Cách đây không lâu, nhiều mặt báo xôn xao chuyện một nữ công nhân tên Linh (16 tuổi, ở Bình Dương) tự sinh con rồi vứt con vào thùng rác.
Chuyện tự sinh rồi vứt con như Linh chẳng phải “xưa nay hiếm”, trước đó cũng đã có nhiều trường hợp tự sinh rồi vứt con ra gò mả, thùng rác nhà vệ sinh… khi mà hài nhi miệng vẫn còn ngậm rau thai, máu me vẫn còn dính đầy trên người.
Tâm trạng của những bà mẹ bất đắc dĩ trên thường hoảng loạn, sa sút tinh thần, chưa kể tính mạng nguy hiểm vì những tai biến sản khoa…, nhưng tại sao những chuyện như vậy vẫn liên tục xảy ra và với mật độ ngày càng dày?
Lời kể của những người đi nhặt thai nhi
Trong những ngày tôi đi tìm hiểu câu chuyện của cô bé Linh (cũng có lúc gọi là Lan hoặc Vinh, 16 tuổi, quê Nghệ An, làm công nhân KCN Sóng Thần, Bình Dương, tự sinh con rồi vứt con vào thùng rác của nhà trọ), tình cờ tôi gặp cô Võ Thị Ngọc Hương. Cô Hương đang là hộ lý của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em Bình Dương. 11 năm đi làm hộ lý, cô Hương kiêm thêm nhiệm vụ nhặt những hài nhi bị chối bỏ đem chôn cất. Cô Hương cũng là người chăm sóc con của Linh, đứa con mà nếu như những cô y tá của một bệnh viện gần đó không phát hiện sớm thì đã thành… rác thật.
Xóm vọng phu Xóm trọ ở khu phố 8, P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, gần KCN Đại Đăng còn có tên gọi khác là “xóm vọng phu”. Nơi đây tập trung những bà mẹ công nhân đơn thân, những người dũng cảm sinh con ra mà không nỡ vứt bỏ. Họ từ khắp các tỉnh về Bình Dương làm công nhân, trẻ nhất ngoài 20 tuổi, lỡ yêu rồi có con, không chịu nổi điều tiếng gièm pha, những bà mẹ đơn thân tập trung về đây “lập xóm” và mọi người quen gọi là “xóm vọng phu”. |
Cô Hương nhớ lại: Ngày hôm đó, sắp hết ca trực, cô thu xếp chuẩn bị về thì được ban giám đốc trung tâm gọi lên giao nhiệm vụ chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh. “Lúc đó bác sĩ dặn phải chăm sóc thật kỹ dù không có cha mẹ của đứa trẻ ở đây. Đứa trẻ bị thiếu máu, da vàng, ngày mới tiếp nhận, sức khỏe của đứa trẻ không tốt lắm. Bằng kinh nghiệm bao năm làm hộ lý, tôi đoán có thể trong quá trình mang bầu, mẹ của bé không ăn uống đầy đủ chất. Thật vậy, hôm sau tôi được thông báo bé trai chính là con của cô bé 16 tuổi, tự sinh con rồi vứt thùng rác” - cô Hương bần thần.
11 năm đi làm hộ lý, cô Hương bế lên tay không biết bao nhiêu đứa trẻ, nhưng tự tay cô cũng không biết đã từng phải chôn cất bao nhiêu hài nhi của những công nhân “trót dại”. Cô trầm ngâm: “Nói trót dại cũng được mà nói không trót dại cũng được. Nói trót dại bởi chúng khờ quá, có đứa chỉ chừng 15-16 tuổi, còn nói không trót dại cũng không sai, bởi trót sao mà trót đến 2-3 lần? Có đứa nắm lấy tay tôi, giọng tha thiết rồi khóc lóc nhờ tôi chôn cất giúp. Nhưng cũng có đứa nghĩ dại, vào nhà vệ sinh giật nước cho trôi đi hoặc nhét vào thùng rác nhà vệ sinh…”. Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm dừng giữa chừng khi cô Hương không kìm được nước mắt.
Cùng “nghề” với cô Hương còn có anh Lê Văn Tính, chỉ khác nếu cô Hương là người nhặt những thai nhi bị chối bỏ khi còn trong bụng mẹ thì anh Tính có vẻ “may mắn” hơn, được đón những đứa trẻ may mắn được bố mẹ chúng cho ra đời.
Anh Tính đang làm việc tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Bình Dương), 34 tuổi, có thâm niên 10 năm đi nhặt trẻ sơ sinh và chính anh đã “phát hiện” ra hơn 20 đứa trẻ ở những gốc cây, bụi cỏ, thùng mì... Cái lý lịch trích ngang của anh Tính là lý lịch chung của những người làm ở trung tâm này, bởi những người ở đây ít nhiều cũng đã vài lần nhặt được những đứa trẻ sơ sinh bị bố mẹ chối bỏ.
Trung tâm nhân đạo Quê Hương là trung tâm “con rơi” lớn nhất Bình Dương, nơi đây đang nuôi dưỡng 300 trẻ, trong đó hơn 80% số trẻ ở đây là con công nhân. Tuy nhiên, số trẻ là con công nhân được Trung tâm Quê Hương nhặt về (hơn 200 em) chỉ là một số nhỏ, chưa phản ánh hết thực tế, đó là chưa kể đến các trẻ bị bỏ ở bệnh viện, các mái ấm, nhà mở, ngay cả gốc cây, thùng rác bên đường… được người dân nhặt được trong thời gian qua.
Trung tâm nhân đạo Quê Hương nằm gần các KCN Đồng An, KCN VISIP, KCN Việt Hương, KCN Sóng Thần I-II, KCN Tân Đông Hiệp… Đây là nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân nên Quê Hương là chỗ lý tưởng để công nhân “gửi con” và không bao giờ đến nhận lại. Chỉ trong tháng cuối năm 2012, Trung tâm Quê Hương đã nhặt 4 trẻ sơ sinh, trong đó có trẻ chỉ mới vài ngày tuổi.
Bà Huỳnh Tiểu Hương - Giám đốc kiêm sáng lập Trung tâm Quê Hương - kể: Phần lớn trẻ ở đây được nhặt về từ các thùng rác, bụi cây… quanh các KCN, nhiều trẻ bị cha mẹ bỏ lâu quá, trung tâm phát hiện trễ nên bị kiến cắn, chuột gặm tay chân; 70% số trẻ bị bỏ khi trời gần sáng, không được giữ ấm nên nhiễm lạnh, dẫn đến viêm phổi...
Người trong cuộc nói gì?
Trong những ngày đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Tại sao nữ công nhân bây giờ xem chuyện giấu bầu, phá thai, tự sinh con rồi vứt con là bình thường?”, đi đâu tôi cũng nghe những câu giải thích theo kiểu: “Không chồng mà có chửa ấy là một điều cấm kỵ, đã vậy sinh con ra nữa thì chỉ có nước trốn xứ mà đi”, và “Đời sống của những nữ công nhân còn quá nhiều khó khăn, đến miếng ăn, cái mặc của chính bản thân còn thiếu thốn thì nói gì đến chuyện nuôi con, trong khi người yêu, chồng hờ đã cao chạy xa bay”, rồi “Đối với những công nhân ở đây, không chồng mà có con thì xem như cuộc đời chấm hết. Bởi nữ công nhân thì nhiều, có nhiều công ty, khu trọ chỉ toàn là nữ, mà toàn là con gái mới lớn. Trai kén vợ, chọn bồ ai thèm ngó ngàng đến người đã có con. Nếu đã chọn nuôi con thì phải làm “gái một con” suốt đời...
Vậy nên nữ công nhân có bầu là phải bỏ, không bỏ thai thì sau đó bỏ con. Nhưng muốn bỏ con mà không ai biết thì trước hết phải không cho người khác biết mình có bầu, phải giấu cho khéo đến kỳ sinh nở, chuyển dạ cũng chẳng ai biết là mình sắp đẻ thì đó mới là giấu thành công. Để giấu cái thai đang ngày một lớn dần lên, cách thủ công nhất và được nhiều nữ công nhân áp dụng là quấn băng thun hoặc vải cotton quanh bụng để nịt lại. Sau đó chọn những bộ quần áo rộng, mặc thêm áo khoác để che mắt thiên hạ… Nhiều nữ công nhân trót dại một lần, mà cũng có người trót dại đôi ba lần.
Yêu vội, yêu không “thẩm định”, yêu cho bằng bạn bằng bè, để rồi kết quả của những tình yêu vội ấy là những lần phá thai, hoặc chỉ vì giận người yêu mà đành tâm vứt con như vứt rác. Nữ công nhân may Cty P.P tên Bùi Thị L (19 tuổi, quê Quảng Trị) được xem là trường hợp đầu tiên được “lên báo” vì đã một mình “vượt cạn, vứt con”.
Những người hàng xóm ở đây kể lại, đứa con của L bị vứt ra gần mương nước, cạnh khu gò mả ở phường Phước Long B, quận 9, TPHCM. Đứa trẻ được một người đi cắt lá lốt trong vườn phát hiện khi cơ thể còn đầy máu, nhớt, bánh rau và miệng vẫn còn ngậm dây rốn… Sau khi đứa trẻ được cứu sống thì L cũng đến trạm xá để điều trị hậu sản. Sau một hồi chối bỏ thì cuối cùng L cũng phải nhận đứa trẻ là con của mình. Giải thích cho hành động nhẫn tấm vứt con của mình, L bảo vì đang giận người yêu (cha đứa trẻ) nên làm thế!
“Có nhiều đứa khờ dại đến mức không thể hình dung nổi. Đến giờ sau nhiều năm, nhưng tôi vẫn còn ám ảnh chuyện một cô bé chừng 15-16 tuổi tự phá thai nhưng cái thai không chịu ra hết, bị băng huyết, may mắn được bạn bè đưa đến kịp thời, nếu không thì... Tụi nhỏ chẳng hiểu gì về sức khoẻ sinh sản, hoặc những nguy hiểm mà chúng có thể gặp phải. Tôi hỏi “tại sao các con liều mạng thế?” thì chúng bảo “con sợ quá, nghe mấy chị đi trước nói chuyện rồi học lỏm làm theo”.
Cũng như con bé Linh, khi tôi hỏi sao lại vứt con như thế, con tự sinh không sợ nguy hiểm đến tính mạng sao? Con bé chỉ bảo lúc đó quẫn quá, nếu không vứt thì không biết sẽ làm gì với đứa trẻ. Con bé bảo nghĩ lại thì có sợ nhưng lúc đó không biết làm thế nào cả nên mới làm liều như vậy…” – cô Hương tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Lệ - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình Marie Stopes International Bình Dương (Dĩ An, Bình Dương) cho biết: Những nữ công nhân giấu bầu tinh thần không được thoải mái do lúc nào cũng hồi hộp, lo sợ dẫn đến căng thẳng, hành động sai lầm. Mặt khác, thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng, phát triển không cân đối do bị mẹ “bó chặt”, không được thăm khám, tầm soát các bất thường. Đứa trẻ thường sinh ra trong điều kiện không tốt, không có bác sĩ chăm sóc, không được vô trùng nên dễ mắc bệnh, đặc biệt là đứa trẻ thường bị mẹ vứt bỏ. Rồi việc tự sinh con dễ gặp phải tổn thương cơ quan sinh dục như rách âm đạo, rách tầng sinh môn, rách cổ tử cung, có thể vỡ tử cung dẫn đến tử vong; băng huyết sau sinh nếu nặng sẽ dẫn đến tử vong; nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng rốn… nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời thì rất dễ tử vong… |