Gần Tết, số lượng bệnh nhi nhập viện vì bệnh thủy đậu tăng cao và bệnh này đang có nguy cơ bùng phát mạnh.
Nhiều trẻ bị biến chứng
Bình thường, mùa dịch bệnh thủy đậu bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng hiện nay, ở TP.HCM có khá nhiều trẻ mắc bệnh này. Tại khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện có 6 trẻ đang được nằm điều trị. Điều đáng nói, bệnh thủy đậu nếu diễn biến thông thường có thể điều trị tại nhà, riêng các trường hợp đặc biệt mới phải nhập viện điều trị.
Chị Dương Thị H. buồn bã ngồi nhìn cậu con trai chưa tròn 3 tuổi với những nốt chấm đỏ chi chít trên người. Chị cho biết, trước đây mấy ngày, người hàng xóm bị bệnh thủy đậu. Biết ý, chị đã cách ly vì sợ con trai bị nhiễm. Thế nhưng, khi người hàng xóm vừa hết cũng là lúc con trai của chị nổi các nốt chấm trên người. Vì bệnh nặng, chị đành cho con nhập viện.
Trẻ vật vã khi bị bệnh thủy đậu
Chị Nguyễn Yến Ng. cũng cho hay, cách đây hai tuần, chị bị bệnh thủy đậu. Người thân không cho hai mẹ con chị gần nhau vì sợ con bị lây bệnh. Chị vừa hết bệnh, con bắt đầu có những nốt bỏng ở trên đầu. Ba ngày trôi qua, nốt rạ mọc khắp người, nêncho con từ tỉnh Tiền Giang lên TP.HCM nhập viện.
Cũng đang chăm sóc cho con cùng phòng bệnh, chị Lý Thị Kim Ng. rất lo lắng cho đứa con chỉ mới 5 tháng tuổi. “Cháu còn nhỏ quá mà đã lây bệnh thủy đậu. Nốt rạ khiến bé khó chịu nên cứ khóc suốt làm tôi xót lòng không chịu được”, chị nói.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện tại cũng có 4 ca bệnh nhi được điều trị bệnh thủy đậu. Điều đáng lo ngại là có khá nhiều trẻ chỉ vài tháng tuổi bị nhiễm bệnh. Sức đề kháng của những trẻ này rất yếu nên khả năng chống chọi với bệnh tật rất kém.
Trong quá trình trao đổi, nhiều bậc phụ huynh thừa nhận mặc dù con đã đến tuổi tiêm vắc xin thủy đậu nhưng không đưa đi tiêm phòng. Một số phụ huynh khác lại cho hay không biết có vắc xin ngừa bệnh thủy đậu…
Trong khi đó, cách đây chưa lâu, Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, TP.HCMcho biết, đã phát hiện một ổ dịch thủy đậu tại trường mầm non chuyên biệt Tuổi Ngọc. Trường này có 38 học sinh và 30 nhân viên. Hiện tại, ngôi trường đã được khử khuẩn và tiếp tục giám sát.
Không nên để “nước đến chân mới nhảy”
Bác sĩ Đỗ Châu Việt (Trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, các tháng trước, không có trẻ nào nhập viện vì bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, hai tuần qua, số trẻ nhập viện vì bệnh thủy đậu tăng cao. Mỗi ngày, có 2 đến 3 trẻ được điều trị tại bệnh viện. Đỉnh điểm, có lúc 5 đến 6 trẻ cùng được điều trị bệnh này.
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1) cho hay, số lượng trẻ nhập viện trong hai tuần qua tăng cao so với các tháng trước. Đến nay, mỗi ngày có chừng 5 đến 6 trẻ được nhập viện điều trị bệnh thủy đậu. Các ca được nhập viện chủ yếu là bị biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu. Rất may mắn, hiện tại, chưa có bệnh nhi nào tử vong.
Một cặp vợ chồng chăm sóc con bị thủy đậu
Bác sĩ Khanh lo lắng, với tình hình hiện nay, trong dịp tết cũng như những tháng tiếp theo, số lượng trẻ lây bệnh này sẽ tăng cao. Trong khoảng thời gian tới, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh thủy đậu chắc chắn sẽ nhiều hơn. Đến lúc đó, nhiều người kéo nhau đi tiêm vắc xin phòng thủy đậu và có thể dẫn đến tình trạng quá tải.
Bác sĩ khuyến cáo, đối với những trẻ đến tuổi tiêm phòng bệnh thủy đậu, phụ huynh nên đưa đi tiêm ngừa. Phụ huynh không nên để đến khi có người bị nhiễm bệnh thì mới cho con đi tiêm ngừa. Bởi, đối với bệnh này, đối với những người đã bị nhiễm nhưng chưa nổi mụn nước vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Thậm chí, khi đã hết mụn nước nhưng vi rút vẫn còn tồn tại thì vẫn có thể lây cho người khác.