Những vấn đề cần lưu ý về bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc

Ngày 18/09/2020 18:00 PM (GMT+7)

Khi nghỉ việc, nếu đủ điều kiện người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc BHXH một lần.

Do đó, để được hưởng trọn quyền lợi về bảo hiểm khi nghỉ việc, người lao động phải thực hiện ngay những việc sau:

1. Lấy sổ BHXH và các giấy tờ chứng minh việc nghỉ việc

Theo quy định tại khoản 3, Điều 47 Bộ Luật Lao động năm 2012, sau khi người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác đã giữ của người lao động gồm: Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Những vấn đề cần lưu ý về bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc - 1

Khi nghỉ việc, nếu đủ điều kiện người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc BHXH một lần

Đây là một trong số những giấy tờ quan trọng, bắt buộc phải có để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 6, Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.

2. Lấy bảo hiểm thất nghiệp

Trong thời gian thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động cùng với hỗ trợ người lao động khi tìm kiếm việc làm mới, học nghề…

Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, bảo hiểm thất nghiệp gồm các quyền lợi sau đây: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm; hỗ trợ việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

3. Nhận BHXH một lần

Thay vì chờ đủ tuổi để nhận lương hưu thì người lao động có thể đăng ký nhận BHXH một lần . Trong đó, theo Điều 60 Luật BHXH, người lao động có thể nhận BHXH một lần nếu có yêu cầu và đáp ứng điều kiện: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; Đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn); Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần (theo khoản 1, Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015)…

Khi đó, mức hưởng BHXH một lần của người lao động đã nghỉ việc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước 2014; Hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Những quy định về tự đóng BHXH

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014, người lao động thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc gồm người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn, mùa vụ hoặc một công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng…

Đồng thời, theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Luật BHXH thì người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc.

Những vấn đề cần lưu ý về bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc - 2

Sau khi nghỉ việc, người lao động có thể lựa chọn một trong hai phương án là bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc tham gia BHXH tự nguyện

Do đó, căn cứ các quy định trên, có thể thấy nếu một người lao động đã nghỉ việc thì có thể xảy ra 2 tình huống sau đây:

1. Bảo lưu thời gian đóng BHXH

Theo Điều 61 Luật này, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Đồng thời, về việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, tại khoản 5, Điều 3 Luật BHXH 2014 quy định: Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH.

Do đó, người lao động có thể lựa chọn cách bảo lưu thời gian đóng BHXH bởi khi tham gia BHXH bắt buộc người lao động được hưởng nhiều chế độ hơn như: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.

Sau này, khi tìm được việc làm mới thì người lao động có thể tiếp tục đóng BHXH bắt buộc và được cộng dồn thời gian đóng BHXH trước đó.

2. Tham gia BHXH tự nguyện

Bên cạnh việc bảo lưu thời gian đóng BHXH thì người lao động có thể lựa chọn đóng BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (tạm trú hoặc thường trú) theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1, Điều 3 Quyết định 959 để được hưởng lương hưu và chế độ tử tuất.

Cụ thể, các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (theo khoản 4, Điều 2 Luật BHXH 2014).

Tại khoản 1, Điều 87 Luật BHXH 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: 700.000 đồng/người/tháng (theo điểm a, khoản 1, Điều 1 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ); Mức lương cơ sở tính đến thời điểm hiện nay: 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Do đó, 20 lần mức lương cơ sở là 29,8 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất là 6,556 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 154.000 đồng/tháng. Đây là quy định về việc tự đóng BHXH sau khi nghỉ việc của người lao động. Khi đó, người lao động có thể lựa chọn một trong hai phương án là bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc tham gia BHXH tự nguyện.

12 trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế dù đúng tuyến
Căn cứ quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và Khoản 16 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014 thì người có thẻ BHYT sẽ không được hưởng BHYT dù đi...
Theo H.Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h