Họ là những người phụ nữ thồ những hàng hóa là kẹo, mứt, hạt dưa…lên cho đồng bào dân tộc vùng cao sắm sửa đón Tết. Với mong muốn được góp chút hương xuân từ đồng bằng lên được với người dân nơi xa xôi, hẻo lánh là niềm vui, hạnh phúc của mình.
Mang theo cái nghĩa, cái tình
“Hàng hóa đã chất lên xe hết chưa? Nào mọi người kiểm tra thật kĩ lần cuối chúng ta lên đường!” – Chị Trần Thị Minh, một chủ hàng tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đang bê thùng hoa quả dặn lại mọi người trong chuyến đi.
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là xe các chị không chỉ chở hàng hóa thường ngày mà còn chở thêm nào mứt, hạt dưa, bánh kẹo theo nhu cầu người dân. “Chuyến xe này chúng tôi lên huyện Nam Giang bán cho người dân. Những ngày này, ai cũng lo đủ chuyện gia đình nhưng tất cả cũng bảo nhau gắng chuyến cuối cùng để người dân vùng cao cũng được đón tết vui vẻ.” – Chị Minh nói.
Từ huyện Đại Lộc, chúng tôi theo xe chị Minh lên vùng cao Nam Giang. Xe từ từ lăn bánh trong màn sương dày đặc, lạnh rét cả người. Trên xe có năm người thì có bốn là phụ nữ, để che cái lạnh phải mặt thêm áo mưa bên ngoài cho ấm. Chị Minh bảo, những lúc trước chị em phải đi bằng xe máy, đi từng đoàn 4 xe để rọi đèncho nhau. Nhưng có nhiều lần, đành bỏ lở buổi họp chợ do đường đi khó, trơn trượt, xe lủng lốp, nguy hiểm tính mạng. Thế nên, mua bán một thời gian, bốn chị em bàn tính góp vốn rồi vay ngân hàng mua chiếc xe tải nhỏ, không chỉ đi đường an toàn hơn mà còn chở được nhiều, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong thời gian dài.
Bắt chuyện với chị Nguyễn Thị Lan (40 tuổi) trong chuyến đi, chị cho biết: “Tôi đi cùng các chị cũng được hơn 4 năm rồi, lúc trước thì chồng đi thồ hàng lên bán nhưng chẳng may anh bị tai nạn mất sớm, tôi một mình phải chật vật nuôi 3 đứa con. Các chị em khuyên, thôi thì dù sao cũng là cái nghề chồng đã làm, giờ không làm lấy chi nuôi con, còn các mối hàng nữa…Thế là tôi cũng đi bán hàng hóa lên vùng cao theo các chị đến nay".
Người dân xã Chà Val mua sắm Tết nhờ xe tải chở hàng hóa dưới đồng bằng lên
Công việc của các chị là mua rau, củ, quả, cá, tôm…dưới xuôi, sau đó chở lên các xã, huyện vùng cao bán lại. Những ngày gần tết, người dân vùng cao cũng cần hạt dưa, mứt tết, bánh kẹo nên các chị nhận luôn việc mua hàng hóa này. “Chỉ vì bà con dân tộc trên đây đã quen với mình, đi vì cái nghĩa, cái tình thôi. Cách đây vài năm, nhà nào có điều kiện mới gửi mua được vài kg hạt dưa để trong nhà là vui rồi. Giờ điều kiện sống của nhiều người đã khá hơn, tết nhất mỗi nhà cũng cần 2-3kg hạt dưa, bánh kẹo, thùng bia cho vui vầy hơn, mình nhận luôn mua cho bà con mừng!”, chị Lan chia sẻ.
Sau hơn 3 giờ chạy, xe chở hàng cũng đến vùng cao xã Chà Val (huyện Nam Giang). Từ xa, nhiều người dân đã đợi sẵn để mua hàng. Xe dừng, hàng hóa được lấy xuống, người dân xúm vào phụ giúp gỡ hàng xuống xe, tiếng cười nói rộn ràng vui vẻ cả góc đường.
Chúng tôi quan sát, các loại rau, củ, quả được để dưới cánh xe, còn hàng thịt heo, gà để nguyên sang một góc đường cho dễ chọn. Người dân đã đặt hàng trước thì các chị coi tên trên sổ ghi chép lấy cho nhanh. Điều đặc biệt trong lúc mua bán là không có mặc cả, bởi lẽ người dân đã quá quen cách đặt hàng qua điện thoại, giá cả trước khi đem lên nên ai cũng vui vẻ lấy sớm cho kịp về nhà.
Chị Zơ Râm Thị Nhinh, người dân xã Chà Val nói trong niềm vui: “Năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi cũng đón tết có đầy đủ hạt dưa, mứt dừa, bánh kẹo của các chị đem lên bán. Nay nay trúng mùa bắp, tết họ hàng sum họp nên mua thêm thêm thùng bia nữa cho có không khí xuân.”
Chỉ vỏn vẹn hơn một giờ, hàng hóa đã được mua hết, các chị tranh thủ vào các nhà dân gần đó để nói chuyện, hỏi thăm không khí tết. Ai cũng cười nói rôm rả, kể công việc được mùa, con cháu học ở xa về đón tết nên gia đình vui vẻ.
Hai vợ chồng chị Lệ thồ hàng hóa tết lên vùng cao bán cho người dân
Người dân vui mình cũng vui
Trên đường lên huyện Nam Giang, chúng tôi còn bắt gặp nhiều đôi vợ chồng chạy xe máy đem theo hàng tết dưới xuôi lên bán lại cho người dân. Bắt chuyện với hai vợ chồng chị Lệ, ở huyện Đông Giang, chị cho biết: "Cũng gần tết nên tranh thủ đi bán kiếm đồng ra đồng vào lo sắm sửa tết, nhưng quan trọng hơnlà người dân đang mong mình. Nếu như ngày bình thường có việc không thể lên được thì ngày giáp tết bận mấy cũng phải lên".
Chị Lệ nói: “Do nhiều người dân không quen mua mà muốn đổi hàng hóa, mình cũng đem theo những thứ họ cần, đổi lại tương xứng với giá trị muốn đổi. Nhiều người cũng gửi sắm đồ tết, hạt dưa, trái cây nên mình lựa chọn mang theo lên cho chọn”.
Do đi xe máy nên sau khi bán tại xã Chà Val, hai vợ chồng chị Lệ lại tiếp tục vượt các con đường rừng gập ghềnh để vào các thôn bản của xã Đắc Pree, Đắc Pring và Chơ Chun xa xôi của huyện Nam Giang. Khi vào các xã vùng sâu, cuốn sổ của chị Lệ lại “dày” lên các mặt hàng người dân dặn cho chuyến lên lần sau vì không có điều kiện mua như: xoong, nồi, lịch và quần áo trẻ em.
Hai vợ chồng chị Lệ chỉ là một trong nhiều tiểu thương buôn bán nhỏ trong nhiều bạn hàng quen của người dân. Với họ, không phải kiếm những đồng lãi trong những ngày giáp tết được bao nhiêu mà quan trọng là đem những hàng hóa người dân cần cho cái tết ấm cúng. “Người dân vui mình cũng vui vì góp chút xuân!”, chị Lệ cười nói.