trị khỏi. Các chuyên gia nhận định, trong những ngày tới có thể số ca nhiễm sẽ gia tăng.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, có mức độ lây lan nhanh, vì vậy cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt là những nơi đông người, những nghề nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao.
PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết COVID-19 lây từ người qua người theo đường hô hấp, qua các giọt bắn nước mọt hoặc dịch tiết mũi họng khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua một số bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, thiết bị điện tử, tay nắm cửa…
Việt Nam đã ghi nhận trường hợp trẻ 3 tháng tuổi nhiễm COVID-19.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng ai cũng có thể nhiễm virus này. Thực tế ở Việt Nam đã ghi nhận các ca mắc từ trẻ 3 tháng tuổi, trẻ vị thành niên, người trưởng thành, người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Trong đó, tỷ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh có tỷ lệ thấp, đối tượng nguy hiểm nhất khi mắc bệnh là người cao tuổi có sẵn các bệnh lý mãn tính như huyết áp, tim mạch, phổi, tiểu đường…
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế ngoài việc cả cộng đồng chung tay để phòng và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, một số ngành nghề đặc thù có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao cũng cần phải đặc biệt chú ý, thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế. Một số ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao, đó là:
1. Nhân viên y tế, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch
Để ngăn chặn dịch bệnh, cũng như điều trị cho những bệnh nhân dương tính với COVID-19, các nhân viên y tế đóng vai trò chủ chốt. Chính việc tiếp xúc gần với người bệnh, hoặc các mẫu bệnh phẩm của người bệnh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đối với nhân viên y tế.
Người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Tại Việt Nam chưa ghi nhận ca lây nhiễm chéo nào từ người bệnh sang nhân viên y tế, nhưng bài học tại Vũ Hán (Trung Quốc) nơi bùng phát dịch cho chúng ta thấy rất rõ điều này. Tại đây, đã có rất nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm, thậm chí tử vong. Bởi vậy, việc thực hiện phòng hộ theo hướng dẫn của Bộ Y tế là rất quan trọng.
2. Cán bộ hải quan, nhân viên làm việc tại các cửa khẩu
Đây là công việc tiếp xúc trực tiếp với những người đi về từ các vùng dịch, trong đó có những người có thể đang trong thời gian ủ bệnh hoặc đã xuất hiện triệu chứng bệnh. Vì thế, khi tiếp xúc gần nếu không được bảo hộ và phòng bệnh đúng cách nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ rất cao.
3. Người điều khiển, làm việc trên các phương tiện giao thông công cộng
Đặc thù của những người điều khiển phương tiện giao thông công cộng như lái xe buýt, taxi, xe ôm công nghệ… là tiếp xúc với nhiều người, nên nguy cơ lây nhiễm sẽ cao.
Khuyến cáo phòng bệnh cho tài xế và người tham gia trên các phương tiện giao thông công cộng.
Tại Việt Nam đã ghi nhận trường hợp tài xế dương tính với COVID-19 khi chở bệnh nhân thứ 17 ở Việt Nam. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong môi trường kín như taxi, khi bật điều hòa và đóng kín cửa thì nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn bình thường.
4. Nhân viên hàng không, thuyền viên, nhân viên đường sắt
Giống như những người điều khiển phương tiện giao thông công cộng, những nhân viên hàng không, đường sắt tiếp xúc với nhiều người. Hơn nữa với đặc thù lưu thông nhiều quốc gia nên nguy cơ càng cao hơn.
Điển hình như chuyến bay VN0054 vừa qua, đã có 13 ca dương tính với COVID-19 khi cùng đi trên chuyến bay này. Sau đó toàn bộ phi hành đoàn đã được cách ly để theo dõi, đến thời điểm hiện tại toàn bộ phi hành đoàn có kết quả xét nghiệm âm tính.
Khuyến cáo phòng bệnh tại nơi làm việc cho các ngành nghề để phòng bệnh dịch COVID-19.
5. Người làm việc tại các khu dịch vụ
Người làm ở khu dịch vụ như chợ, siêu thị, khách sạn, công viên, trung tâm thương mại… tiếp xúc với rất nhiều người. Trong trường hợp người làm việc ở đây dương tính sẽ là nguồn lây rất nguy hiểm ra cộng đồng. Bởi vậy, việc truyền thông, phòng bệnh tại các khu dịch vụ luôn được đặc lên hoàng đầu.
Việt Nam đã ghi nhận nhân viên khách sạn tại Khánh Hòa dương tính với COVID-19 sau khi tiếp xúc với người bệnh. Mới đây nhất là ca bệnh thứ 35 là nhân viên siêu thị điện máy được xác định dương tính sau khi tiếp xúc với 2 công dân Anh khi vào siêu thị mua đồ.
Trong thời điểm hiện tại Bộ Y tế khuyến cáo những người làm ngành nghề có nguy cơ cao, cũng như toàn cộng đồng hãy nâng cao ý thức phòng bệnh. Đặc biệt khi đi từ vùng có dịch về, khi tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm bệnh hoặc có biếu hiện bệnh như: sốt, ho, đau họng, khó thở thì nên trung thực khai báo.