Ở châu Âu, người ta đang tranh cãi xem liệu lục địa già có đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần 2 hay không để đưa ra phản ứng với dịch bệnh sao cho phù hợp.
Sau khi áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa xuân, châu Âu đã dần kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu mở cửa trở lại, nhiều hạn chế biên giới được dỡ bỏ. Ngày 1.7, Liên minh châu Âu đã cho phép khách du lịch quốc tế từ một số quốc gia nhập cảnh.
1. Italia
Italia là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và kinh nghiệm đối phó với Covid-19, tình hình dịch bệnh ở Italia đã được cải thiện đáng kể, ít nhất là cho đến nay.
Ngày 4.5, khi Italia bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, vẫn có hơn 1.200 ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện trong ngày. Từ 1.7, số ca nhiễm mới sau 24 giờ ở Italia đã giảm đáng kể, dao động trong khoảng 150 – 200 trường hợp. Vẫn còn một số cụm nhiễm Covid-19 trên cả nước nhưng chủ yếu là các trường hợp nhập cảnh.
“Chúng tôi đã rút ra bài học, chúng tôi không mở lại các trường học như Pháp đã làm. Chúng tôi chú trọng theo dõi tiếp xúc và quản lý hiệu quả các ổ dịch mới xuất hiện”, Walter Ricciardi – cố vấn y tế cao cấp của chính phủ Italia – nói.
Trong khi đó ở Tây Ban Nha, Pháp và Đức lại đang đứng bên bờ vực của làn sóng lây nhiễm thứ 2 khi số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh.
Tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp ngoài biên giới Italia là nguyên nhân vì sau Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 28.7 tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia cho tới tháng 10.
Một người đàn ông ngất xỉu trên đường phố Italia giữa dịch Covid-19 hồi tháng 3 (ảnh: The Sun)
Điều này đồng nghĩa là các lệnh phong tỏa cục bộ sẽ vẫn tiếp diễn và những biện pháp kiểm dịch cần thiết vẫn sẽ được áp dụng ở Italia.
“90% dân số Italia giờ đã đeo khẩu trang khi ra đường. Điều này rất hữu ích. Người dân Italia đã rút ra bài học. Chúng tôi đã kiểm soát được dịch bệnh và điều quan trọng nhất hiện nay là phải tiếp tục tập trung, không chủ quan”, ông Walter Ricciardi nói.
Ông Walter Ricciardi bày tỏ hy vọng Italia sẽ không bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm lần 2 của đại dịch.
Italia hiện vẫn cấm du khách tới từ 16 quốc gia được cho là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
“Tình hình đang tốt dần lên. Chúng tôi đã thực hiện xét nghiệm diện rộng. Mọi thứ sắp tới sẽ tốt đẹp hơn hay tồi đi là do chúng ta”, Fabrizio Pregliasco – chuyên gia virus học ở Milan, Italia – nhận xét.
Đến ngày 30.7, Italia ghi nhận 246.776 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 35.129 trường hợp tử vong.
Italia đã đón khách du lịch ở lại (ảnh: The Guardian)
2. Tây Ban Nha
Ở Tây Ban Nha, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Catalonia. Hơn 8.000 ca nhiễm Covid-19 mới đã được phát hiện ở Catalonia trong 14 ngày gần đây, chiếm gần 1/2 tổng số ca nhiễm cả nước trong cùng thời gian.
Chính quyền Catalonia đã yêu cầu tất cả quán bar, câu lạc bộ đêm phải đóng cửa. Người dân được khuyến cáo nên hạn chế ra đường để tránh nguy cơ lây nhiễm virus.
Tuần trước, Bộ Y tế Tây Ban Nha thừa nhận, nước này đang phải đối phó với làn sóng dịch bệnh mới, sau khi lệnh phong tỏa cả nước được dỡ bỏ.
Việc các nước Anh, Đức, Na Uy, Hà Lan, Bỉ tuyên bố hạn chế du lịch tới Tây Ban Nha khiến kinh tế nước này bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngành du lịch chiếm 12% GDP của xứ sở bò tót.
Đến ngày 30.7, Tây Ban Nha ghi nhận 329.721 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 28.441 trường hợp tử vong.
Thanh niên tụ tập ngoài trời ở Tây Ban Nha (ảnh: The Guardian)
3. Pháp
Ở Pháp, Bộ trưởng Y tế kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác sau khi các trường hợp nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.
“Chúng tôi đang triển khai xét nghiệm diện rộng nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị phát hiện dương tính với Covid-19”, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết.
Hôm 27.7, chính phủ của ông Emmanuel Macron đã đề nghị các công ty y tế xây dựng các kho dự trữ khẩu trang, đề phòng đợt bùng phát mới của dịch bệnh.
Từ ngày 20.7, Pháp đã bắt buộc toàn dân phải đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng trong nhà nếu không muốn bị phạt 135 euro. Biện pháp này được đưa ra sau khi một số thành phố nước này xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới.
Tỷ lệ lây nhiễm virus ở Pháp cũng đang có xu hướng nhích lên. Vài tuần trở lại đây, mỗi ngày Pháp ghi nhận thêm khoảng 1.000 ca nhiễm mới.
“Chúng ta đang làm hỏng những tiến bộ đạt được sau khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng. Các công dân dường như đã không còn cảnh giác với dịch bệnh khi kỳ nghỉ hè đến, một số người nhiễm virus không chịu tự cách ly ở nhà”, Bộ Y tế Pháp thông báo.
Một số người châu Âu đã không còn cảnh giác trước dịch bệnh (ảnh: Euro News)
“Nhiều người dân Pháp có du cầu đi du lịch trong mùa hè và đây là thời điểm quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. Có những khu vực tăng khoảng 60.000 – 80.000 khách du lịch trong ngày”, Jerome Marty – Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Pháp – nhận xét.
Đến ngày 30.7, Pháp ghi nhận 185.196 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 30.238 người tử vong.
4. Đức
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn mới đây tuyên bố nước này sẽ áp dụng xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với những du khách, người nhập cảnh từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm virus cao.
Chính quyền Đức hôm 27.7 kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm dịch để giảm số ca nhiễm trung bình mỗi ngày từ 800 xuống còn 500 trường hợp.
Chánh văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun cho biết, sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây là đáng lo ngại. Những ca nhiễm virus mới thường tập trung ở các công ty chế biến thịt và những cuộc vui chơi, tiệc tùng đông người.
Ở Berlin, cảnh sát đang phải vất vả để giải tán các cuộc tụ tập vui chơi đông người ngay trên đường phố và công viên.
Lothar Wieler, Giám đốc viện Robert Koch, cơ quan phòng tránh bệnh truyền nhiễm của Đức, cho rằng châu Âu có khả năng hứng chịu làn sóng thứ hai của Covid-19.
Ông Wieler bày tỏ lo ngại khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao tại nhiều khu vực của Đức do tâm lý chủ quan của người dân. Trong báo cáo gần đây, Viện Robert Koch cho rằng, nhiều ca nhiễm virus xuất hiện khi người dân quay lại làm việc, tụ họp gia đình hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí.
Tuy nhiên, Dirk Brockmann – giáo sư tại Đại học Humboldt – cho rằng, người Đức đã có ý thức đeo khẩu trang khi đi mua sắm, lên tàu điện ngầm vì vậy tình hình dịch bệnh sẽ sớm được cải thiện.
Đế ngày 30.7, Đức ghi nhận 208.811 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 9.212 người tử vong do virus.
Châu Âu từng là điểm nóng Covid-19 của thế giới (ảnh: Reuters)
5. Anh
Hôm 28.7, Thủ tướng Anh đã cảnh báo về làn sóng Covid-19 thứ 2 đang xuất hiện ở châu Âu.
“Tôi e rằng chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến dấu hiệu của làn sóng dịch bệnh thứ hai tại một số nơi ở châu Âu”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói hôm 28.7.
Oldham vừa trở thành phố mới nhất tại Anh áp dụng cách ly xã hội để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Người dân Oldham được khuyến khích không ra khỏi nhà và duy trì khoảng cách tối thiểu 2 mét khi ở nơi công cộng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng gia hạn lệnh cấm những những chuyến đi không cần thiết tới Tây Ban Nha – nơi dịch bệnh đang có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, Pháp và Bỉ cũng khuyến cáo người dân bỏ kế hoạch dành thời gian nghỉ hè để tới Tây Ban Nha du lịch.
Người dân Anh đã bắt đầu ra khỏi nhà để đi dạo, vui chơi, xem phim và ăn tối ở các nhà hàng sau khi các biện pháp kiểm dịch được nới lỏng.
Số liệu từ cơ quan y tế Anh cho biết, mỗi ngày nước ngày ghi nhận từ 2.500 – 2.7000 ca nhiễm mới. Nếu tình hình không sớm được cải thiện, sẽ có khoảng 43 – 84 người tử vong/ngày ở Anh do Covid-19.
Đến ngày 30.7, Anh ghi nhận 301.455 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 45.961 người tử vong.
Một số người châu Âu đã không còn cảnh giác trước dịch bệnh (ảnh: Euro News)
6. Thụy Điển
Thụy Điển từng gây tranh cãi khi quyết định không thực hiện nhiều các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Hôm 16.7, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, ông không nghi ngờ vì về chiến lược chống Covid-19 theo kiểu “miễn dịch cộng đồng”.
Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Lofven đã tăng lên sau khi ông quyết định không áp dụng biện pháp phong tỏa cả nước, bất chấp số ca nhiễm và người tử vong do Covid-19 tăng lên.
“Chiến lược này là đúng và tôi hoàn toàn bị thuyết phục”, ông Lofven nói.
Mặc dù số ca nhiễm virus ở Thụy Điển cao hơn một số nước láng giềng nhưng miễn dịch cộng đồng vẫn chưa xuất hiện ở quốc gia này.
Câu hỏi về đeo khẩu trang đang đặc biệt gây tranh cãi ở Thụy Điển. Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu nước này – ông Anders Tegnell – đã bác bỏ sự hiệu quả của việc đeo khẩu trang trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19. Thụy Điển đến nay chưa khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Duy trì được hệ thống giáo dục là điểm sáng trong chiến lược chống dịch của Thụy Điển. Cụ thể, nước này vẫn cho phép học sinh dưới 16 tuổi đến trường.
Ngân hàng SEB dự báo GDP của Thụy Điển sẽ giảm 5% trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 12% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, nền kinh tế Thụy Điển sẽ khá hơn so với các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh như Anh, Pháp, Italia hay Tây Ban Nha.
Đến này 30.7, Thụy Điển ghi nhận 79.782 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 5.730 người tử vong, chủ yếu là người cao tuổi trong các viện dưỡng lão.